Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm/bài viết vềCấm môi giới bất động sản độc lập trên báo Vietnam Finnace. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đang vấp phải phản ứng khi đề nghị cấm cá nhân hoạt động môi giới bất động sản độc lập.
Người trong cuộc lên tiếng
Dương Tài, 37 tuổi, người Bà Rịa – Vũng Tàu, làm nghề môi giới bất động sản độc lập đã nhiều năm nay. Tài chọn nghề này vì không thích gò bó trong môi trường doanh nghiệp, được linh hoạt giờ giấc, đi lại và quan trọng hơn cả là không phải chia hoa hồng sau các giao dịch thành công. Khi nghe Bộ Xây dựng muốn cấm môi giới độc lập, Tài nói rằng đó là điều không thể, bởi dù độc lập hay thuộc một công ty, môi giới đều phải sống bằng uy tín cá nhân.
“Môi giới tay ngang có những người chụp giật, không có tâm, gây thiệt hại cho khách hàng khi tư vấn không đúng, tư vấn cho xong để lấy tiền, nhưng cũng có những người rất tận tâm và chân chính. Nhà đầu tư có tiền đủ khôn ngoan để biết ai là môi giới có tâm, có trình độ và khó có thể bị môi giới dắt mũi được”, Tài nhận định.
Đồng quan điểm, anh Vũ Hồng Phúc, trưởng phòng kinh doanh một tập đoàn bất động sản lớn tại Hà Nội, cho rằng Bộ Xây dựng không nên cấm môi giới bất động sản độc lập. Mỗi môi giới là một mắt xích quan trọng, không thể thiếu của thị trường bất động sản. Nếu như môi giới làm xấu, làm sai thì họ không thể trụ lâu trong nghề. Ở góc độ là doanh nghiệp môi giới bất động sản, ông Nguyễn Văn Tú, Tổng giám đốc Cao Nguyên Land, bày tỏ ý tưởng của Bộ Xây dựng là không hợp lý.
Theo ông Tú, thị trường vận hành theo quy luật cung cầu, khách hàng sẽ tự lựa chọn dịch vụ mà họ cảm thấy xứng đáng, bởi nhà đầu tư bất động sản không có ai dại khờ. Nếu môi giới độc lập mà dịch vụ không đủ tốt, họ tự khắc sẽ bị đào thải, không cần phải cấm. Thực tế nhiều ngành dịch vụ cũng tự đào thải như vậy rồi.
“Để chuyên nghiệp hoá nghề môi giới cần thay đổi nhiều thứ chứ không chỉ đơn thuần là cấm môi giới độc lập. Cấm môi giới độc lập mà người mua vẫn cứ tìm môi giới độc lập để mua thì làm sao cấm được. Thực tế câu chuyện về loạn giá bất động sản nên nhắc tên những chủ đầu tư lớn trước, chứ môi giới chưa đủ lực để thổi giá, làm giá bất cứ thị trường nào cả”, ông Tú nhìn nhận.
Đề xuất khó đi vào cuộc sống
Ở góc độ nghiên cứu thị trường, TS Đinh Thế Hiển cho biết cách đây hơn 10 năm có một quy định rất quyết liệt về kinh doanh bất động sản và môi giới bất động sản là các dự án phải bán qua sàn và tất cả các môi giới phải học 3 chức danh nghề. Thời điểm đó nở rộ phong trào lập các công ty sàn và đua nhau mở các trung tâm đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề. Nhưng sau đó, quy định này lại không đi vào thực tiễn.
“Bây giờ chúng ta tiếp tục làm lại nhưng tôi cho rằng đề xuất này nghe thì hay nhưng không đi vào cuộc sống được, sẽ giống như trước. Hơn nữa, đề xuất trên cũng vô tình làm cho những người môi giới độc lập có vẻ như đang làm việc bất hợp pháp. Theo tôi, quy định này cuối cùng sẽ tạo ra một hình thức trung gian thôi. Khi đó, để lách luật, môi giới độc lập sẽ hợp thức hoá bằng cách cộng tác với sàn giao dịch. Cuối cùng lại phải mất thêm một giấy phép con, thêm một bước khó khăn cho họ. Với cách thức này chỉ giải quyết được phần ngọn, còn phần gốc vẫn không thay đổi”, ông Hiển phân tích.
Dẫn ví dụ ở nước Mỹ, ông Hiển cho biết tất cả mua bán bất động sản đều phải thông qua ngân hàng và được thực hiện bởi người môi giới có chứng chỉ hành nghề. Khi đó, người môi giới phải chịu trách nhiệm về pháp lý, còn ngân hàng chịu trách nhiệm về việc kiểm tra độ chính xác của các thủ tục pháp lý đó. Đồng thời, nếu người bán cố tình khai thấp giá xuống để trốn thuế sẽ bị lưu lại trong hệ thống ngân hàng.
Do đó, ông Hiển cho rằng để giải quyết được phần gốc thì mọi giao dịch bất động sản phải thông qua ngân hàng, đây sẽ là cơ sở để thống kê được giá mua bán, giao dịch từng khu vực, từng loại hình bất động sản cũng như đưa ra mức thuế hợp lý. Từ đó, thị trường bất động sản sẽ trở nên minh bạch, dễ dàng hơn trong việc quản lý thuế, tránh được giá ảo…
Dưới góc nhìn pháp luật, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch Công ty Luật SBLaw, không nên cấm môi giới bất động sản độc lập mà cần tạo ra thị trường rõ ràng, minh bạch. Nếu như các môi giới cá nhân hoạt động độc lập mà có đủ chứng chỉ thì việc cấm sẽ hạn chế quyền của những người đang kinh doanh bất động sản với tư cách cá nhân. Cơ quan chức năng nên hậu kiểm, nếu họ đủ chứng chỉ hành nghề cũng như hoạt động môi giới đúng pháp luật thì không có lý do gì để cấm họ hành nghề theo cá nhân cả.
Ở phía bên kia của quan điểm, luật sư Trần Minh Cường - Đoàn Luật sư TP. HCM, ủng hộ đề xuất trên. Theo ông Cường, đề xuất này sẽ từng bước tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, tính minh bạch cao. Cơ quan quản lý nhà nước từng bước sẽ kiểm soát tốt thị trường, khắc phục được hiện tượng “sốt ảo”, “bong bóng” bất động sản và góp phần chống thất thu thuế cho nhà nước.
“Việc này trên thực tế cần được cụ thể hóa vào luật đồng thời các cơ quan chức năng được giao kiểm soát, xử lý cần thể hiện vai trò của mình, tránh trường hợp luật chỉ nằm trên giấy. Với thực tế tình hình môi giới hoạt động như hiện nay, cho dù khó quản lý, song hi vọng việc siết quy định này sẽ khiến thị trường ngày càng minh bạch hơn”, ông Cường nói.
Cần phải có mã số hành nghề
Để giải quyết tận gốc bài toán quản lý môi giới chất lượng, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng vấn đề then chốt của môi giới bất động sản là cần đào tạo bảo đảm yêu cầu kỹ năng nghiệp vụ chuyên nghiệp, quan trọng nhất là phải có chứng chỉ hành nghề và được cấp mã số định danh.
Một mã số hành nghề cho môi giới là rất cần thiết để quy trách nhiệm và căn cứ vào đó để nâng chất lượng của nghề môi giới. Trong tương lai, cơ quan quản lý nhà nước có thể chuyên nghiệp hóa trong quản lý môi giới bằng cách ứng dụng nền tảng công nghệ, quản lý để một môi giới chỉ làm một công ty, một dự án.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/cam-moi-gioi-bat-dong-san-doc-lap-rang-hay-thi-that-la-hay-20180504224261446.htm