Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên InfoTV về các mặt hàng kinh doanh trên những trang thương mại điện tử. Dưới đây là nội dung chi tiết:
1/ Thưa luật sư, các mặt hàng kinh doanh trên những trang thương mại điện tử hiện nay được quản lý và kiểm soát như thế nào?
Trả lời:
Hoạt động bán hàng trên mạng đang phát triển mạnh mẽ và trở thành nguồn thu nhập quan trọng đối với nhiều người. Tuy nhiên, hoạt động này cần phải tuân thủ những quy định nhất định.
Theo Thông tư số 47/2014/TT-BCT thương nhân, tổ chức, cá nhân không được sử dụng website thương mại điện tử để kinh doanh các mặt hàng sau:
- Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ;
- Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác;
- Rượu các loại;
- Thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, bao gồm cả các vật sống và các bộ phận đã được chế biến
- Các hàng hóa hạn chế kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
Do đó, những thương nhân, tổ chức, cá nhân bán hàng online sẽ không được bán những mặt hàng này.
2/ Nếu kinh doanh những mặt hàng có tính chất bạo lực hoặc phản cảm thì người bán cũng như phía chủ quản của trang thương mại điện tử có vi phạm pháp luật hay không? Hình thức xử lí nếu có?
Trả lời:
Tùy vào loại hàng hóa và mức độ của hành vi mà người bán sẽ bị xử lý như sau:
Tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, thì vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm sẽ bị xử phạt như sau:
“4- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: (a) Mua, bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; (b) Vi phạm các quy định an toàn về vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; (c) Cưa hoặc tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, thủy lôi và các loại vũ khí khác để lấy thuốc nổ trái phép; (d) Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm; (đ) Làm mất vũ khí, công cụ hỗ trợ" (khoản 4 Điều 10)
"8- Hình thức xử phạt bổ sung: (a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1; Điểm b Khoản 2; Điểm d, đ, g Khoản 3; Điểm a, c, d Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6 Điều này; (b) Tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều này; (c) Tước quyền sử dụng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa trong thời hạn từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, d Khoản 3; Điểm b Khoản 4 Điều này” (khoản 8 Điều 10).
Trong trường hợp buôn bán hàng cấm thì sẽ bị xử lý như sau:
Thứ nhất, xử phạt hành chính:
Điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP còn quy định, người có hành vi buôn bán hàng cấm còn có thể bị xử phạt từ 500.000 -100 triệu đồng tùy theo giá trị của hàng cấm đó. Người có hành vi vi phạm còn phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Thứ hai, xử lý hình sự:
Nếu ở mức độ nghiêm trọng, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm quy định tại Điều 190 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).