Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên Truyền hình thông tấn về vấn đề: Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi liệu có khả thi? Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu 1: Như chúng ta đã thấy, trẻ con cũng có thể mua rượu tại Việt Nam. Mua rượu quả là đơn giản. Về cá nhân mình, Luật sư nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Trả lời:
Nghị định 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh rượu có hiệu lực từ 1/11/2017. Nghị định này quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ. Đáng chú ý nhất trong Nghị định mới của Chính phủ là việc cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi.
Việc quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi là một quy định đúng đắn, đưa hệ thống pháp luật nước ta đến gần hơn với quy định của các nước tiên tiến trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, rất phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.
Tuy nhiên, như ở phóng sự vừa rồi, trẻ em cũng có thể đi mua rượu một cách dễ dàng, hoạt động bán lẻ rượu và bán rượu để sử dụng tại chỗ gần như bị buông lỏng hoàn toàn và không phải chịu bất kỳ một cơ chế quản lý nào.
Rõ ràng đây là vấn đề khó, nan giải. Nó không khác mấy so với luật cấm hút thuốc là nơi công cộng ban hành vừa qua, khi các cơ quan chức năng không biết ai phạt, phạt ai.
Câu 2: Quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi không phải xuất hiện lần đầu tiên trong Nghị định 105/2017/NĐ-CP, mà nó được kế thừa, phát triển từ Nghị định 40/2008/NĐ-CP. Tiếp theo đó, Nghị định 73/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng quy định phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với người bán các loại rượu, nước uống hoặc các chất kích thích khác có nồng độ cồn từ 14 độ trở lên cho người chưa thành niên; bán rượu, bia cho trẻ em dưới 16 tuổi. Tuy vậy, 10 năm nay những quy định này vẫn đang nằm trên giấy. Theo ông, vì sao lại như vậy. Có phải tại mức phạt này quá nhẹ, chưa mang tính răn đe hay vẫn lý do muôn thủa “lực lượng giám sát còn mỏng”?
Trả lời:
Hiện nay, Điều 45 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2015/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có quy định về hành vi vi phạm về bán sản phẩm rượu, theo đó:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với
một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không niêm yết bản sao hợp lệ giấy phép kinh doanh sản phẩm rượu, chủng loại rượu, giá các loại rượu đang bán tại địa điểm kinh doanh của mình;
b) Bán sản phẩm rượu cho người chưa đủ 18 tuổi.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo hoặc báo cáo không đúng về tình hình, kết quả kinh doanh và hệ thống phân phối của thương nhân kinh doanh sản phẩm rượu theo quy định.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bán lẻ sản phẩm rượu bằng máy bán hàng tự động hoặc bán qua mạng internet;
b) Kinh doanh sản phẩm rượu tại các địa điểm cấm kinh doanh theo quy định.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ sản phẩm rượu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm”.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên người nào có hành vi bán sản phẩm rượu cho người chưa đủ 18 tuổi thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Đồng thời, có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ sản phẩm rượu từ 01 tháng đến 03 tháng, trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Tuy nhiên, những quy định này chưa thực sự đi vào cuộc sống, theo tôi nguyên nhân là do:
Thứ nhất, hiện nay, hầu hết người dân thay vì đến cửa hàng chuyên kinh doanh rượu để mua, họ thường tìm đến những quán tạp hóa nhỏ lẻ, thậm chí tự nấu rượu để tiết kiệm chi phí. Tại những nơi này, việc kiểm soát độ tuổi của khách mua rượu, nồng độ cồn trong rượu hầu như không thực hiện được.
Thứ hai, trên thực tế, bất kỳ ai, ở đâu cũng có thể mua rượu với nồng độ cồn cao song không có cơ quan nào kiểm tra, quản lý. Hơn nữa, việc xác định người dưới 18 tuổi mua rượu với mục đích gì cũng không đơn giản. Chưa nói đến việc yêu cầu người bán từ chối bán rượu cho người dưới 18 tuổi là khó khả thi do ảnh hưởng tới nguồn thu của chính họ.
Thứ ba, là do cơ chế quản lý thiếu minh bạch, thực trạng kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh rượu, xử lý hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, …vẫn còn khá lỏng lẻo.
Thứ tư, do ý thức của một bộ phận người dân còn chưa cao, chưa nhận thức hết được những tác hại của rượu gây ra, đặc biệt là đối với trẻ dưới 18 tuổi nên vẫn còn nhiều hiện tượng như: ép nhau uống rượu, các bậc phụ huynh để cho con em mình uống rượu khi còn quá nhỏ, …
Câu 3: Vâng, rõ ràng đồ uống có cồn đều được quản lý nghiêm ngặt tại các quốc gia phát triển. Trong khi đó, tại Việt Nam, người dân cũng tỏ ra rất đồng tình với việc hạn chế bán rượu cho người chưa thành niên song vẫn tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của quy định. Bởi có một thực tế, cơ quan chức năng thường đổ lỗi do lực lượng mỏng, chưa đủ khả năng giám sát. Phải nói rằng, người dân chưa tin vào cơ quan quản lý. Để quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi đi vào cuộc sống. Theo ông về mặt pháp lý, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải làm gì?
Trả lời:
Theo tôi, để quy định này có tính khả thi và đi vào cuộc sống:
Thứ nhất, các nhà làm luật phải đưa rượu vào danh sách các mặt hàng cần phải kiểm soát đặc biệt từ khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ và sử dụng. Muốn làm được điều này, các nhà hoạt động chính sách, nhà quản lý phải có tầm nhìn liên quan đến quy hoạch chung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu hiện nay.
Thứ hai, làm thế nào biết người mua chưa 18? Hiện nay, việc xác định tuổi sẽ chỉ được các cửa hàng thực hiện với khách hàng có vẻ bề ngoài trong độ tuổi cần cân nhắc, khoảng 25 tuổi trở xuống. Các giấy tờ được chấp nhận để chứng minh độ tuổi là CMND, hộ chiếu, giấy phép lái xe, thẻ sinh viên, … Do vậy, nhân viên bán rượu nên kiểm tra giấy tờ của khách và có quyền từ chối đối với khách hàng không đủ điều kiện và pháp luật cũng nên quy định cụ thể điều này.
Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị, ban, ngành liên quan nhanh chóng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh rượu, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu để hạn chế tình trạng sử dụng rượu bia, ngăn chặn hiện tượng uống rượu bia quá nhiều gây tai nạn giao thông, bạo lực gia đình cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người tiêu dùng.
Câu 4: Khi ban hành các quy định thì các đơn vị liên quan luôn mong muốn các quy định đó được thực hiện một cách hiệu quả. Tuy nhiên, từ quy định ban hành đến hiệu quả thực sự là việc không dễ. Thực tế cho thấy nhiều quy định của Bộ Công Thương cứ đưa ra nhưng rồi không khả thi, để “đắp chiếu”. Và cụ thể với quy định cấm bán rượu cho người bán rượu dưới 18 tuổi, cá nhân ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của Nghị định này? Cơ quan nào chịu trách nhiệm nếu để tình trạng vẫn diễn ra phổ biến?
Trả lời:
Pháp luật nước ta cũng đã có quy định rất chặt về các điều kiện liên quan đến sản xuất, bán buôn, bán lẻ rượu. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động bán lẻ rượu và bán rượu để sử dụng tại chỗ gần như bị buông lỏng hoàn toàn và không phải chịu bất kỳ một cơ chế quản lý nào, bởi vẫn có không ít trẻ đi mua rượu với danh nghĩa “mua hộ”, không ít nhà tự nấu rượu rồi cho con em mình uống. Ngoài ra, việc xác định nồng độ cồn trong rượu cũng là điều đáng bàn, đặc biệt là đối với việc sản xuất rượu thủ công tại các gia đình. Rõ ràng, nếu nhìn vào thực tiễn việc kinh doanh rượu hiện nay ở nước ta thì có thể thấy khó có thể thực hiện quy định này.
Để thực thi có hiệu quả quy định này thì cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm cao nhất, gồm những bộ ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, các cơ quan quản lý thị trường, quản lý phân phối, bán lẻ, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thiết nghĩ để quy định này thực sự đi vào cuộc sống thì cần được thực hiện đồng bộ trên toàn xã hội nhằm nâng cao nhận thức của doanh nhân kinh doanh rượu và của cả cộng đồng.
Câu 5: Như vậy. Không chỉ quy định cùng với những chế tài đặt ra mới hạn chế được người mua rượu dưới 18 tuổi mà ở nước ta, việc thay đổi thói quen, nâng cao ý thức của người dân về điều này là rất quan trọng. Câu chuyện này, theo ông nên bắt đầu từ đâu? Gia đình, trường học hay cộng đồng?
Trả lời:
Để nâng cao nhận thức của người dân một cách hiệu quả, chúng ta cần thực hiện đồng bộ trên toàn xã hội: tại gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Thiết nghĩ đây là chính sách đúng, Nhà nước cần tập trung tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nâng cao nhận thức về nguy cơ, tác hại của việc lạm dụng rượu bia, xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ bảo vệ sức khỏe lâu dài cho hàng triệu người tiêu dùng, bảo vệ thế hệ trẻ trong một nhận thức và hành động đúng đắn, văn minh.
Còn nếu quy định cấm bán rượu, bia đơn thuần chỉ là… cấm, trong khi người dân còn tồn tại không ít quan niệm sai về rượu bia, chưa kể những vấn đề phát sinh trong xã hội hiện đại, người trẻ sống thiếu ý chí, hưởng thụ, gia đình ly hôn… có xu hướng gia tăng, cái sự cấm ấy sẽ vô cùng khó thực hiện.
Câu 6: Nhìn từ góc độ của một cá nhân trong cộng đồng xã hội, ông thấy đâu là những điểm tốt nếu chúng ta thực hiện tốt việc cấm trẻ dưới 18 tuổi mua rượu?
Trả lời:
Nhìn dưới góc độ xã hội và đánh giá tác hại của rượu đối với người sử dụng, Nghị định 105/2017/NĐ-CP rất phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và đặc biệt, nó sẽ góp phần bảo vệ được những người chưa thành niên trước tác hại của rượu nếu chúng ta thực hiện tốt việc cấm trẻ dưới 18 tuổi mua rượu. Vì:
Thứ nhất, rượu bia là một trong số 5 nguyên nhân cao nhất dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới, gây hơn 200 bệnh tật (Nguy cơ ngộ độc tăng cao (28,5%); Khả năng nhiễm ung thư gan, xơ gan (10,7%); Loét dạ dày (14,2%); Đau đầu (78,5%); Lo âu trầm cảm (87,5%); Hoang tưởng (14,2%), …
Thứ hai, rượu bia cũng là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông tại Việt Nam, là tác nhân gây bạo lực gia đình, tội phạm, mất an ninh trật tự.
Đặc biệt, đối với người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên, chính vì vậy, khả năng nhận thức và làm chủ hành vi chưa được toàn diện. Nếu sử dụng rượu (chất kích thích có nồng độ cồn trên 5%) sẽ là rất nguy hiểm. Khi sử dụng chất kích thích này, người chưa đủ 18 tuổi sẽ không tự làm chủ được hành vi và có thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Mặt khác, về sức khỏe và sinh lý, người chưa đủ 18 tuổi chưa hoàn thiện về mọi mặt, việc sử dụng rượu bia quá sớm cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển sinh lý cũng như sức khỏe của chính mình.