Các chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 01 năm 2022

Nội dung bài viết

Ban lãnh đạo công ty luật SBLAW

1. Tổ chức Tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tỷ lệ nợ xấu dưới 3%

Đây là nội dung tại Thông tư 16/2021/TT-NHNN về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Cụ thể, tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi (khoản 5, 6 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN):
TCTD đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, TCTD chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi:
- Trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng theo quy định tại Điều 5 Thông tư này;
- Mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp hợp pháp và phù hợp với phương án phát hành trái phiếu và/hoặc phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán, đợt phát hành được phê duyệt theo quy định của pháp luật;
- Doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi: Doanh nghiệp phát hành thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu trong thời gian tổ chức tín dụng nắm giữ trái phiếu; doanh nghiệp phát hành vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; doanh nghiệp phát hành vi phạm phương án;
- Phương án khả thi và doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn;
- Doanh nghiệp phát hành không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong vòng 12 tháng gần nhất trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, các TCTD cũng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp sau: (khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN):
- Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành
- Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác
- Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động

Thông tư 16/2021/TT-NHNN sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2022.

2. Thay đổi mức phạt với nhiều vi phạm liên quan đến hoá đơn

Nghị định 102/2021/NĐ-CP ban hành ngày 16/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập.
Tại Điều 1 của Nghị định này, quy định phạt từ 04 - 08 triệu đồng đối với trường hợp lập hóa đơn, nhưng không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định, trong khi trước đây không có quy định xử phạt về hành vi này.
Tương tự, với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế, cũng tại Điều 1 của Nghị định 102 quy định phạt từ 04 - 08 triệu đồng và các bên phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn. Trước đây, hành vi này cũng không có quy định xử phạt.
Đáng chú ý, Nghị định này tăng thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn lên 02 năm, thay vì 01 năm như quy định cũ tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

Nghị định 102/2021/NĐ-CP sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

3. Vi phạm hành chính lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp có thể bị phạt 100 triệu đồng

Nghị định số 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đã bổ sung quy định về mức phạt tiền tối đa với các hành vi vi phạm hành chính.
Tại Điều 4 của Nghị đinh có quy định: các doanh nghiệp, tổ chức vi phạm hành vi hành chí có thể phải nhận những mức phạt như sau: Trong lĩnh vực đầu tư là 300 triệu đồng; trong lĩnh vực đấu thầu là 300 triệu đồng; trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 100 triệu đồng; trong lĩnh vực quy hoạch là 500 triệu đồng. Riêng với lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, mức phạt tiền tối đa tăng từ 30 triệu đồng lên 100 triệu đồng so với trước đây.
Về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, Nghị định số 122/2021/NĐ-CP có dành Chương IV để nói về những hành vi sẽ bị xử phạt, đơn cử như là hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, hành vi vi phạm về thời hạn đăng ký thay đổi nội dung GCNĐKDN, hay đối với cả hành vi không thông báo công khai nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Nghị định 122/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

4. Giảm 37 khoản phí, lệ phí đến hết tháng 6 năm 2022

Bộ Tài chính, vào ngày 26 tháng 12 năm 2021, ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC quy định mức thu một số một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, có 37 khoản phí, lệ phí được giảm với mức giảm từ 10 - 50% so với quy định hiện hành
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục bổ sung thêm 3 khoản phí, lệ phí vào danh mục các khoản phí, lệ phí được giảm; đó là: Giảm 50% đối với lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa, giảm 20% đối với phí sử dụng tần số vô tuyến điện đối với nghiệp vụ di động mặt đất (Mạng viễn thông di động mặt đất nhắn tin dùng riêng và mạng viễn thông dùng riêng sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ di động, mạng viễn thông di động mặt đất trung kế).
Thông tư quy định rõ cách tính phí đối với phí sử dụng đường bộ quy định tại số thứ tự 28 và phí sử dụng tần số vô tuyến điện quy định tại Số thứ tự 36 trong Biểu nêu tại Thông tư 120/2021/TT-BTC.
Cụ thể, đối với phí sử dụng tần số vô tuyến điện quy định tại số thứ tự 36 trong Biểu nêu trên được tính như sau: Trường hợp tổ chức, cá nhân đã nộp phí theo mức phí quy định tại Thông tư số 265/2016/TT-BTC cho khoảng thời gian có hiệu lực của Thông tư này, tổ chức, cá nhân sẽ được bù trừ số tiền phí chênh lệch giữa mức phí theo quy định tại Thông tư số 265/2016/TT-BTC với mức phí theo quy định tại Thông tư này vào số phí phải nộp của kỳ nộp phí tiếp theo. Tổ chức thu phí chịu trách nhiệm tính bù trừ tiền phí cho tổ chức, cá nhân vào kỳ nộp phí tiếp theo.

Thông tư này có hiệu lực kể từ 01 tháng 01 năm 2022 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022.

5. Các trang thiết bị y tế được mua bán như hàng hoá thông thường

Thông tư 23/2021/TT-BYT ban hành ngày 09 tháng 12 năm 2021 sửa đổi danh mục các trang thiết bị y tế được mua bán như hàng hóa thông thường và không phải công bố đủ điều kiện mua bán được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 46/2017/TT-BYT ngày 15/12/2017 (theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 23/2021/TT-BYT).
Cụ thể, danh mục các trang thiết bị y tế được mua bán như hàng hóa thông thường và không phải công bố đủ điều kiện mua bán bao gồm:
- Trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro tự xét nghiệm thuộc loại B và trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro tự xét nghiệm HIV;
- Máy đo huyết áp cá nhân;
- Nhiệt kế điện tử, nhiệt kế hồng ngoại;
- Các trang thiết bị y tế được sử dụng để đo đường huyết cá nhân: máy đo đường huyết, bút lấy máu, que thử, kim lấy máu, dung dịch chuẩn, dung dịch chứng;
- Máy xông khí dung;
- Băng y tế cá nhân;
- Nước mắt nhân tạo được phân loại là trang thiết bị y tế;
- Bao cao su;
- Màng phim tránh thai (không chứa thuốc);
- Gel/dung dịch bôi trơn âm đạo;
- Chườm nóng/ lạnh sử dụng điện.
Như vậy, từ ngày 25/01/2022, trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro tự xét nghiệm HIV được mua bán như hàng hóa thông thường và không phải công bố đủ điều kiện mua bán.

Thông tư 23/2021/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 25/01/2022.

6. Xử phạt hành chính đến 1 tỷ đồng

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm Hành chính quy định mức phạt tiền tối đa với các cá nhân lên đến một tỷ đồng nếu vi phạm quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ; năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; hoạt động dầu khí và khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; thủy sản.
Luật cũng quy định phạt tối đa 500 triệu đồng nếu vi phạm ở lĩnh vực xây dựng; lâm nghiệp; đất đai; kinh doanh bất động sản. Mức phạt 250 triệu đồng áp dụng với lĩnh vực điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thủy lợi; sở hữu trí tuệ; báo chí.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm Hành chính sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

7. Lùi cải cách tiền lương cơ sở năm 2022

Ngày 13 tháng 11 năm 2021, Quốc hội thông qua Nghị quyết 34/2021/QH15 về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, trong đó chính thức lùi việc cải cách tiền lương đối với mức lương cơ sở được đề cập tại khoản 3 điều 4 Nghị quyết 23/2021/QH15 của Quốc hội: “…Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01 tháng 7 năm 2022.”. Nội dung chỉnh sửa của Nghị quyết 23/2021/QH15 là như sau:
Điều 3. Về thực hiện chính sách t iền lương
1. Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995
[…]
Do chưa thực hiện cải cách tiền lương, nên tiền lương năm 2022 của nhóm khu vực nhà nước vẫn sẽ thực hiện theo lương cơ sở như hiện tại với công thức như sau:
Tiền lương = Hệ số lương x Mức lương cơ sở 2022
Trong đó, mức lương cơ sở 2022 sẽ là 1,49 triệu đồng/tháng, mức lương này được thực hiện từ ngày 01/7/2019 đến nay.

Nghị quyết 34/2021/QH15 có hiệu lực từ ngày 28/12/2021.

8. Tăng mức ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động
Ngày 10/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 112/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thay thế cho nghị định số 32/2020/NĐ-CP, trong đó tăng mức ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đó, mức ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (doanh nghiệp dịch vụ), căn cứ vào Điều 23 Nghị định 112/2021/NĐ-CP quy định như sau:
- Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 VNĐ (Hai tỷ đồng) tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (ngân hàng nhận ký quỹ). Hiện nay, mức tiền ký quỹ là 1.000.000.000 VNĐ (Một tỷ đồng) và doanh nghiệp dịch vụ chỉ được ký quỹ tại ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam (Điều 10 Nghị định 38/2020/NĐ-CP).
Việc nâng mức ký quỹ là một động thái nhằm hạn chế trường hợp các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xuất khẩu lao động không có đủ tiền để hoàn thành nghĩ vụ đền bù với người lao động trong trường hợp xảy ra bất trắc. Hơn nữa, việc cho phép ký quỹ tại không chỉ tại các ngân hàng thương mại được phép hoạt động ở Việt Nam, mà còn mở rộng ra thêm các ngân hàng được thành lập và hoạt động hợp pháp ở Việt Nam cũng đã tạo ra nhiều sự thuận lợi hơn cho các công ty có nhu cầu sử dụng ngân hàng nước được phép hoạt động ở cả Việt Nam và quốc gia họ đưa người lao động tới để làm việc.
- Ngoài ra, còn một nội dung mới được bổ sung tại Nghị định 112/2021/NĐ-CP: Doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500.000.000 VNĐ (Năm trăm triệu đồng) đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ.

Nghị định 112/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.

9. Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động so với năm 2021

Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường như sau:
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Theo đó, sang đến năm 2022, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường sẽ có sự thay đổi như sau:
- Lao động nam: Từ đủ 60 tuổi 06 tháng (Tăng 03 tháng so với năm 2021).
- Lao động nữ: Từ đủ 55 tuổi 08 tháng (Tăng 04 tháng so với năm 2021).

*********

BẢN TIN PHÁP LUẬT THÁNG 01 NĂM 2019 - Công ty luật SB Law - Luật sư, Tư vấn  luật, Văn phòng luật Hà Nội

Lưu ý: Bản tin Pháp luật này không được xem là ý kiến tư vấn pháp lý của SB Law đối với bất kỳ trường hợp nào. Nội dung Bản tin này chỉ tập trung vào việc cung cấp và trích dẫn thông tin quan trọng, đáng chú ý nhất đối với vấn đề pháp lý được đề cập tại thời điểm công bố. SB Law sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào liên quan đến việc trích dẫn, sử dụng một phần hay toàn bộ nội dung của Bản tin này cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài mục đích tham khảo, cập nhật thông tin. Trong trường hợp cần được tư vấn pháp lý, vui lòng liên hệ SB Law để được hướng dẫn chi tiết.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan