NHNN có thể cân nhắc việc mở rộng danh sách các đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu, hoặc thậm chí là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp đáp ứng được yêu cầu về mặt pháp lý. Việc tăng cường minh bạch trong quy trình đấu thầu và cung cấp dữ liệu thị trường một cách công khai và định kỳ cũng sẽ góp phần tạo niềm tin cho thị trường vàng.
Mới đấy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản thông báo huỷ thầu gửi đến các tổ chức tín dụng/doanh nghiệp. Theo đó, căn cứ Thông tư số 06 ngày 12/3/2013 của Thống đốc NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN. Căn cứ quy trình về mua bán, vàng miếng của NHNN ban hành kèm theo Quyết định số 563 ngày 18/3/2013 và các văn bản sửa đổi bổ sung liên quan, NHNN thông báo huỷ thầu do chỉ có 01 đơn vị nộp phiếu dự thầu.
Đây không phải lần đầu NHNN huỷ đấu thầu, trước đó, ngày 22/4, NHNN cũng đã hủy và dời lịch đấu thầu do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw nhận định, trong bối cảnh hiện tại, việc NHNN tổ chức đấu thầu vàng có vẻ chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, khi mà các phiên đấu thầu liên tục bị hủy do thiếu sự tham gia của các đơn vị. Điều này cho thấy có một sự không tương xứng giữa cung và cầu trên thị trường vàng, cũng như có thể phản ánh những bất cập trong cơ chế tổ chức đấu thầu.
Để cải thiện tình hình, NHNN có thể cần xem xét lại các điều kiện tham gia đấu thầu, mức đặt cọc, và cách thức công bố thông tin đấu thầu để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng. Bên cạnh đó, việc đánh giá lại mức giá sàn và cơ cấu phiên đấu thầu cũng có thể cần được xem xét để phản ánh chính xác hơn tình hình cung cầu và diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế.
Một số biện pháp NHNN có thể xem xét áp dụng để tăng hiệu quả của các phiên đấu thầu vàng bao gồm việc tăng cường công tác thông tin và truyền thông, đảm bảo rằng các đơn vị đủ điều kiện đều hiểu rõ về quy trình và lợi ích của việc tham gia đấu thầu.
Ngoài ra, NHNN cũng có thể cân nhắc việc mở rộng danh sách các đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu, hoặc thậm chí là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp đáp ứng được yêu cầu về mặt pháp lý. Việc tăng cường minh bạch trong quy trình đấu thầu và cung cấp dữ liệu thị trường một cách công khai và định kỳ cũng sẽ góp phần tạo niềm tin cho thị trường vàng.
Ngày 24/4, NHNN đã phát đi thông báo về việc tổ chức đấu thầu vàng miếng. Cụ thể, nhằm tiếp tục thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai ngay các giải pháp bình ổn thị trường vàng để xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao, NHNN tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC vào thứ Năm ngày 25/4. Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu tiếp tục là 16.800 lượng, tỉ lệ đặt cọc là 10%, khối lượng đấu thầu tối thiểu của một thành viên là 1.400 lượng, khối lượng đấu thầu tối đa của một thành viên là 2.000 lượng, NHNN không công bố cụ thể về mức giá tham chiếu. Ngày 23/4, NHNN cũng đã tiến hành đấu thầu 16.800 lượng vàng, phiên đấu thầu có sự tham gia của 07 ngân hàng thương mại và 04 doanh nghiệp bao gồm: ACB, MSB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, VPBank, HDBank và Công ty SJC, DOJI, PNJ, Phú Quý. Kết quả, có 02 thành viên trúng thầu 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng, mức giá trúng thầu thấp nhất 81,32 triệu đồng/lượng và mức giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng. |