CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN NGHỊ ĐỊNH MỚI HƯỚNG DẪN LUẬT QUẢN LÝ THUẾ

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật TNHH SB Law đã trả lời phỏng vấn Truyền hình ANTV về vấn đề liên quan đến Nghị định 126/2020 NĐ/CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế.

Nội dung cụ thể như sau:

Thưa luật sư, nghị định 126/2020 NĐ/CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế, trong đó có nội dung Ngân hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch nhằm thực hiện chặt hơn việc truy thu thuế của các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên nền tảng trực tuyến hay kinh doanh qua mạng, tuy nhiên theo nhiều các chuyên gia thì biện pháp này cũng không dễ để thực hiện bởi nhiều cá nhân kinh doanh online cũng có nhiều các chiêu trò để né thuế như đổi nội dung giao dịch, chuyển tiền qua nhiều tài khoản khó truy xuất nguồn gốc. Vậy chúng tôi có các câu hỏi đặt ra cho luật sư là:

1. Vậy khi nghị định 126 đã có hiệu lực từ 5/12/2020 nhưng hiện chưa có quyết định công cụ, cụ thể nào để phân biệt giữa kinh doanh trực tuyến và giao dịch khác tại các tài khoản ngân hàng thì liệu nghị định về mặt luật pháp thì có những khó khăn gì khi áp dụng trong thực tế?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế, kể từ ngày 05/12/2020, theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo Mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản. Ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Quy định này sẽ góp phần vào việc truy thu các cá nhân, tổ chức kinh doanh lâu nay không đóng thuế, nhất là các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử

Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng quy định trên của Nghị định 126/2020/NĐ-CP cũng đã gặp phải những bất cập về tính khả thi do hiện tại vẫn chưa có phương thức nào để xác định được giao dịch nào là giao dịch sản xuất kinh doanh và giao dịch nào từ hoạt động thương mại điện tử để khấu trừ tại nguồn.

Vì nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh trên nền tảng trực tuyến đã có những biện pháp đối phó bằng cách đăng thông báo về việc yều cầu khách hàng thay đổi nội dung chuyển khoản khi mua hàng (không nhắc đến hàng hóa hay ghi nội dung thanh toán thành tặng/cho) hoặc chia nhỏ lượng tiền giao dịch nhằm tránh né sự kiểm tra. Điều này dẫn đến tình trạng khó truy xuất mục đích thực sự của giao dịch trực tuyến, gây khó khăn không nhỏ cho quá trình cung cấp thông tin của ngân hàng thương mại cho cơ quan thuế theo yêu cầu. Hơn nữa, nội dung của người mua và người bán khi thực hiện giao dịch chuyển khoản được thay đổi hoàn toàn có thể giúp người bán hàng trốn thuế.

2. Việc cung cấp tài khoản cá nhân thì có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người buộc phải cung cấp số tài khoản ngân hàng và truy xuất nguồn gốc các giao dịch không, thưa luật sư?

Luật sư trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điểm a, Điểm c Khoản 2 Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP thì ngân hàng sẽ chỉ thực hiện cung cấp tài khoản cá nhân khi có đề nghị của cơ quan quản lý thuế; đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế chứ không phải tất cả các tài khoản của Khách hàng. Đó có thể là các đối tượng bị cơ quan thuế nghi vấn trốn thuế, kê khai thuế không chính xác, …

Bên cạnh đó, Điểm d Khoản 2 Điều 30 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định Cơ quan thuế sẽ có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật có liên quan. Nếu có việc lợi dụng chức vụ để lấy thông tin hay dò rỉ thông tin khách hàng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng nêu thì Cơ quan thuế phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Do đó, việc Ngân hàng thương mại thực hiện theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP là vẫn bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật, nhưng cũng vừa bảo đảm tính bảo mật, quyền lợi cho khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng.

Tuy nhiên, nhằm tránh tình trạng lạm quyền, xâm phạm bí mật đời tư, thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên quy định rõ những trường hợp mà cơ quan thuế được quyền yêu cầu cung cấp thông tin và mức độ cung cấp.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan