Các chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 04/2022

Nội dung bài viết

1. Số giờ làm thêm trong 01 tháng không quá 60 giờ

Ngày 23/03/2022, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết này, số giờ làm thêm trong 1 năm được quy định như sau:
Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
- Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi;
- Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
- Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
- Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Không áp dụng khoản 1 Điều này đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động.
Số giờ làm thêm trong 1 tháng được quy định: Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2022, trừ quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết này. Quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

2. Giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng từ ngày 01/4/2022

Ngày 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, Nghị quyết quy định giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn từ ngày 01 tháng 4 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ ngày 01 tháng 4 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường sau khi được giảm như sau:
- Xăng (trừ etanol) còn 2.000 đồng/lít;
- Dầu diesel còn 1.000 đồng/lít;
- Dầu hỏa còn 300 đồng/lít;
- Dầu mazut còn 1.000 đồng/lít;
- Dầu nhờn còn 1.000 đồng/lít;
- Mỡ nhờn còn 1.000 đồng/kg.
Riêng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay: Tiếp tục áp dụng mức 1.500 đồng/lít theo quy định tại Nghị quyết 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2022.

3. Quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập

Ngày 31/12/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 148/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp. Theo đó, Nghị định này quy định rõ về việc quản lý các nguồn thu gồm:
- Thu từ cổ phần hóa và các hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu khác của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp cấp 1), cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập (nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập).
- Thu từ chuyển nhượng vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, thu chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm đối với phần vốn Nhà nước và quyền góp vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
- Thu chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp cấp 1 đang hoạt động.
- Thu từ chuyển nhượng vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ giao Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước thực hiện chuyển nhượng vốn để nộp về ngân sách Nhà nước.
Khoản thu từ doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập Trung ương được nộp vào ngân sách Trung ương; khoản thu từ doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương được nộp vào ngân sách địa phương. Cơ quan thuế thực hiện thu theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, pháp luật về quản lý thuế và quy định tại Nghị định này.
Thực hiện cân đối các khoản thu trong dự toán ngân sách để chi đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và chi đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, địa phương.

Nghị định 148/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/04/2022.

4. Hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hoá

Ngày 08/02/2022 Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BTC hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa và chuyển nhượng lô cổ phần kèm nợ phải thu của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.
Theo đó, phương án tái cơ cấu thực hiện trên nguyên tắc đồng thuận giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp tái cơ cấu với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mua bán nợ Việt Nam (Công ty Mua bán nợ Việt Nam) và/hoặc các chủ nợ tham gia tái cơ cấu.
Công ty Mua bán nợ Việt Nam được chủ động đàm phán mua nợ với các chủ nợ và đề xuất phương án tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với quy định pháp luật và chỉ quyết định mua nợ sau khi đã thỏa thuận, thống nhất với cơ quan đại diện chủ sở hữu và có kết quả đàm phán mua nợ với các chủ nợ của doanh nghiệp tái cơ cấu.
Về xử lý tài chính doanh nghiệp tái cơ cấu, việc xử lý phải gắn với phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt. Việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ phải gắn liền với việc Công ty Mua bán nợ Việt Nam chuyển nợ, tài sản thành vốn góp tại doanh nghiệp và không làm thay đổi trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đã gây ra tổn thất tài chính trước đây.
Về xử lý cổ phần không bán hết:
- Trường hợp không bán hết số cổ phần cho các nhà đầu tư theo phương thức thỏa thuận sau khi bán đấu giá công khai không thành công hoặc không bán hết số cổ phần chào bán của cuộc đấu giá công khai theo quy định thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu xem xét, quyết định chào bán cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam và các chủ nợ theo nguyên tắc thỏa thuận và giá bán cổ phần không thấp hơn mệnh giá.
- Trường hợp Công ty Mua bán nợ Việt Nam và các chủ nợ vẫn không mua hết số cổ phần chào bán quy định thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ để chuyển doanh nghiệp tái cơ cấu thành công ty cổ phần trước khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất.

Thông tư 05/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/04/2022.

5. Hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ, tài sản loại trừ khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp

Ngày 09/02/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 07/2022/TT-BTC hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Thông tư 07 hướng dẫn một số nội dung về xử lý nợ và tài sản đã tiếp nhận như sau:
- Công ty Mua bán nợ thực hiện các hình thức xử lý nợ và tài sản loại trừ đã tiếp nhận theo quy định tại Nghị định 129/2020/NĐ-CP và Quy chế tài chính của Công ty, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và phù hợp với các quy định hiện hành đối với từng hình thức xử lý nợ và tài sản.
Đối với tài sản là quyền sử dụng đất thì việc xử lý phải đảm bảo theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Đối với tài sản (bao gồm cả tài sản bảo đảm khoản nợ) có giá trị còn lại trên sổ sách kế toán từ 100 triệu đồng trở lên, Công ty Mua bán nợ thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá để tổ chức bán tài sản theo phương thức đấu giá theo quy định.
- Đối với tài sản (bao gồm cả tài sản đảm bảo khoản nợ) có giá trị còn lại trên sổ sách kế toán dưới 100 triệu đồng, Công ty Mua bán nợ quyết định lựa chọn bán theo phương thức đấu giá hoặc thỏa thuận theo giá không thấp hơn giá thị trường.
Trường hợp tài sản không có giao dịch trên thị trường thì Công ty Mua bán nợ thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá để làm cơ sở bán tài sản và chịu trách nhiệm về việc quyết định giá bán tài sản.
Theo đó, trong quá trình giữ hộ, với tài sản mất mát, thiếu hụt do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, có xác nhận của cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi Công ty Mua bán nợ (với doanh nghiệp chưa chính thức chuyển đổi) hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi mất mát, thiếu hụt tài sản (với doanh nghiệp đã chính thức chuyển đổi), doanh nghiệp giữ hộ tài sản không phải bồi thường. Trong trường hợp trên, Công ty Mua bán nợ thực hiện loại trừ khỏi danh mục tài sản tiếp nhận tương ứng với số tài sản mất mát, thiếu hụt.
Bên cạnh đó, với tài sản mất mát, thiếu hụt do các nguyên nhân khác, doanh nghiệp phải làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý bồi thường theo giá thị trường trên cơ sở giá xác định của tổ chức có chức năng thẩm định giá đối với tài sản tương tự. Nếu tại thời điểm xử lý bồi thường không có tài sản tương tự thì bồi thường theo giá trị còn lại trên sổ sách của tài sản.

Thông tư 07/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/04/2022

6. Quy định Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước

Ngày 14/02/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 10/2022/TT-BTC về việc quy định Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước. Thông tư này quy định mẫu biểu, nguyên tắc, phương pháp lập Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước và cách tính Chỉ tiêu vốn chủ sở hữu bình quân trong công thức tính toán tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) cho các đối tượng và mục đích theo quy định của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (sau đây gọi tắt là “Nghị định số 155/2020/NĐ-CP”).
Theo đó, việc tổng hợp thông tin tài chính (TTTC) theo quy ước bao gồm các bước:
- Xác định nguồn thông tin tài chính chưa điều chỉnh được sử dụng để tổng hợp TTTC theo quy ước;
- Ghi nhận các điều chỉnh theo quy ước vào TTTC chưa điều chỉnh cho mục đích trình bày TTTC theo quy ước;
- Trình bày kết quả TTTC theo quy ước và những thuyết minh kèm theo.
Đối với doanh nghiệp là công ty mẹ phải lập báo cáo tài chính hợp nhất, thông tin chưa điều chỉnh được sử dụng để lập 2 báo cáo nêu trên là Báo cáo tình hình tài chính hợp nhất (Bảng cân đối kế toán hợp nhất) và Báo cáo kết quả hoạt động hợp nhất (Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất).

Thông tư 10/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/4/2022.

7. Quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP)

Ngày 18 tháng 02 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực.
Thông tư số 05/2022/TT-BCT quy định các nội dung về Quy tắc xuất xứ hàng hóa bao gồm các trường hợp xác định hàng hóa được coi là có xuất xứ, cộng gộp, De Minimis, công đoạn gia công chế biến đơn giản, vận chuyển trực tiếp, cơ chế kiểm tra và chứng nhận xuất xứ hàng hóa, … Nội dung của các điều khoản này trong Quy tắc xuất xứ hàng hóa của Hiệp định RCEP nhìn chung không có sự khác biệt so với Hiệp định ATIGA và một số Hiệp định ASEAN+1 mà Việt Nam là thành viên. Hàng hóa có xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định RCEP khi có C/O được cấp theo quy định tại Thông tư này.
Hàng hóa có xuất xứ của các nước thành viên nhập khẩu vào Việt Nam được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định RCEP khi nộp C/O hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do nhà xuất khẩu đủ điều kiện phát hành.
Cũng tại Thông tư số 05/2022/TT-BCT, Bộ Công Thương đã nội luật hóa điều khoản khác biệt thuế do một số nước trong khối RCEP như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan và Việt Nam áp dụng mức thuế suất nhập khẩu khác nhau cho cùng một mặt hàng đối với các nước đối tác.

Thông tư số 05/2022/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 04/04/2022.

8. Sửa đổi, bổ sung quy chế xem xét, thẩm tra, chấp thuận các khoản vay nợ nước ngoài

Ngày 14/2/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 09/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xem xét, thẩm tra, chấp thuận các khoản vay nợ nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ ban hành kèm theo Thông tư số 153/2014/TT-BTC ngày 20/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Theo đó, sửa đổi đối tượng áp dụng của Thông tư 153/2014/TT-BTC, gồm: cơ quan đại diện chủ sở hữu; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ không bao gồm các doanh nghiệp là tổ chức tín dụng; và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Bên cạnh đó, một số điều kiện xem xét, thẩm tra, chấp thuận khoản vay nước ngoài được sửa đổi. Cụ thể, dự án sử dụng khoản vay nước ngoài phải phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp, do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và nằm trong kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm, kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp.

Thông tư 09/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/04/2022.

9. Điểm mới trong quy định về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Ngày 31/12/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 24/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư này quy định về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư 24/2021/TT-NHNN cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 về Kiểm toán độc lập hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối thiểu các nội dung sau đây:
- Kiểm toán hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trong đó bao gồm các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ) tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành, quy định của Ngân hàng Nhà nước về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Đối với những nội dung của hệ thống kiểm soát nội bộ đã được kiểm toán tuân thủ mà không có sự thay đổi thì không phải kiểm toán lại nội dung đó;
- Kiểm toán hoạt động hệ thống kiểm soát nội bộ đối với việc lập và trình bày báo cáo tài chính;
Đồng thời, Thông tư 24/2021/TT-NHNN cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 10 về kết quả kiểm toán độc lập. Cụ thể, báo cáo kiểm toán đối với báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập, chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2022.

10. Hỗ trợ lao động ngành du lịch học nghề 1,5 triệu đồng/tháng

Ngày 22/02/2022, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 12/2022/TT-BTC hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Theo đó, Thông tư 12/2022/TT-BTC quy định việc doanh nghiệp, tổ chức về du lịch sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch với số tiền như sau:
Người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng được hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa.
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng được hỗ trợ không quá 1,5 triệu đồng/tháng và thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 4 năm 2022.

*********

Lưu ý: Bản tin Pháp luật này không được xem là ý kiến tư vấn pháp lý của SB Law đối với bất kỳ trường hợp nào. Nội dung Bản tin này chỉ tập trung vào việc cung cấp và trích dẫn thông tin quan trọng, đáng chú ý nhất đối với vấn đề pháp lý được đề cập tại thời điểm công bố. SB Law sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào liên quan đến việc trích dẫn, sử dụng một phần hay toàn bộ nội dung của Bản tin này cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài mục đích tham khảo, cập nhật thông tin. Trong trường hợp cần được tư vấn pháp lý, vui lòng liên hệ SB Law để được hướng dẫn chi tiết.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan