Các chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 07/2022

Nội dung bài viết

1. Tăng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động từ ngày 01/07/2022

Ngày 12/06/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo Nghị định, mức lương tối thiểu tháng được quy định như sau:

  • Đối với các doanh nghiệp ở vùng I, mức lương tối thiểu là 4.680.000 đồng/tháng;
  • Đối với các doanh nghiệp ở vùng II, mức lương tối thiểu là 4.160.000 đồng/tháng;
  • Đối với các doanh nghiệp ở vùng III, mức lương tối thiểu là 3.640.000 đồng/tháng;
  • Đối với các doanh nghiệp ở vùng IV, mức lương tối thiểu là 3.250.000 đồng/tháng;Bên cạnh đó, so với Nghị định 90/2019/NĐ-CP không đề cập về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định 38/2022/NĐ-CP đã quy định như sau:
  • Đối với các doanh nghiệp ở vùng I, mức lương tối thiểu giờ là 22.500 đồng/giờ;
  • Đối với các doanh nghiệp ở vùng II, mức lương tối thiểu giờ là 20.000 đồng/giờ;
  • Đối với các doanh nghiệp ở vùng III, mức lương tối thiểu là 17.500 đồng/giờ;
  • Đối với các doanh nghiệp ở vùng IV, mức lương tối thiểu là 15.600 đồng/giờ.

Ngoài ra, Nghị định 38/2022/NĐ-CP có một số thay đổi về địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu, cụ thể:

  • Thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh và huyện Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai từ vùng II thành vùng I;
  • Thị xã Quảng Yên, Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh, huyện Lương Sơn thuộc tỉnh Hoà Bình và Thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên thuộc tỉnh Nghệ An từ vùng III thành vùng II.Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động.

Như vậy, so với Nghị định 90/2019/NĐ-CP, Nghị định 38/2022/NĐ-CP đã tăng mức lương tối thiểu vùng lên khoảng 6% (tương ứng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng), quy định thêm về mức lương tối thiểu giờ và có một số thay đổi về địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu.

Nghị định 38/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2022 và thay thế nghị định 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

2. Xoá bỏ hoá đơn giấy, chuyển sang sử dụng hoá đơn điện tử

Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư 78/2021/TT-BTC hướng dẫn Nghị định này đã quy định cụ thể lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử như sau:

  • Trước ngày 01/7/2022: Chỉ bắt buộc áp dụng hoá đơn điện tử đối với các cơ sở kinh doanh được cơ quan thuế thông báo chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử mà đã đáp ứng được điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin (theo Điều 60 Nghị định 123/2020/NĐ-CP). Đồng thời khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng hóa đơn điện tử (khoản 1 Điều 11 Thông tư 78/2021/TT-BTC).
  • Từ 01/7/2022: Bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, trừ một số trường hợp như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hệ thống phần mềm kế toán,...

Như vậy, trừ một số trường hợp đặc biệt nêu trên thì từ ngày 01/7/2022, các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh sẽ không được sử dụng hóa đơn giấy mà bắt buộc phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Thực tế, việc áp dụng hóa đơn điện tử đã được triển khai đồng bộ tại 63 tỉnh, thành trên cả nước từ tháng 4/2022 nhưng do thời gian áp dụng chưa lâu nên trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử, các doanh nghiệp vẫn còn gặp khá nhiều vướng mắc.

Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC có hiệu lực từ 01/07/2022.

3. Quy định chi tiết về mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba trong xây dựng

Có hiệu lực từ ngày 01/07/2022, Nghị định 20/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10/03/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều cuẩ Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Nghị định 20/2022/NĐ-CP bổ sung quy định về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Cụ thể, về đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 như sau: Nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.

4. Hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế nội địa

Ngày 14/12/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 111/2021/TT-BTC hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế nội địa. Thông tư này có một số điểm đáng chú ý như sau:

  • Chứng từ kế toán thuế được lập trong trường cơ quan thế phải điều chỉnh số liệu thu ngân sách nhà nước theo đề nghị của Kho bạc nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền mà thông tin điều chỉnh chỉ ảnh hưởng đến dữ liệu báo cáo kế toán thuế, không làm thay đổi nghĩa vụ thuế của người nộp thuế trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ nộp thuế, và trường hợp thay đổi về chính sách dẫn đến phải điều chỉnh dữ liệu báo cáo kế toán thuế mà không làm thay đổi nghãi vụ thuế của người nộp.
  • Chứng từ kế toán thuế phải thực hiện đúng nội dung, phương pháp lập, ký chứng từ quy định tại Luật Kế toán và có đầy đủ thông tin theo hướng dẫn. Chứng từ kế toán thuế phản ánh thông tin số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xoá nợ.

Thông tư 111/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2022 và áp dụng từ kì kế toán thuế năm 2022.

5. Tăng mức phạt hành chính đối với một số hành vi trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu

Ngày 06/06/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 37/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo đó, Nghị định 37/2022/NĐ-CP sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 123/2019/NĐ-CP, cụ thể:

  • Tăng mức phạt từ 800.000 đồng–1.200.000 đồng lên 10.000.000–12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khoẻ ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
  • Đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền từ 12.000.000-15.000.000 đồng.
  • Tăng mức phạt từ 2.000.000-4.000.000 đồng lên 15.000.000-20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: người được khám sức khoẻ có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khoẻ của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự; đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khoẻ của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
  • Đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt tiền từ 25.000.000-35.000.000 đồng.Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Điều 7 vi phạm quy định về nhập ngũ như sau:
  • Tăng mức phạt tiền từ 1.500.000-2.500.00 đồng lên 30.000.000-40.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.
  • Đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sai khi đã có kết quả khám tuyển sức khoẻ nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000-50.000.000 đồng.
  • Phạt tiền từ 50.000.000-75.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ 2 trường hợp quy định nêu trên.

Nghị định 37/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 22/07/2022.

6. Sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN

Ngày 01/06/2022, Bộ Công thương ban hành Thông tư 10/2022/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN.

Theo đó, Thông tư 10/2022/TT-BCT sẽ thay thế một số phụ lục của Thông tư 19/2020/TT-BCT sửa đổi bổ sung các Thông tư quy định thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định thương mại Hàng hoá ASEAN, cụ thể:

  • Thay thế Phụ lục I – Cấp và kiểm tra C/O tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 19/2020/TT- BCT;
  • Thay thế Phụ lục II – Mẫu C/O mẫu D tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 19/2020/TT- BCT;
  • Thay thế Phục lục III – Hướng dẫn kê khai C/O tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 19/2020/TT-BCT.

Bên cạnh đó, Thông tư 10/2022/TT-BCT bãi bỏ khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 1 Thông tư Thông tư 19/2020/TT-BCT.

Thông tư 10/2022/TT-BCT có hiệu lực thi hành từ ngày 16/07/2022 và C/O mẫu D ban hành kèm Thông tư này được cấp bắt đầu từ ngày 01/11/2022.

7. Ban hành một số quy chuẩn kĩ thuật trong một số lĩnh vực

  • Thông tư 09/2021/TT-BTTTT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị ra đa hoạt động trong dải tần 76Hz đến 77GHz dùng cho phương tiện vận tải mặt đất” có hiệu lực từ ngày 01/07/2022;
  • Thông tư 09/2021/TT-BCT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp – thuốc nổ TNP1” có hiệu lực ngày 01/07/2022;
  • Thông tư 07/2021/TT-BTTTT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất 5G” có hiệu lực ngày 01/07/2022;
  • Thông tư 28/2021/TT-BTTTT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối mạng thông tin di động 5G lai ghép - Phần truy nhập vô tuyến” có hiệu lực ngày 01/07/2022;
  • Thông tư 23/2021/TT-BTTTT bãi bỏ một số quy định tại Thông tư 18/2010/TT- BTTTT ngày 30 tháng 7 năm 2010 và Thông tư 29/2011/TT-BTTT ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về viễn thông có hiệu lực từ ngày 01/07/2022;
  • Thông tư 16/2021/TT-BCT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với khởi động từ phòng nổ sử dụng trong mỏ hầm lò” có hiệu lực từ ngày 01/07/2022;
  • Thông tư 15/2021/TT-BCT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với áptômát phòng nổ sử dụng trong mỏ hầm lò” có hiệu lực từ ngày 01/07/2022;
  • Thông tư 14/2021/TT-BTTTT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ của mạng cáp phân phối tín hiệu truyền hình, âm thanh và các dịch vụ tương tác” có hiệu lực từ ngày 01/07/2022;
  • Thông tư 13/2021/TT-BTTTT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn điện cho thiết bị đầu cuối kết nối mạng viễn thông và công nghệ thông tin” có hiệu lực từ ngày 01/07/2022;
  • Thông tư 13/2021/TT-BCT “Quy chuẩn kỹ thuật kiểm định các bình chịu áp lực nhà máy lọc hoá dầu, nhà máy chế biến khí, nhà máy đạm” có hiệu lực từ ngày 01/07/2022;
  • Thông tư 11/2021/TT_BCT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp – mìn phá đá quá cỡ” có hiệu lực từ ngày 01/07/2022;
  • Thông tư 10/2021/TT-BCT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về về án toàn sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp – thuốc nổ nhũ tương rời bao gói” có hiệu lực từ ngày 01/07/2022.

    *********

    Lưu ý: Bản tin Pháp luật này không được xem là ý kiến tư vấn pháp lý của SB Law đối với bất kỳ trường hợp nào. Nội dung Bản tin này chỉ tập trung vào việc cung cấp và trích dẫn thông tin quan trọng, đáng chú ý nhất đối với vấn đề pháp lý được đề cập tại thời điểm công bố. SB Law sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào liên quan đến việc trích dẫn, sử dụng một phần hay toàn bộ nội dung của Bản tin này cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài mục đích tham khảo, cập nhật thông tin. Trong trường hợp cần được tư vấn pháp lý, vui lòng liên hệ SB Law để được hướng dẫn chi tiết.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan