Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn Chương trình S Tiêu điểm về vấn đề: CẤM BÁN RƯỢU, BIA THEO GIỜ: LIỆU ĐÃ HỢP LÝ? Dưới đây là nội dung chi tiết:
1.Qua PS vừa rồi, ông đưa ra nhận xét gì về các khung giờ mà Bộ Y tế cấm bán rượu, bia? Liệu các khung giờ này đã hợp lý chưa thưa ông khi mà khung giờ từ 11h – 14h lại mâu thuẫn với quy định của Thủ tướng là cấm công chức sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ nghỉ trưa của ngày làm việc?
Trả lời:
Thời gian gần đây, dư luận bàn tán sôi nổi về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia (Dự thảo) do Bộ Y tế soạn, đưa ra ba phương án điều chỉnh khung giờ cấm bán rượu bia. Phương án một: Chỉ được bán rượu bia trong khoảng thời gian 11-14 giờ và 17-22 giờ hằng ngày, trừ trường hợp bán rượu bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch. Phương án hai: Chỉ được bán rượu bia trong khoảng thời gian 6-22 giờ. Phương án ba: Thời gian không được bán rượu bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ.
Theo tôi, việc bán rượu bia theo giờ không khả thi. Đặc biệt là hoạt động giám sát và kiểm tra sau nửa đêm.
Hơn nữa, cơ chế xác định đâu là địa điểm ẩm thực, du lịch, giải trí, … cũng thiếu rõ ràng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến phát triển du lịch và ngành dịch vụ phụ trợ (khách sạn, quán bar, nhà hàng…). Bên cạnh đó, việc cấm bán rượu, bia theo giờ không rõ mục đích và hiệu quả.
Nếu mục đích cấm bán rượu bia là để bảo vệ sức khỏe của người uống, việc cấm bán rượu sau 22 giờ không hoàn toàn có tác dụng vì không phải ai uống vào giờ đó cũng được suy đoán là đã uống đủ hay sắp say. Đó là chưa nói đến Dự thảo có quy định về mức tối đa được bán cho khách hàng hoặc cấm bán cho người có biểu hiện say.
Nếu mục đích của việc cấm này là hạn chế nguy cơ làm mất trật tự công cộng, tai nạn giao thông thì cần phân loại các điểm bán rượu, bia để xác định các rủi ro đó và đưa ra các giới hạn tương ứng.
2.Cấm bán rượu bia theo giờ có ngăn ngừa được tác hại của rượu và kéo giảm số lượng rượu bia được tiêu thụ?
Trả lời:
Việc hạn chế giờ bán rượu, bia như trong Dự thảo đưa ra không giúp người tiêu dùng điều chỉnh được hành vi thậm chí còn đẩy họ tìm đến
những sản phẩm có hại cho sức khỏe, khiến người dân mua hàng bất hợp pháp trong khung giờ cấm nhiều hơn.
Ngoài ra, về quy định cấm bán rượu, bia theo khung giờ từ sau 22h thì thực tế nhiều nước trên thế giới cũng đã có quy định như vậy nên đây là đề xuất hoàn toàn có cơ cở. Tuy vậy, về mặt thực tiễn thì nếu cấm bán bia rượu sau 22h cũng khó giảm được lượng tiêu thụ rượu bia, bởi người ta có thể sử dụng bia rượu mua từ trước khung giờ đó. Vấn đề nữa là quản lý, giám sát ra sao cũng cần phải tính toán.
3. Nếu thực hiện việc hạn chế giờ bán rượu, bia như trong dự thảo đưa ra liệu có khiến người dân mua hàng bất hợp pháp trong khung giờ cấm nhiều hơn?
Trả lời:
Việc cấm tiệt các hoạt động mua bán rượu bia từ 22 gờ vô hình trung ngăn cản việc tiếp cận đến đồ uống hợp pháp (dù có thể độc hại nếu lạm dụng) của tất cả mọi người dân kể cả người không lạm dụng, người vừa làm xong công việc và bắt đầu ăn tối. Quy định này cũng không tính đến các địa điểm bán và sử dụng rượu, bia khác nhau như: quán ăn vỉa hè, nhà hàng hay khách sạn sang trọng, quán bar hay sàn nhảy, để có quy định phù hợp. Như tôi đã trình bày ở trên, quy định này sẽ dẫn đến người dân mua hàng bất hợp pháp trong khung giờ cấm nhiều hơn. Việc đưa ra khung giờ cấm không mấy tác dụng trong hạn chế sử dụng mặt hàng này. Ngược lại, người uống sẽ tìm tới những loại bia, rượu không đạt chất lượng.
4. Theo ông, với lượng tiêu thụ rượu bia lớn như vậy thì chúng ta phải quản lý người bán cũng như người mua ntn? Liệu việc cấm bán rượu bia theo giờ này có phải vì không quản lý được nên cấm?
Trả lời:
Theo tôi, không nên giữ quan điểm quản lý không được thì cấm. Theo tôi, cách hiệu quả hơn là nâng mức thuế đánh vào rượu bia, đồng thời đưa ra mức xử phạt thật nặng đối với hành vi bán rượu bia cho người chưa thành niên, nâng cao việc tuyên truyền, giáo dục về tác hại của rượu bia đến người dân.
5. Đa phần các cửa hàng nhỏ lẻ, đại lý lại bán rất nhiều bia, rượu, không lẽ chúng ta cứ đứng canh họ bán theo giờ?Phải giám sát ntn cho hiệu quả?
Trả lời:
Với hàng quán số lượng quá nhiều, đa dạng chủng loại như hiện nay, lực lượng chức năng sẽ không thể quản lý hết. Vì thế, cần một cơ chế cụ thể để những quy định đặt ra được thực thi nghiêm túc mới thể hiện được tính đúng đắn của chính sách.
6. Qua PS vừa rồi có thể thấy tác hại của rượu là vô cùng lớn đối với sức khỏe con người. Có ý kiến đề nghị nên đánh thuế rượu bia thật cao và xử phạt thật nặng các hành vi vi phạm pháp luật trong tình trạng sử dụng rượu, bia quá nồng độ cho phép, ý kiến của ông ntn về vấn đề này?
Trả lời:
Không thể phủ nhận trong thời gian gần đây, bằng những quy định với chế tài cụ thể, đặc biệt trong các cơ quan công sở, đội ngũ cán bộ công chức, tình trạng uống bia, rượu đã giảm đi rất nhiều.
Đối với hành vi sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khi tham gia giao thông, pháp luật Việt Nam quy định như sau:
Về trách nhiệm hành chính, tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định mức phạt rất nặng đối với hành vi sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khi tham gia giao thông đường bộ, ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung.
Về trách nhiệm dân sự đối với hành vi sử dụng rượu bia gây thiệt hại cho người khác cũng được quy định rõ tại Điều 596 Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra.
Về trách nhiệm hình sự, nếu người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trường hợp có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự (bị phạt tù từ 3 - 10 năm)
Cuối năm 2017, Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu, trong đó có quy định cấm bán bia, rượu cho người dưới 18 tuổi cũng đã chính thức có hiệu lực.
Để tránh rượu, bia trở thành “độc dược”, là “kẻ thù” nguy hiểm, các cơ quan chức năng cũng cần mạnh tay xử lý nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp vi phạm, đồng thời nâng mức thuế đánh vào rượu bia.
7. Theo ông chúng ta cần có những thay đổi gì để trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật không vấp phải phản ứng của người dân về tính khả thi, thậm chí là hệ lụy nhờn luật, coi thường pháp luật?
Trả lời:
Mục đích của luật này nên hướng đến khuyến cáo người dân sử dụng khoa học, chứ không nên mang tính áp đặt. đưa ra nhiều quy định nhưng thiếu sự kiểm soát sẽ khiến luật khi được ban hành trở nên nhờn. Hiện việc cấm bán rượu đã được quy định trước đây với hình thức phạt khá nặng, song thực thi là câu chuyện nan giải.
Ngoài ra, với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo luật về vấn đề này, Bộ Y tế cần làm việc với các cơ quan khác một cách chặt chẽ để vạch ra đầy đủ các biện pháp hiệu quả vì mục đích tốt đẹp này. Đồng thời, Bộ Y tế cũng nên tham khảo ý kiến của người dân và chuyên gia trong thời gian gần đây về tính khả thi của quy định cấm này để có những sửa đổi phù hợp với thực tiễn Việt Nam hiện nay.
Dưới đây là video Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã trao đổi về vấn đề này trong Chương trình S tiêu điểm VOVTV. Mời quý vị đón xem tại đây: