Câu hỏi:
Hàng năm bên công ty mình có thuê lao động làm công việc làm cỏ, chăm sóc cây xanh, dọn dẹp.
Công ty có hai cách giao kết hợp đồng sau:
Cách 1: Thuê khoán hợp đồng cho một người. Người này tự thuê nhân công để hoàn thành công việc. Giá hợp đồng là 16-19 triệu, thời gian 2 tháng. Bảo hiểm do người đó tự đóng.
Cách 2: Thuê khoán 3-4 người, mỗi người 4-5 triệu, thời gian mỗi hợp đồng là 2 tháng, tất cả các khoản bảo hiểm bên nhận khoán tự đóng.
Cho mình hỏi:
-Cách nào là đúng theo quy định tại Bộ Luật Lao động?
-Nếu mình tăng thời gian hợp đồng lên cao hơn 2 tháng trong phạm vi 12 tháng có sai luật không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi.
Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, về cách thức giao kết hợp đồng:
Điều 18 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về Nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động quy định như sau:
- Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.
Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
- Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản; trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người.
Hợp đồng lao động do người được ủy quyền giao kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động”.
Theo đó, nếu giao kết hợp đồng thứ nhất sẽ không hợp pháp nếu người nhận khoán không trực tiếp tham gia lao động.
Như vậy, Đối với cách giao kết hợp đồng thứ hai, cần lưu ý về trách nhiệm đóng bảo hiểm. Theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người lao động theo hợp đồng có thời hạn từ đủ 01 tháng đến 03 tháng thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 124 quy định về hiệu lực thi hành như sau
“1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, trừ quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này thì có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018”.
Do đó, tính đến thời điểm hiện tại, công ty bạn không buộc phải đóng bảo hiểm cho người lao động thuộc nhóm đối tượng nêu trên. Như vậy bạn có thể lựa chọn cách giao kết hợp đồng theo cách số hai.
Thứ hai, về việc công ty bạn tăng thời hạn hợp đồng
Việc tăng thời hạn hợp đồng có thể thực hiện bằng cách gia hạn hợp đồng lao động. Đối với hợp đồng lao động thời vụ quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 22 Bộ luật Lao động, việc gia hạn hợp đồng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật lao động năm 2012:
“2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.
Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn”.