Cần bình tĩnh trước khi rút tiền gửi tiết kiệm trước thời hạn.

Nội dung bài viết

An toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng là một trong những vấn đề rất quan trọng trong nhiều năm qua. Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành chức năng đã có nhiều biện pháp, chính sách để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống các tổ chức tín dụng. Liên quan đến các vấn đề về quyền lợi của người dân gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng và nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp liên quan đến các vụ án hình sự.  Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp về khung pháp lý đối với vấn đề trên như sau.

Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi 1. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp nếu ngân hàng liên quan tới các vụ án đang bị điều tra, số tiền gửi tiết kiệm hoặc mua trái phiếu của người dân có bị đóng băng hoặc ngừng giao dịch hay không? Những tài sản này có thể chịu số phận pháp lý ra sao?

Trả lời:

So với các kênh đầu tư khác, việc gửi tiết kiệm ở Việt Nam vẫn an toàn nhất. Bởi gửi tiền tiết kiệm ở Việt Nam theo đúng quy định luôn được bảo đảm an toàn. Ngay cả trường hợp xấu nhất thì theo quy định, ngân hàng cũng sẽ ưu tiên thanh toán cho người gửi tiết kiệm trước tiên sau đó mới đến các đối tượng, tổ chức khác. Tuy nhiên trường hợp này cũng khó xảy ra vì Ngân hàng nhà nước luôn bảo đảm hỗ trợ thanh khoản, và giữ an toàn cho cả hệ thống ngân hàng.

Còn đối với việc thanh toán trái phiếu, những công ty phát hành trái phiếu có nghĩa vụ trả tiền vào ngày đáo hạn cho người mua trái phiếu. Khi chưa đáo hạn mà xảy ra sự cố thì phải căn cứ vào quy định trong hợp đồng ký với tổ chức phát hành trái phiếu ở từng lần phát hành để xử lý.  

Câu hỏi 2. Trong trường hợp liên quan tới vụ án hình sự, ngân hàng có trách nhiệm như thế nào với số tiền của người dân? Pháp luật có quy định nào về việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền trong trường hợp này hay không?

Trả lời:

Hoạt động gửi tiền của người dân là hoạt động bình thường và tiền gửi của khách hàng là tài sản của khách hàng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ, ngành chức năng đã có nhiều biện pháp, chính sách để bảo đảm an toàn cho cả hệ thống các tổ chức tín dụng.

Người dân khi gửi tiền tại tổ chức tín dụng được pháp luật quy định với mức độ ưu tiên đảm bảo an toàn, bảo đảm khả năng chi trả, quyền lợi của người dân ở mức độ cao nhất từ Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Phá sản và các luật khác. Cụ thể:

Điều 146 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định khi ngân hàng đang thực hiện phương án cơ cấu lại mà có nguy cơ mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống thì sẽ được Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi và các ngân hàng thương mại cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản.

Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 quy định Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản. Theo đó, các tổ chức tín dụng đều phải tham gia bảo hiểm tiền gửi. Trong trường hợp ngân hàng không chi trả được cho người gửi tiền thì Bảo hiểm tiền gửi sẽ chi trả tiền bảo hiểm.

Ngoài ra, Điều 99 Luật Phá sản 2014 đã quy định tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng khi đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán.  Như vậy, chỉ khi nào Ngân hàng Nhà nước đã không thể "cứu" được nữa thì mới được phép yêu cầu tuyên bố phá sản ngân hàng.

Theo đó không chỉ ngân hàng SCB nói riêng mà hệ thống Ngân hàng nói chung sẽ có trách nhiệm với người dân gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. An toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng là một trong những vấn đề rất quan trọng trong nhiều năm qua. NHNN và các bộ, ngành chức năng chính là các cơ quan chuyên trách để kiểm soát vấn đề này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cuả ngừơi dân.

Câu hỏi 3. Theo đánh giá của luật sư, trước những thông tin hỗn loạn như hiện tại, người dân nên làm gì? Việc ồ ạt ra ngân hàng rút tiền có phải giải pháp hợp lý hay không?

Trả lời:

Người dân không nên hoang mang, không nên rút tiền trước hạn tiền gửi, làm ảnh hưởng quyền lợi của mình. Vì khi rút trước hạn, hưởng lãi suất không kỳ hạn 0.2 - dưới 1%/năm là rất thấp. Trong khi tiền gửi có kỳ hạn 7-8%/năm. Do đó, việc hoang mang, lo lắng rút tiền do thông tin không chính thống, người gửi tiền nên cân nhắc lại, vì quyền lợi của bản thân người gửi tiền.

Ngân hàng nhà nước hỗ trợ rất sát sao với SCB nói riêng và các ngân hàng khác nói chung, mọi diễn biến liên quan hoạt động SCB đã báo cáo thường xuyên liên tục cho ngân hàng nhà nước, đảm bảo an toàn hoạt động của SCB và hệ thống ngân hàng nên ngừoi dân có thể yêu tâm và cân nhắc thật ký trước những quyết định cuả mình. Việc ra ngân hàng rút tiền lúc này không những người dân bị mất quyền lợi về lãi suất mà còn mệt mỏi vì việc chờ đợi và tạo ra hiện tượng hỗ loạn đối với tình hình an ninh tại ngân hàng.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan