- Thay đổi quy định về kỳ xét ưu đãi thuế
Ngày 15/11/2021, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 101/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
Một trong những điểm mới nổi bật tại Nghị định này là cho phép doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế sáu tháng hoặc 12 tháng. Cụ thể:
+ Kỳ xét ưu đãi thuế sáu tháng tính từ 01/01 đến 30/6 hoặc từ 01/7 đến 31/12 hằng năm.
Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế sáu tháng, đã được xử lý tiền thuế nộp thừa đối trong kỳ sáu tháng đầu năm và sáu tháng cuối năm không đạt điều kiện sản lượng theo quy định nhưng tổng sản lượng của cả năm đáp ứng điều kiện về sản lượng của kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng thì vẫn được xét ưu đãi thuế cho kỳ sáu tháng cuối năm.
Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế 06 tháng, đã được xử lý tiền thuế nộp thừa đối với số linh kiện sản xuất, lắp ráp ô tô xuất xưởng trong kỳ 06 tháng đầu năm và 06 tháng cuối năm không đạt điều kiện sản lượng theo quy định của Chương trình ưu đãi thuế nhưng tổng sản lượng của cả năm đáp ứng điều kiện về sản lượng của kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng theo quy định của Chương trình ưu đãi thuế thì vẫn được xét ưu đãi thuế cho kỳ 06 tháng cuối năm.
Cùng với đó doanh nghiệp được xử lý số thuế nộp thừa đối với số linh kiện đã sử dụng để sản xuất, lắp ráp ô tô xuất xưởng trong kỳ nếu đáp ứng quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 7a Nghị định 125/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 57/2020/NĐ-CP).
+ Kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng tính từ 01/01 đến 31/12 hằng năm.
Nghị định số 101/2021/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2021.
- Cổng thông tin điện tử Kho bạc nhà nước tiếp nhận chứng từ điện tử 24/7
Thông tư 87/2021/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 08/10/2021 quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước (KBNN) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2021.
Theo đó, trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã hoàn thành giao dịch bằng phương thức điện tử thì không phải thực hiện giao dịch đó bằng phương thức giao dịch khác.
Khoản 1 Điều 6 Thông tư 87/2021/TT/BTC quy định các loại giao dịch được thực hiện giao dịch điện tử qua Cổng thông tin điện tử và các trang thông tin điện tử của KBNN bao gồm:
- Giao dịch điện tử liên quan đến việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN trên môi trường điện tử;
- Các giao dịch điện tử liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong hoạt động nghiệp vụ KBNN;
- Giao dịch chia sẻ dữ liệu số trong hoạt động nghiệp vụ KBNN;
- Các giao dịch điện tử khác trong hoạt động nghiệp vụ KBNN.
Bên cạnh đó, Thông tư này cũng quy định chứng từ điện tử trong các hoạt động nghiệp vụ của KBNN phải được ký số bởi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền hoặc được xác thực bằng các biện pháp khác theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
- Tăng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi
Quyết định 32/2021/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20/10/2021 quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm. Theo đó, Điều 3 Quyết định 32/2021/QĐ-TTg có quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi như sau:
Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng (một trăm hai mươi lăm triệu đồng).
Như vậy, hạn mức trả tiền bảo hiểm này đã tăng so với hạn mức bảo hiểm theo quy định hiện hành tại Điều 3 Quyết định 21/2017/QĐ-TTg là 75.000.000 đồng.
Lưu ý: Đối với các khoản tiền gửi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhưng chưa được chi trả theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi trước ngày 12/12/2021 thì:
Hạn mức trả tiền bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Quyết định 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017.
Quy định này đã cập nhật hạn mức tiền gửi đúng với quy định tại Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 về việc cập nhật hạn mức qua các thời kỳ để phù hợp hơn với tình hình hiện nay.
Quyết định 32/2021/QĐ-TTg sẽ có hiệu lực từ ngày 12/12/2021 và thay thế Quyết định 21/2017/QĐ-TTg.
- Chuyển thẻ ATM dạng từ sang dạng chip
Tại khoản 2 Điều 27a Thông tư 19/2016/TT-NHNN, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 22/2020/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu:
“Đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của TCTTT tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa”
Như vậy, từ ngày 31/12/2021, 100% thẻ ATM đang hoạt động tại Việt Nam phải là dạng thẻ chip, thay thế cho loại thẻ từ trước đây.
Cũng theo Thông tư 22/2020/TT-NHNN, từ ngày 31/3/2021, các ngân hàng dừng phát hành thẻ từ ATM mà chỉ phát hành dạng thẻ chip.
Điều đó có nghĩa là, từ ngày 31/12/2021, người dân đi làm thẻ ATM đã được cấp thẻ chip, còn thẻ từ đã được cấp trước đó và đang sử dụng đến nay, thì cần phải đi đổi sang thẻ chip trước ngày 31/12/2021.
- Giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước trong 6 tháng
Ngày 26/11/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 103/2021/NĐ-CP quy địnhmức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, theo đó, Nghị định này quy định từ ngày 1 tháng 12 năm 2021 đến 31 tháng 5 năm 2022, lệ phí trước bạ nộp lần đầu với ôtô, rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50% trong vòng 06 tháng trên.
Từ ngày 01 tháng 6 năm 2022 trở đi: Mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ: các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Giảm nửa phí trước bạ không giúp giảm giá xe, nhưng sẽ kích cầu thị trường xe trong nước. Để lăn bánh một mẫu ôtô mới, người mua cần thêm nhiều khoản phí khác ngoài tiền mua xe như phí trước bạ (10-12% giá xe niêm yết), phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí ra biển số.
Hiện lệ phí trước bạ xe con được tính theo tỷ lệ phần trăm từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký. Chẳng hạn, mức phí trước bạ lần đầu với ôtô con tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... là 12% giá trị xe; TP HCM 10%, Hà Tĩnh 11%... Riêng xe bán tải, phí trước bạ bằng 60% mức thu phí lần đầu với xe con. Từ lần nộp lệ phí trước bạ thứ hai, mức thu lệ phí trước bạ là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 12 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 5 năm 2022.
- Hạn chót phải nộp hồ sơ để được nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Theo Quyết định 28/2021/QĐ-TTg, ngày 20 tháng 12 năm 2021 chính là hạn chót phải nộp hồ sơ để được nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp hoặc người đang tham gia nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ ở thời điểm 30/11/2021.
Cũng theo Quyết định này, ngày 31/12/2021 là hạn cuối để cơ quan bảo hiểm chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động. Người lao động cũng cần lưu ý, ngày 31/12/2021 là thời điểm cuối để xét hưởng các chính sách hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, ngừng việc và chấm dứt hợp đồng lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP.
Nghị quyết 68 chỉ hỗ trợ cho những người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, ngừng việc và chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/5/2021 - 31/12/2021.
- Xe kinh doanh vận tải phải đổi sang biển màu vàng
Xe đang hoạt động kinh doanh vận tải phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31/12/2021 thay vì nền màu trắng như trước đây. Nội dung này được Bộ Công an nhấn mạnh tại Thông tư 58/2020/TT-BCA.
Những loại xe phải đổi sang biển số nền màu vàng bao gồm: Xe taxi; xe khách tuyến cố định (nội tỉnh, liên tỉnh); xe buýt tuyến cố định (nội tỉnh, liên tỉnh); xe chở khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định; xe chở khách du lịch.
Nếu không thực hiện đổi sang biển số vàng trước ngày 31/12/2021, chủ xe sẽ bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng nếu là cá nhân và từ 4 - 8 triệu đồng nếu là tổ chức do không chấp hành đúng quy định về biển số theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, các cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải bằng ô tô cần lưu ý để tránh bị phạt.