Ngày 26/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 số 48/2024/QH15, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Luật này bao gồm nhiều thay đổi quan trọng nhằm hoàn thiện chính sách thuế, giảm bớt vướng mắc trong quá trình áp dụng. Dưới đây là những điểm mới đáng chú ý:
- Bổ sung quy định về người nộp thuế
Khoản 4, 5 Điều 4 Luật Thuế GTGT 2024 đã mở rộng đối tượng nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và nền tảng số. Cụ thể:
- Nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, nếu kinh doanh thương mại điện tử hoặc dịch vụ số cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam, phải thực hiện nghĩa vụ thuế. Trong trường hợp này:
- Nếu tổ chức là nhà quản lý nền tảng số nước ngoài, tổ chức này có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế GTGT của nhà cung cấp nước ngoài.
- Nếu tổ chức kinh doanh tại Việt Nam áp dụng phương pháp khấu trừ thuế và mua dịch vụ từ nhà cung cấp nước ngoài qua nền tảng số, tổ chức đó cũng phải khấu trừ và nộp thay thuế GTGT.
- Tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử hoặc nền tảng số có chức năng thanh toán phải khấu trừ, nộp thay và kê khai số thuế GTGT của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch.
Việc bổ sung quy định này thể hiện sự thích ứng của Việt Nam với xu hướng quốc tế trong quản lý thuế đối với nền kinh tế số, đảm bảo nguồn thu ngân sách và tạo sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
- Điều chỉnh đối tượng không chịu thuế GTGT
Điều 5 Luật Thuế GTGT 2024 điều chỉnh các quy định về đối tượng không chịu thuế, thay thế các quy định trong Luật Thuế GTGT 2008 và các luật sửa đổi, bổ sung sau đó. Những thay đổi chính bao gồm:
- Lược bỏ một số đối tượng không chịu thuế GTGT, gồm:
- Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ.
- Lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; các hoạt động kinh doanh chứng khoán khác.
- Thay đổi quy định về sản phẩm xuất khẩu từ tài nguyên, khoáng sản:
- Trước đây, sản phẩm xuất khẩu có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành trở lên thuộc diện không chịu thuế GTGT.
- Theo luật mới, chỉ những sản phẩm xuất khẩu được liệt kê trong danh mục do Chính phủ quy định mới được miễn thuế.
- Bổ sung đối tượng không chịu thuế GTGT là hàng hóa nhập khẩu phục vụ hoạt động cứu trợ thiên tai, thảm họa dịch bệnh, chiến tranh theo quy định của Chính phủ.
- Nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh
Khoản 25 Điều 5 Luật Thuế GTGT 2024 quy định rằng hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 200 triệu đồng trở xuống sẽ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Về hiệu lực thi hành, Điều 18 Luật Thuế GTGT 2024 nêu rõ rằng mức doanh thu này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2026. Hiện nay, theo Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Thuế GTGT 2008, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở lên phải nộp thuế GTGT.
Như vậy, Luật Thuế GTGT 2024 đã nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế từ 100 triệu lên 200 triệu đồng. Điều này có nghĩa là từ ngày 01/01/2026, hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh chỉ phải nộp thuế GTGT nếu có mức doanh thu hằng năm từ 200 triệu đồng trở lên.
- Sửa đổi quy định giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu
Tại Điều 7 Luật Thuế GTGT 2024, quy định về giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu được sửa đổi như sau:
Giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ bao gồm:
- Trị giá tính thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
- Thuế nhập khẩu;
- Các khoản thuế nhập khẩu bổ sung (nếu có);
- Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có);
- Thuế bảo vệ môi trường (nếu có).
So với quy định hiện hành (giá nhập tại cửa khẩu + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt + thuế bảo vệ môi trường), cách tính mới này thể hiện sự điều chỉnh nhằm minh bạch hóa cách xác định giá trị tính thuế GTGT.
Ngoài ra, trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu, giá tính thuế GTGT sẽ được xác định trên cơ sở mức thuế nhập khẩu phải nộp sau khi đã được miễn, giảm.
- Điều chỉnh thuế suất của một số hàng hóa, dịch vụ
Điều 9 Luật Thuế GTGT 2024 đã có sự điều chỉnh về thuế suất đối với một số hàng hóa, dịch vụ, cụ thể như sau:
(i) Bổ sung các đối tượng áp dụng thuế suất 0%
- Vận tải quốc tế;
- Công trình xây dựng, lắp đặt ở nước ngoài hoặc trong khu phi thuế quan;
- Hàng hóa bán tại khu vực cách ly cho cá nhân đã làm thủ tục xuất cảnh hoặc bán tại cửa hàng miễn thuế;
- Dịch vụ xuất khẩu, bao gồm cho thuê phương tiện vận tải sử dụng ngoài lãnh thổ Việt Nam; dịch vụ hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế hoặc thông qua đại lý.
(ii) Một số sản phẩm không chịu thuế chuyển sang chịu thuế 5%
- Phân bón;
- Tàu khai thác thủy sản tại vùng biển.
(iii) Một số sản phẩm áp dụng thuế suất 5% chuyển sang 10%
- Lâm sản chưa qua chế biến;
- Đường và phụ phẩm trong sản xuất đường (gỉ đường, bã mía, bã bùn);
- Thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học;
- Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim.
Sự điều chỉnh thuế suất này sẽ có tác động đáng kể đến nhiều ngành kinh tế. Đặc biệt, đối với lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu, việc tăng thuế suất đối với thiết bị giảng dạy và nghiên cứu sẽ làm gia tăng chi phí đầu tư của các cơ sở giáo dục và viện nghiên cứu. Trong ngành văn hóa - giải trí, thuế suất cao hơn đối với các hoạt động sản xuất phim, triển lãm và thể thao có thể dẫn đến sự gia tăng chi phí dịch vụ, từ đó ảnh hưởng đến giá vé và chi phí tiêu dùng của người dân.
Tương tự, ngành sản xuất lâm sản và đường cũng sẽ đối mặt với chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn, kéo theo sự gia tăng chi phí sản xuất và giá bán cuối cùng. Trước những thay đổi này, các doanh nghiệp cần rà soát lại cơ cấu tài chính, tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý thuế để giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc điều chỉnh thuế suất.
6. Thay đổi điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào
(i) Yêu cầu chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt cho hàng hóa, dịch vụ dưới 20 triệu đồng
Trước đây, theo khoản 2 Điều 12 Luật Thuế GTGT, hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để được khấu trừ thuế GTGT. Tuy nhiên, theo Điều 14 Luật Thuế GTGT 2024, mọi giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ đều phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ một số trường hợp đặc thù do Chính phủ quy định.
(ii) Bổ sung các chứng từ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào
Theo khoản 2 Điều 13 Luật Thuế GTGT 2024, đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, các chứng từ như phiếu đóng gói, vận đơn, chứng từ bảo hiểm hàng hóa (nếu có) sẽ được chấp nhận để khấu trừ thuế GTGT đầu vào, trừ các trường hợp đặc thù theo quy định của Chính phủ.
Quy định mới này có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp, giúp tăng cường tính minh bạch và tuân thủ pháp luật. Việc yêu cầu chứng từ hợp lệ, thanh toán không dùng tiền mặt và kiểm soát chặt chẽ hóa đơn sẽ góp phần hạn chế tình trạng gian lận thuế, giao dịch ảo và sử dụng hóa đơn khống. Ngược lại, nếu doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện này, họ sẽ không được khấu trừ thuế GTGT, dẫn đến tăng chi phí hoạt động và ảnh hưởng đến dòng tiền. Điều này buộc doanh nghiệp phải nâng cao ý thức tuân thủ, cải thiện quy trình kế toán, tài chính để đảm bảo quyền lợi về thuế và tránh rủi ro pháp lý.
7. Bổ sung trường hợp hoàn thuế GTGT
Khoản 3 Điều 15 Luật Thuế GTGT 2024 bổ sung một trường hợp mới được hoàn thuế: Cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên sau 12 tháng hoặc 04 quý thì được hoàn thuế GTGT.
Chính sách hoàn thuế GTGT mới này được điều chỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đầu tư mở rộng. Đây là một thay đổi quan trọng, giúp cải thiện dòng tiền cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chịu thuế suất 5%, các dự án đầu tư thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc chưa góp đủ vốn điều lệ, cũng như hoạt động xuất khẩu.
Tuy nhiên, song song với việc bổ sung các trường hợp hoàn thuế, quy định mới cũng bãi bỏ việc hoàn thuế GTGT đối với các giao dịch như chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và các hình thức tương tự. Điều này cho thấy xu hướng siết chặt hoàn thuế GTGT nhằm tránh thất thoát ngân sách và đảm bảo quản lý thuế chặt chẽ hơn.
Đây là một trong những điểm mới quan trọng cần lưu ý là chính sách hoàn thuế GTGT được điều chỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đầu tư mở rộng. Thay đổi này mang lại lợi ích đáng kể cho người nộp thuế trong một số trường hợp, chẳng hạn như doanh nghiệp chỉ sản xuất hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT 5%, các dự án đầu tư thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc chưa góp đủ vốn điều lệ, cũng như hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, việc hoàn thuế GTGT đối với các giao dịch như chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và các hình thức tương tự sẽ bị bãi bỏ.