Các quy định pháp luật về phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ

Nội dung bài viết

Hiện nay, nhu cầu làm đẹp thẩm mỹ đang có xu hướng phát triển mạnh. Vì vậy, cũng xuất hiện nhiều phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ là một loại trong các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh trong hệ thống này. Liên quan đến các quy định pháp luật về phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những chia sẻ như sau. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi 1: Điều kiện để thành lập phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ là gì?

 Trả lời:

Điều 42 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định về Điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

  1. Có quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Nhà nước thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
  2. Có giấy phép hoạt động do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp.

Điều 23a Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, có quy định về  điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP): quy định về điều kiện chung để cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1.Cơ sở vật chất:

a) Có địa điểm cố định (trừ trường hợp tổ chức khám bệnh, chữa bệnh lưu động);

b) Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;

c) Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ.

2.Trang thiết bị y tế:

a) Có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở;

b) Riêng cơ sở khám, điều trị bệnh nghề nghiệp ít nhất phải có bộ phận xét nghiệm sinh hóa;

c) Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông không bắt buộc phải có trang thiết bị y tế quy định tại điểm a, b khoản này nhưng phải có đủ các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông, thiết bị phù hợp với phạm vi hoạt động đăng ký.

3.Nhân lực:

a) Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật và trưởng các khoa chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở.

- Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gồm nhiều chuyên khoa thì chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với ít nhất một trong các chuyên khoa lâm sàng mà cơ sở đăng ký hoạt động.

- Đối với các phòng khám chuyên khoa dưới đây, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật còn phải đáp ứng các điều kiện như sau:

+ Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ: Là bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ;

- Có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc có thời gian trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng. Việc phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được thể hiện bằng văn bản;

- Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở.

b) Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các đối tượng khác làm việc trong cơ sở nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Căn cứ vào phạm vi hoạt động chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đào tạo và năng lực của người hành nghề, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phân công người hành nghề được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn bằng văn bản;

c) Kỹ thuật viên xét nghiệm có trình độ đại học được đọc và ký kết quả xét nghiệm. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có bác sỹ chuyên khoa xét nghiệm hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm có trình độ đại học thì bác sỹ chỉ định xét nghiệm đọc và ký kết quả xét nghiệm;

d) Cử nhân X-Quang có trình độ đại học được đọc và mô tả hình ảnh chẩn đoán. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh hoặc bác sỹ X-Quang thì bác sỹ chỉ định kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đọc và ký kết quả chẩn đoán hình ảnh;

đ) Các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng không cần phải cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì được phép thực hiện các hoạt động theo phân công của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (kỹ sư vật lý y học, kỹ sư xạ trị, âm ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu và các đối tượng khác), việc phân công phải phù hợp với văn bằng chuyên môn của người đó.

4.Cơ sở khám sức khỏe đáp ứng các điều kiện sau:

a) Là cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật;

b) Phải có đủ các bộ phận khám lâm sàng, cận lâm sàng, nhân lực và thiết bị y tế cần thiết để khám, phát hiện được tình trạng sức khỏe theo tiêu chuẩn sức khỏe và mẫu phiếu khám sức khỏe được ban hành kèm theo các văn bản hướng dẫn khám sức khỏe theo quy định của pháp luật.

Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định tại Phụ lục VIIIban hành kèm theo Nghị định này gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài các điều kiện trên, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ phải đáp ứng các điều kiện sau tại Điều 26 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP):

Ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 23a Nghị định này, trừ điều kiện về người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, phòng khám chuyên khoa phải đáp ứng thêm các điều kiện sau:

Cơ sở vật chất:

a) Trường hợp thực hiện thủ thuật, bao gồm cả kỹ thuật cấy ghép răng (implant), châm cứu, xoa bóp day ấn huyệt thì phải có phòng hoặc khu vực riêng dành cho việc thực hiện thủ thuật. Phòng hoặc khu vực thực hiện thủ thuật phải có đủ diện tích để thực hiện kỹ thuật chuyên môn;

b) Trường hợp phòng khám chuyên khoa thực hiện cả hai kỹ thuật nội soi tiêu hóa trên và nội soi tiêu hóa dưới thì phải có 02 phòng riêng biệt;

c) Trường hợp khám điều trị bệnh nghề nghiệp phải có bộ phận xét nghiệm sinh hóa.

Thiết bị y tế: Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa

Câu hỏi 2. Hiện nay, nhiều người đang bị nhầm lẫn giữa thẩm mỹ viện, spa và phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Có cách nào để phân biệt, tránh nhầm lẫn cho khách hàng không?

 Trả lời:

Như chúng ta đã biết, không phải tất cả cơ sở cung ứng các “dịch vụ làm đẹp” đều thuộc sự quản lý của Ngành Y tế. Theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng các “dịch vụ làm đẹp” thành 3 nhóm khác nhau, trong đó, có nhóm hoàn toàn không thuộc sự quản lý và cấp phép của Ngành y tế, có nhóm phải được Sở Y tế cấp phép hoạt động, cụ thể như sau:

Nhóm 1 là cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp: Đây là những cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng… Những cơ sở này hoàn toàn không sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì, không cần điều kiện quy định về y tế. Do đó, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở KH-ĐT (nếu loại hình doanh nghiệp), không cần Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động.

Nhóm 2 là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ: Đây là những cơ sở thực hiện phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở KH-ĐT (nếu loại hình doanh nghiệp).Tuy nhiên, người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp và phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định gửi về Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Nhóm 3 là Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ: Đây là những cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc thẩm mỹ nội khoa (thẩm mỹ da) có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người) hoặc xăm, phun, thêu trên da nhưng có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này, ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở KH-ĐT cấp (nếu loại hình doanh nghiệp), khi hoạt động phải bắt buộc được Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động và phê duyêt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Các cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ này có rất nhiều hình thức hoạt động như: Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ; bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị da liễu; phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; phòng khám chuyên khoa da liễu. Cho dù là bệnh viện hay phòng khám chuyên khoa đều phải đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc cấp cứu thiết yếu và trình độ chuyên môn của bác sĩ theo quy định và được Bộ Y Tế, Sở Y tế thẩm định đủ điều kiện mới cấp phép hoạt động.

Do đó, nếu chỉ nhìn về biển hiệu thì hiện khó có thể phân biệt các cơ sở này với nhau vì hầu hết là chọn biển hiệu là “thẩm mỹ viện…”, hay “viện thẩm mỹ…”ngoại trừ các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ. Tên các biển hiệu “thẩm mỹ viện…”, “viện thẩm mỹ…”, “trung tâm thẩm mỹ…” và tên một số doanh nghiệp “Công ty TNHH Bệnh viện…” trong Giấp phép kinh doanh dễ làm cho người dân có nhu cầu chăm sóc sắc đẹp bị lầm tưởng đây là những cơ sở y tế có chuyên môn cao, có thể thực hiện tất cả kỹ thuật thuộc chuyên khoa thẩm mỹ. Đây cũng chính là một trong những kẽ hở để các cơ sở dịch vụ không thuộc lĩnh vực y tế “lấn sân” sang lĩnh vực y tế và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép.

Thực tế do chưa có quy định về đặt tên biển hiệu đối với các cơ sở làm đẹp tương ứng với 3 nhóm cơ sở dịch vụ làm đẹp nêu trên, nên rất khó biết cơ sở nào là dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (nhóm 1, không thuộc lĩnh vực y tế), cơ sở nào là dịch vụ thẩm mỹ (nhóm 2, gửi văn bản thông báo về Sở Y tế), cơ sở nào là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (nhóm 3, do Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động và danh mục kỹ thuật). Do đó, rất cần bổ sung các quy định về tên biển hiệu và tên doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ thẩm mỹ, chuyên khoa thẩm mỹ. Cụ thể, đăng ký tên doanh nghiệp không được nhập nhằng giữa cơ sở dịch vụ và bệnh viện (ví dụ: Chủ đầu tư của một cơ sở dịch vụ thẩm mỹ lại đăng ký tên doanh nghiệp trong Giấy phép kinh doanh là “Công ty TNHH bệnh viện…”), không dùng tên riêng của các bệnh viện để đặt tên cho các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan