Bóng cười được pháp luật quy định như thế nào?

Nội dung bài viết

Việc các cơ sở kinh doanh vẫn đang thực hiện hoạt động tổ chức sử dụng, buôn bán bóng cười hết sức phổ biến. Cùng với đó thực trạng thanh, thiếu niên sử dụng “bóng cười” tràn lan tại các quán cà phê, bar, vũ trường…như hiện nay gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và văn hóa cộng đồng. Vậy " bóng cười" đang được pháp luật quản lý như nào, Luật sư Nguyễn Thanh Hà ( Chủ tịch Công ty Luật TNHH SBLAW) đã có những giải đáp xung quanh vấn đề này.

  1. Hiện nay, đối với hành vi kinh doanh, sản xuất, tàng trữ khí cười N2O hay "bóng cười" đã được pháp luật quy định như thế nào thưa luật sư?

Trả lời:

Bóng cười thực chất là một quả bóng bay được bơm một loại khí có công thức hoá học là N2O (Dinitơ monoxit hay nitrous oxide). Loại khí này khi hít vào có khả năng tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng sảng khoái cho người sử dụng.

N2O thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, cụ thể là số thứ tự 120, Phụ lục II của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.

Các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh N2O được xử lý theo Điều 10 Nghị định số 163/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 115/2016/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp, cụ thể:

  • Hành vi vi phạm quy định về Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh, hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh quy định phạt tiền từ 12- 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh mà không có Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định; Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh khi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất được cấp đã hết hiệu lực.
  • Phạt tiền từ 20- 25 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý có thẩm quyền đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất.
  1. Hà Nội là địa phương đi đầu, quyết liệt trong việc ngăn chặn "bóng cười" và những hệ quả của nó. Việc Bộ Y tế đồng ý với đề xuất của Hà Nội, cấm sử dụng khí N2O cho mục đích giải trí có tạo thêm được những thuận lợi trong việc quản lý loại hàng này?

Trả lời:

Ngày 22-12-2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 47/2017/TT-BYT về Danh mục hóa chất cấm sử dụng và hạn chế phạm vi sử dụng trong chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong Danh mục hóa chất ban hành kèm theo Thông tư số 47/2017/TT-BYT không có khí N2O. Hiện tại Bộ Y tế chưa tiếp nhận hồ sơ thuốc, trang thiết bị y tế có thành phần khí N2O.

Trước những tác hại do việc người dân tự ý sử dụng khí N2O như một chất kích thích có thể dẫn đến tử vong, Bộ Y tế nhất trí với đề nghị của UBND thành phố Hà Nội về việc không được sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi giải trí vì khí này làm thay đổi trạng thái tâm thần kinh, và đề nghị UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo công tác truyền thông về tác hại của khí này đối với sức khỏe con người.

Bộ Y Tế là cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực sức khỏe. Việc Bộ Y Tế tham gia phối hợp cùng với chính quyền Hà Nội trong việc nghiên cứu đưa ra kết quả báo cáo kết quả, tham mưu cho Thành phố Hà Nội về tác hại của bóng cười, cần ngăn chặn để bảo vệ sức khỏe của mọi người là cần thiết.

  1. Mặc dù tác hại của khí cười đã được phản ánh nhiều nhưng vì sao giới trẻ vẫn sử dụng nó và những người kinh doanh vẫn tìm mọi cách để bán nó?

Trả lời:

Bóng cười ức chế chọn lọc enzyme methionine synthase, là enzyme chủ chốt trong quá trình chuyển hóa methionine và folate, do đó nó gây ra tương tác với vitamin B12. Tiếp xúc trong thời gian dài với khí N2O nồng độ cao sẽ gây thiếu máu hồng cầu lớn và gây một số tổn thương thần kinh. Phơi nhiễm liều cao trong thời gian dưới 6 tiếng không gây hại ví dụ như đã được sử dụng gây tê trên lâm sàng.

Khi hít bóng cười người chơi sẽ thấy sảng khoái cứ thế tuôn cười không thể kiểm soát được, sau đó hoàn toàn chìm đắm trong ảo giác, những đê mê về mọi thứ xung quanh.

Chính những cảm giác, ảo giác mà nó mang lại là lý do chính khiển giới trẻ tìm đến bóng cười như để giải trí, tìm cảm giác khoái cảm, chìm đắm trong các cuộc vui, hay có thể chỉ là đua đòi, thích thể hiện chất chơi với bạn bè. Một nguyên nhân nữa đó chính là giá thành của bóng rất rẻ chỉ khoảng 50- 60 nghìn đồng và rất dễ mua và tiếp cận.

  1. Luật sư có kiến nghị gì với các cơ qua chức năng để có thể kiểm soát, quản lý được loại khí này cũng như việc lạm dụng nó trong lĩnh vực giải trí?

Trả lời:

Trước thực trạng thanh, thiếu niên sử dụng “bóng cười” tràn lan tại các quán cà phê, bar, vũ trường…như hiện nay, để chủ động phòng ngừa, phát hiện, quản lý cũng như là xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bóng cười cần phải có sự phối hợp giữa các cấp chính quyền và người dân cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng.

Cần tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh, cất giữ, bảo quản khí N20; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, yêu cầu chủ kinh doanh dịch vụ có điều kiện ký cam kết không mua bán, cất giữ, bảo quản khí N20 trái phép.

Cùng với đó, các cơ quan liên quan chủ động phối hợp tăng cường nắm tình hình, tổ chức điều tra cơ bản, rà soát các cơ sở kinh doanh khí N20 không có giấy phép kinh doanh, không có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất hoặc chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc tuyên truyền, kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh “bóng cười” cần sớm được triển khai đồng bộ, quyết liệt, để tránh hậu quả xấu về lâu dài.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan