Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên Truyền hình Thông tấn về Các khó khăn của doanh nghiệp Việt khi đứng trước các vụ kiện thương mại. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu hỏi: Trong năm 2018 này, các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thu hút đầu tư. Dự báo các biện pháp phòng vệ thương mại chắc chắn sẽ không còn là câu chuyện xa vời như vài năm trước mà đang thực sự hiện hữu. Thưa luật sư, ông đánh giá như thế nào về cách ứng xử của doanh nghiệp Việt trước các vụ kiện thương mại? Các khó khăn của doanh nghiệp Việt khi đứng trước các vụ kiện thương mại như chi phí, hiểu biết pháp luật... thưa ông?
Trả lời:
Việt Nam đã và đang đẩy nhanh tự do hóa thương mại với việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), điều này giúp nền kinh tế phát triển, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có cơ hội tăng thị phần, mở rộng thị trường kinh doanh. Bên cạnh những cơ hội, thì cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, vì việc thực thi các FTA buộc Chính phủ phải cắt giảm, loại bỏ các loại thuế quan, điều này tạo điều kiện cho hàng hóa nhập khẩu ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam và được bán với giá thành thấp. Hiện tượng này đã và đang gây ra những thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp Việt Nam.
Một công cụ hữu hiệu vẫn được phép duy trì sau khi tham gia các FTA để giúp cho hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam tránh khỏi những hành vi cạnh tranh không lành mạnh đến từ hàng hóa nhập khẩu, đó chính là biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).
Các biện pháp PVTM được sử dụng nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa khỏi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, bao gồm các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Tuy nhiên, cho đến nay các biện pháp này dường như vẫn bị doanh nghiệp Việt Nam bỏ ngỏ, thờ ơ. Việc sử dụng các biện pháp PVTM là một điều còn quá xa lạ đối với doanh nghiệp.
Số liệu thống kê cho thấy, có tới 90% doanh nghiệp Việt Nam có kiến thức và kỹ năng hiểu biết về phòng vệ thương mại.
Tuy nhiên, trong khoảng 1-2 năm trở lại đây sau khi Việt Nam chịu các tác động tiêu cực từ việc hàng hóa nước ngoài gia tăng nhập khẩu vào Việt Nam rất mạnh, nhất là các thị trường như Trung Quốc, Malaysia và Indonesia thì việc phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể
Riêng giai đoạn 2016 – 2017, có tới 23 vụ kiện phòng vệ thương mại; trong đó, nổi bật là Australia với 6 vụ liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp với nhôm ép và thép mạ kẽm, thép dây cuộn và tháp gió.
Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được trong thực hiện biện pháp PVTM ở Việt Nam, doanh nghiệp còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế như:
-Hiểu biết của các doanh nghiệp về PVTM tương đối hạn chế;
-Nguồn lực tài chính hạn chế:
Các cuộc điều tra PVTM thường phức tạp, kéo dài và chi phí theo kiện tương đối cao. Do đó, bên khởi kiện cần phải có nguồn lực tài chính dồi dào thì mới có khả năng theo đuổi vụ kiện PVTM. Những chi phí này thường là quá cao so với DN Việt Nam, vì đa phần các DN là DN nhỏ và vừa với nguồn lực tài chính rất hạn chế.
- Tâm lý e ngại khi tham gia kiện tụng vì sợ làm lộ các bí mật kinh doanh;
-Khó khăn về thu thập thông tin:
Mỗi một tiêu chí điều tra xâm phạm PVTM yêu cầu các số liệu khác nhau từ nhiều kênh thông tin riêng rẽ. Với hệ thống thông tin như ở nước ta, các DN nội địa chỉ có thể thu thập được các thông tin không đầy đủ, không hệ thống từ nhiều nguồn khác nhau và nhiều khi những nguồn này là không đáng tin cậy cũng như không tương thích với nhau. Do đó, các DN Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng một bộ hồ sơ khởi kiện khi quyết định sử dụng các biện pháp PVTM.
Trong xu hướng tự do hóa thương mại trên thế giới, khi những rào cản thuế quan không còn hữu hiệu thì việc các quốc gia sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo hộ sản xuất trong nước là điều tất yếu. Do đó, thiết nghĩ để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên cần:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về tác dụng của biện pháp PVTM
-Về phía doanh nghiệp, cần thành lập bộ phận pháp chế chuyên phụ trách việc tìm hiểu các quy định của pháp luật, đặc biệt liên quan đến các biện pháp PVTM nhằm chủ động đối phó với các hành vi cạnh tranh
-Về phía cơ quan thực thi pháp luật PVTM, đóng vai trò nòng cốt là Cục Quản lý cạnh tranh cần phải phát huy các kênh tuyên truyền thông qua các bản tin PVTM, các tài liệu hướng dẫn về các vụ kiện PVTM, những ấn phẩm này cần gửi qua các website của hiệp hội doanh nghiệp và từng doanh nghiệp.
Thứ hai, tham khảo ý kiến tư vấn của luật sư và tham vấn của Cục Quản lý cạnh tranh vì kiện PVTM là một thủ tục pháp lý phức tạp.
Thứ ba, cần tăng cường việc kết nối doanh nghiệp với các bộ, ngành, tham tán thương mại ở các nước nhập khẩu để cung cấp cho các doanh nghiệp những thông tin đầy đủ về thị trường, giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi xuất khẩu vào thị trường và có sự chủ động trước những vụ kiện phòng vệ thương mại, các hiệp hội cần nâng cao tính gắn kết của các doanh nghiệp trong việc chia sẻ kinh nghiệm, tài chính để đối phó với các vụ kiện trong từng trường hợp cụ thể.