Các trường hợp tiền vào tài khoản phát sinh và không phát sinh nghĩa vụ thuế

Nội dung bài viết

-Trường hợp nào tiền vào tài khoản phát sinh nghĩa vụ thuế

-Trường hợp nào tiền vào tài khoản không phát sinh nghĩa vụ thuế

Trả lời:

Theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan, nghĩa vụ thuế chỉ phát sinh khi cá nhân hoặc tổ chức có khoản thu nhập chịu thuế hoặc doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ. Việc khoản tiền được chuyển vào tài khoản ngân hàng không đồng nghĩa với việc mặc nhiên phát sinh nghĩa vụ thuế, mà cần căn cứ vào bản chất pháp lý của dòng tiền đó theo quy định của pháp luật chuyên ngành về thuế.

I. Các trường hợp khoản tiền vào tài khoản phát sinh nghĩa vụ thuế

  1. Đối với cá nhân:

a) Thu nhập từ tiền lương, tiền công:

Khoản tiền nhận được từ tổ chức, cá nhân trả thu nhập dưới hình thức lương, thù lao, phụ cấp, thưởng… là thu nhập chịu thuế theo Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện luật thuế thu nhập cá nhân, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

Lưu ý mức giảm trừ gia cảnh (Nghị quyết 954/2020/ UBTVQH14) như sau:

- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);

- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

b) Thu nhập từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, làm nghề tự do:

Bao gồm các khoản thu từ hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ, môi giới, quảng cáo, sáng tác, hoa hồng, hợp tác kinh doanh… Đây là thu nhập chịu thuế TNCN theo Khoản 1 Điều 3 Luật Thuế Thu nhập cá nhân 2007 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 26/2012/QH13 và Luật số 71/2014/QH13) và Điểm c Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

c) Thu nhập từ đầu tư vốn, bản quyền, cho thuê tài sản, chuyển nhượng:

Các khoản thu từ lãi vốn góp, tiền cho thuê nhà/xe, thu nhập từ bản quyền, chuyển nhượng vốn, chứng khoán, bất động sản... là thu nhập chịu thuế TNCN theo quy định tại Khoản 4, 5, 6, 7 Điều 3 Luật Thuế TNCN và Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

  1. Đối với tổ chức (doanh nghiệp):

a) Khoản tiền từ hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ:

Là doanh thu tính thuế GTGT và TNDN theo Khoản 1 Điều 3 Luật Thuế TNDN 2008 (sửa đổi bởi Luật số 32/2013/QH13), Điều 5 Thông tư 78/2014/TT-BTC (TNDN) và Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC (GTGT).

b) Thu nhập khác có tính chất chịu thuế:

Bao gồm tiền thanh lý tài sản, tiền bồi thường hợp đồng, hỗ trợ tài chính, thưởng… theo Khoản 3 Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC (được sửa đổi bởi Thông tư số 96/2015/TT-BTC)

II. Các trường hợp khoản tiền vào tài khoản không phát sinh nghĩa vụ thuế

  1. Đối với cá nhân:

a) Chuyển tiền giữa các tài khoản cùng tên hoặc trong nội bộ gia đình:

Không phát sinh nghĩa vụ thuế do không hình thành thu nhập mới.

b) Tiền cho/tặng từ người thân thuộc hàng thừa kế thứ nhất:

Miễn thuế thu nhập cá nhân nếu giữa các đối tượng có quan hệ hôn nhân, huyết thống trực tiếp theo quy định tại Điểm b.1 Khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC (quy định cụ thể các đối tượng được miễn thuế khi nhận quà tặng, thừa kế).

c) Khoản vay, mượn, hoàn trả tiền:

Không phải là thu nhập chịu thuế nếu có hợp đồng hoặc chứng từ chứng minh rõ ràng theo quy định tại Thông tư 111/2013/TT-BTC.

d) Tiền chuyển nhầm, hoàn trả sai sót:

Không cấu thành thu nhập. Tuy nhiên, người nhận cần có chứng cứ rõ ràng và hoàn trả lại kịp thời để tránh bị đánh giá là “chiếm giữ tài sản trái phép”.

e) Các khoản chi trả bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, tai nạn không mang tính thương mại:

Được miễn thuế theo quy định tại Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

  1. Đối với tổ chức (doanh nghiệp):

a) Các khoản vay, ký quỹ, ký cược, góp vốn:

Không tính vào doanh thu chịu thuế nếu có hợp đồng và chứng từ đầy đủ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC.

b) Tiền chuyển nhầm, hoàn trả, giao dịch nội bộ không làm phát sinh doanh thu:

Không tính vào doanh thu chịu thuế. Tuy nhiên cần có biên bản đối chiếu, xác nhận giữa các bên để chứng minh bản chất giao dịch.

Để đảm bảo tuân thủ pháp luật, người nộp thuế cần lưu giữ đầy đủ hóa đơn, hợp đồng, biên bản và chứng từ chuyển khoản có liên quan nhằm sẵn sàng giải trình khi có yêu cầu từ cơ quan thuế.

 

Bài viết liên quan