Các loại chứng khoán theo quy định của pháp luật

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Qúy công ty cho mình hỏi: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì chứng khoán bao gồm những loại nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử.

Khoản 1 Điều 6 Luật chứng khoán 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010) có quy định chứng khoán bao gồm các loại sau đây:

“a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

b) Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán;

c) Hợp đồng góp vốn đầu tư;

d) Các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định”.

- Cổ phiếu: Cổ phiếu là hình thức phổ biến nhất của chứng khoán ở nước ta hiện nay. Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành. Cổ phiếu có hai dạng là cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi.

Cổ phiếu thường là cổ phiếu dùng để xác định quyền sở hữu của cổ đông trong công ty được gọi là cổ phiếu thường. Loại cổ phiếu này có đặc trưng là quyền quản lý, kiểm soát công ty. Theo đó, cổ đông có cổ phiếu sẽ được tham gia vào hoạt động bầu hội đồng quản trị hay bỏ phiếu quyết định những vấn đề lớn trong công ty. Cổ tức thường được trả khi hội đồng quả trị tuyên bố. Nếu công ty đó giải thể hay phá sản thì cổ đông sẽ được chia số tiền còn lại sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và cổ phiếu ưu đãi.

Cổ phiếu ưu đãi là loại cổ phiếu có cổ tức xác định, thể hiện qua số tiền được in trên cổ phiếu hay theo tỷ lệ phần trăm cố định so với mệnh giá cổ phiếu. Cổ tức của cổ phiếu ưu đãi sẽ được trả trước cổ tức của cổ phiếu thường. Tuy nhiên, cổ đông có cổ phiếu ưu đãi sẽ không được tham gia bỏ phiếu bầu hội đồng quản trị nhưng khi công ty giải thể hay phá sản thì cổ phiếu ưu đãi sẽ được ưu tiên thanh toán trước.

- Trái phiếu: Khác với cổ phiếu thì trái phiếu lại là chứng khoán nợ, người phát hành trái phiếu sẽ phải trả phần lãi cũng như phần gốc cho những người sở hữu trái phiếu lúc tới đáo hạn. Việc phân loại trái phiếu thường dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau như: chủ thể phát hành, tính chất chuyển đổi, cách thức trả lãi, trái phiếu có bảo đảm hoặc không có bảo đảm.

- Chứng chỉ quỹ: Theo khoản 4 điều 6 Luật chứng khoán thì "Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đại chúng.” Về bản chất, chứng chỉ quỹ cũng giống như cổ phiếu của một công ty: là bằng chứng xác nhận quyền sở hữu, hưởng lợi nhuận trên phần vốn góp và đặc biệt được niêm yết trên thị trường chứng khoán để mua bán giữa các nhà đầu tư. Chứng chỉ quỹ còn là phương tiện để thành lập quỹ của một quỹ đầu tư chứng khoán, mà ngành nghề hoạt động chính là đầu tư chứng khoán.

- Chứng khoán phái sinh: Chứng khoán phái sinh hay còn gọi là công cụ phái sinh, theo chuẩn mực Quốc tế, bao gồm nhiều loại. Nhưng có thể liệt kê 5 loại chứng khoán phái sinh chủ yếu sau: quyền mua cổ phần; chứng quyền; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; và quyền lựa chọn.

Khái niệm 5 loại chứng khoán phái sinh bên trên được quy định tại Khoản 5, 6,7,8 Điều 6 Luật chứng khoán 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010). Chứng khoán phái sinh là loại chứng khoán được hình thành dựa trên một loại tài sản cơ sở (hay còn gọi là tài sản gốc) nhất định và giá trị của nó phụ thuộc vào giá của tài sản cơ sở đó. Các tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh có thể là hàng hóa, ngoại tệ, cổ phiếu, chỉ số cổ phiếu, chứng khoán nợ, … Về bản chất, chứng khoán phái sinh là hợp đồng giữa tối thiểu hai bên tham gia về một giao dịch sẽ diễn ra trong tương lai. Các bên có thể sử dụng chứng khoán phái sinh như một công cụ để phòng ngừa rủi ro hoặc tìm kiếm lợi nhuận từ những biến động của giá tài sản cơ sở.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan