Các quy định mới về doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp 2020

Nội dung bài viết

Câu hỏi: 1.Các quy định về doanh nghiệp nhà nước trong Luật 2020 có gì khác biệt so với Luật Doanh nghiệp các phiên bản trước đây?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2014, Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Luật doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 đã sửa đổi khái niệm DNNN theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp có sở hữu nhà nước theo mức độ khác nhau, mỗi loại hình doanh nghiệp có quy định về tổ chức quản trị phù hợp để nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Cụ thể, Điều 88 của Luật quy định về DNNN như sau:

1.Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:

a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 điều này.

2.Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 điều này bao gồm:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

3. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại điểm b khoản 1 điều này bao gồm:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

b) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Doanh nghiệp nhà nước là gì? Ưu nhược điểm của doanh nghiệp nhà ...

2. Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi lần này?

Trả lời:

Theo quy định trên thì Doanh nghiệp Nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thay vì 100% vốn điều lệ như hiện nay.

Trước đó, có nhiều ý kiến cho rằng cổ phần chi phối là phải quyết định được những vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp. Do đó doanh nghiệp phải có cổ phần chi phối của Nhà nước đạt 65% thì mới là doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, nội hàm “bảo đảm Nhà nước nắm giữ phần vốn góp hoặc cổ phần chi phối” tại khái niệm DNNN nhằm bám sát quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết Trung ương 12 (khóa XII). Quy định này nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn việc sử dụng vốn Nhà nước trong các DNNN. Việc nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ đã bảo đảm quyền chi phối trực tiếp việc ra các quyết định thông thường (chỉ yêu cầu tỷ lệ trên 50%) và chi phối gián tiếp (phủ quyết) việc ra một số các quyết định khác (yêu cầu tỷ lệ 65%) của doanh nghiệp đó.Vậy nên, sự thay đổi lần này theo tôi là hợp lý, đồng thời tỷ lệ này cũng phù hợp với với các cam kết, thông lệ quốc tế.

 

3. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng về lâu dài, nên cổ phần hóa hoàn toàn các doanh nghiệp nhà nước, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Trả lời:

Thực tế, Cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước đang được triển khai và đã đạt được những thành tựu nhất định. Tổng số thu từ CPH, thoái vốn lũy kế từ năm 2016 đến nay đạt hơn 218.255,691 tỷ đồng, gấp 2,8 lần tổng thu từ CPH, thoái vốn của cả giai đoạn 2010-2015.

Có thể thấy những thành tựu tích cực trên chính là một động lực và nguyên nhân để tiếp tục triển khai phương thức này rộng rãi. Ngoài ra, còn một số những nguyên nhân cần phải đề cập đến đó là:

Thứ nhất, thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp nhà nước là hoạt động không hiệu quả, không có tầm nhìn chiến lược dẫn đến thua lỗ và mức khấu hao tài chính rất lớn cho Nhà nước. Phần lớn là do sự yếu kém của đội ngũ công nhân, đội ngũ quản lý và trình độ công nghệ đã khiến cho DNNN không có đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Thứ hai, tình trạng thiếu vốn còn phổ biến khi mà trước đây các doanh nghiệp này còn phụ thuộc quá nhiều vào Nhà nước.

Vì vậy, về tương lai lâu dài việc CPH hoàn toàn DNNN là rất cần thiết. Nó giúp DNNN huy động được vốn từ các cá nhân khác để giảm bớt gánh nặng tài chính. Ngoài ra, còn tạo nên sự thúc đẩy trong sản xuất và kinh doanh của nhân viên trong doanh nghiệp. Thay vì hoạt động vì mục đích chung thì họ lao động cho chính họ vì lợi nhuận của họ ứng với số vốn mà họ đã đầu tư.

Tuy nhiên, để phương thức này trở nên hiệu quả hơn, cần xây dựng khung pháp lý trong quá trình cổ phần hoá và sau cổ phần hoá cũng như các chính sách quản lý và tính công khai minh bạch để tránh việc trục lợi khi quy định pháp luật chưa hoàn thiện xảy ra.

 

4. Về lâu dài, làm thế nào để nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp nhà nước, thưa ông?

Trả lời:

Dù đã gặt hái được nhiều thành tựu trong thời gian qua, tuy nhiên DNNN vẫn còn tồn tại một số những hạn chế. Và để khắc phục thì khâu quản lý là vô cùng quan trọng, cần được nâng cao để tăng tính hiệu quả trong hoạt động của DNNN.

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý về các hoạt động của DNNN. Nhà nước cần phải rà soát cũng như sửa đổi lại những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau cũng như những lỗ hổng pháp lý còn đang tồn tại và rút kinh nghiệm từ những sai phạm thực tế để hoàn thiện các quy định pháp luật, đảm bảo tính công khai minh bạch và tuân thủ của các đối tượng thực hiện.

Thứ hai, cần phải nâng cao tính minh bạch và năng lực giám sát DNNN. Nhà nước cần xây dựng và công khai hóa chiến lược, chính sách đầu tư tại các DNNN. Minh bạch hoá thông tin hàng năm về đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, danh sách và số lượng doanh nghiệp có vốn nhà nước; mức độ đầu tư, hiệu quả đầu tư; hiệu quả kinh doanh của các DNNN.

Bên cạnh đó, việc quản lý, giám sát toàn diện và hiệu quả DNNN có thể được tập trung về một cơ quan chuyên trách thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu Nhà nước. Tuy nhiên để thành lập và hoạt động, quản lý hiệu quả thì cần có các quy định pháp luật dành riêng cho cơ quan này tránh xảy ra lợi ích nhóm.

 

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan