Câu Hỏi: Kính chào Quý luật sư, hiện nay, tôi thấy một số hợp đồng, nhất là các hợp đồng thương mại phức tạp hoặc có yếu tố nước ngoài, có sử dụng điều khoản “Cam đoan và bảo đảm” (Representations and Warranties). Theo như tôi được biết, đây là điều khoản được du nhập vào Việt Nam và có xuất xứ từ các nước Anh, Mỹ. Vậy luật sư cho tôi hỏi pháp luật Việt Nam hiện hành có cho phép thỏa thuận điều khoản này trong hợp đồng không? Kính mong Quý luật sư tư vấn giúp tôi.
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
“Representations” và “warranties” là các khái niệm theo hệ thống luật Anh-Mỹ và được du nhập vào Việt Nam trong khoảng hơn 20 năm gần đây. Các công ty Việt Nam thường sử dụng các khái niệm này dưới cái tên “cam đoan” và “bảo đảm” trong các hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài hoặc phức tạp được điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam. Cam đoan và bảo đảm là các điều khoản trình bày các sự kiện thực tế đúng tại thời điểm giao kết hợp đồng và được “lặp lại” phải đúng tại thời điểm thực hiện giao dịch quy định trong hợp đồng và các thời điểm khác do các bên thỏa thuận. Các cam đoan và bảo đảm là cơ sở để các bên giao kết và thực hiện hợp đồng cũng như xử lý các rủi ro cụ thể liên quan đến giao dịch quy định trong hợp đồng.
Về việc pháp luật có cho phép các bên giao kết hợp đồng thỏa thuận về các cam đoan và bảo đảm trong hợp đồng hay không, mặc dù hiện nay, các khái niệm này không tồn tại một cách chính thống trong pháp luật hợp đồng và sách pháp lý về hợp đồng của Việt Nam. Tuy nhiên, các bên hoàn toàn có quyền thỏa thuận về các cam đoan và bảo đảm trong hợp đồng. Thỏa thuận này phù hợp với hai nguyên tắc cơ bản của pháp luật về hợp đồng là nguyên tắc tự do thỏa thuận và nguyên tắc thiện chí, trung thực được quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự 2015 cũng như các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin và một số nghĩa vụ khác của các bên trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng.
Nguyên tắc tự do thỏa thuận và nguyên tắc thiện chí, trung thực. Hai nguyên tắc cơ bản của pháp luật về hợp đồng là nguyên tắc tự do thỏa thuận và thiện chí, trung thực. Theo nguyên tắc tự do thỏa thuận, “Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.” Về cơ bản, quyền tự do thỏa thuận của các bên chỉ bị hạn chế bởi (i) điều cấm của luật, và (ii) đạo đức xã hội và trong trường hợp này không có lý do gì để kết luận rằng thỏa thuận trong hợp đồng về các cam đoan và bảo đảm vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội. Nói cách khác, các bên có quyền thỏa thuận về các cam đoan và bảo đảm và hậu quả pháp lý trong hợp đồng.
Nguyên tắc thiện chí, trung thực cũng là một nguyên tắc cơ bản trong pháp luật về hợp đồng, theo đó việc giao kết và thực hiện hợp đồng phải trên cơ sở thiện chí, trung thực. Một trong các hình thức thể hiện nguyên tắc thiện chí, trung thực là việc các bên có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng. Nghĩa vụ này được quy định ở Điều 387 và một số quy định khác của Bộ luật Dân sự 2015.
Nghĩa vụ cung cấp thông tin. Điều 387 của Bộ luật Dân sự 2015 là một quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015 để cụ thể hóa nguyên tắc thiện chí, trung thực, buộc một bên thông báo cho bên kia các thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng. Các cam đoan và bảo đảm được đưa ra vào thời điểm giao kết hợp đồng về cơ bản là thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của các bên. Nói cách khác, đây là thông tin làm cơ sở cho các bên giao kết hợp đồng và Điều 387 BLDS là cơ sở pháp lý cho phép các bên thỏa thuận về các cam đoan và bảo đảm tại thời điểm giao kết hợp đồng cũng như được “lặp lại” tại thời điểm thực hiện giao dịch quy định trong hợp đồng và các thời điểm khác do các bên thỏa thuận.