Bỏ sổ hộ khẩu – bước ngoặt trong quản lý dân cư của Chính phủ điện tử

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời về vấn đề: Bỏ sổ hộ khẩu – bước ngoặt trong quản lý dân cư của Chính phủ điện tử, trong chương trình Việt Nam Ngày Nay, phát sóng trên kênh VTC10 – NetViet. Dưới đây là nội dung chi tiết bài phỏng vấn:

Câu 1: Ông đánh giá thế nào khi Chính phủ ra Nghị quyết 112 với phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư qua “sổ hộ khẩu” giấy?

Luật sư trả lời:

Ngày 30/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP, theo đó nhiều thủ tục hành chính giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an đã được loại bỏ. Có thể nói rằng với việc ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP Chính phủ đã tạo ra một bước ngoặt mới trong việc thay đổi phương thức quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cải cách thủ tục hành chính theo hướng khoa học, hiện đại và rất hợp lòng dân.

Câu 2: Vì sao chúng ta nên bỏ sổ hộ khẩu?

Luật sư trả lời:

Trong những năm vừa qua, việc quản lý xã hội dựa vào Sổ hộ khẩu là biện pháp tương đối chặt chẽ và nghiêm ngặt. Dựa vào đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, quản lý xã hội có thể quản lý chặt chẽ con người, quản lý cư trú. Tuy nhiên, chính việc quản lý này lại tạo một số hạn chế, khó khăn khi làm các giấy tờ thủ tục hành chính.

Để khắc phục những hạn chế này, ngày 30/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP. Do đó, bỏ sổ hộ khẩu, để thay việc quản lý con người bằng mã số định danh là một bước đi tất yếu trong quá trình đổi mới phương thức quản trị xã hội.

Câu 3: Những lợi ích của việc bỏ sổ hộ khẩu và chuyển sang quản lý bằng Mã số định danh là gì, thưa ông?

Luật sư trả lời:

Việc bỏ Sổ hộ khẩu sẽ tạo thuận lợi cho người dân đặc biệt là những công dân ngoại tỉnh đang sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn. Những người này đều gặp khó khăn mỗi khi phải làm các thủ tục giấy tờ vì phải quay về địa phương cư trú để xin xác nhận và làm các giấy tờ liên quan.

Việc loại bỏ Sổ hộ khẩu là một bước cải cách thủ tục thiết thực và quan trọng trong việc tạo điều kiện cho người dân thực hiện các quyền công dân của mình cũng như chính quyền thực hiện tốt công việc quản lý về dân cư. Theo đó, người dân sẽ được hưởng các dịch vụ công như y tế, giáo dục, viễn thông… công bằng, không còn bị hạn chế bởi ranh giới cư trú theo Sổ hộ khẩu. Bên cạnh đó, việc xin các loại giấy tờ, thực hiện các thủ tục xin đi học, đi làm, … cũng thuận tiện hơn.

Câu 4: Một câu hỏi mà có lẽ rất nhiều người đang băn khoăn ở thời điểm này là liệu việc bỏ sổ hộ khẩu có liên quan đến các chính sách yêu cầu có hộ khẩu tại địa phương? Hay nói cách khác là vấn đề, quyền lợi của người dân địa phương khi bãi bỏ sổ hộ khẩu có được đảm bảo?

Luật sư trả lời:

Bỏ sổ hộ khẩu không có nghĩa là bỏ quản lý nhân khẩu. Thay vào đó, công tác quản lý vẫn được tiến hành một cách bình thường, thậm chí chặt chẽ hơn trên cơ sở các số liệu về dân cư mà các cấp, các ngành, đặc biệt là Bộ Công an, đang tiến hành hoàn thiện. Việc bãi bỏ hộ khẩu chỉ là một hình thức chuyển đổi việc quản lý cư dân qua điện tử về các thông tin cá nhân chứ không thể thay đổi các chế độ chính sách của từng địa phương. Do đó, sẽ không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người dân.

Câu 5: Ông có kỳ vọng như thế nào về việc quản lý dân cư theo mã số định danh cá nhân?

Luật sư trả lời:

Khi nghị quyết 112 được thực thi, người dân từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ không phải dùng CMND nữa, mà sẽ chỉ còn thẻ căn cước công dân. Trong đó, số thẻ căn cước cũng đồng thời là số định danh cá nhân.

Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

Thông tin chứa đựng trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm: Số định danh cá nhân, ảnh, họ và tên, tên thường gọi, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, số CMND, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số hộ chiếu, họ tên cha, họ tên mẹ, tình trạng hôn nhân, họ tên vợ hoặc chồng, họ tên con, ngày tháng năm mất. Như vậy, với 22 nội dung này, cơ sở số về dữ liệu cá nhân sẽ cung cấp mọi thông tin về một cá nhân từ khi họ chào đời cho tới khi mất.

Khi làm thủ tục hành chính, công dân chỉ cần đọc số định danh thì cơ quan nhà nước có thể tra cứu được thông tin mà không cần phải kiểm tra, đối chiếu giấy tờ như hiện nay.

Câu 6: Theo ông, việc quản lý cư trú theo cách mới sẽ gặp khó khăn gì?

Luật sư trả lời:

Hiện nay, có một thực tế là bỏ hộ khẩu sẽ sinh ra bất cập bởi những người chưa có số định danh cá nhân vẫn phải làm thẻ căn cước công dân, và thủ tục làm thẻ thì quy định có sổ hộ khẩu là bắt buộc để đối chiếu, chứng minh.

Bên cạnh đó, nhiều năm qua Nhà nước quản lý dân cư, cư trú và các thủ tục hành chính đều cần sổ hộ khẩu nên cán bộ ở phường cũng hình thành thói quen khi làm việc, cần phải có những buổi tập huấn, hướng dẫn cụ thể trước khi chính sách này đi vào thực tế đời sống.

Câu 7: Việc quản lý sổ hộ khẩu điện tử sẽ thế nào?

Luật sư trả lời:

Hiện nay công tác quản lý dân cư ở Việt Nam do nhiều bộ ngành thực hiện. Để đảm bảo quản lý Nhà nước và quyền công dân, các cơ quan nhà nước cấp một loại giấy tờ nên một người có nhiều loại giấy tờ khác nhau. Sau khi dự án được hoàn thành, hình thức quản lý dân cư sẽ thay đổi từ thủ công sang điện tử.

Thông tin cơ bản về công dân đã được thu thập và quản lý, đầy đủ, chặt chẽ trên hệ thống, trên cơ sở đó, Bộ Công an sẽ đề xuất lộ trình bỏ sổ hộ khẩu, bỏ sổ tạm trú.

Theo đó, Công dân sẽ được quản lý và sử dụng mã số định danh cá nhân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến cá nhân. Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

Câu 8: Bỏ sổ hộ khẩu sẽ kéo theo yêu cầu buộc phải rà soát và sửa đổi hàng loạt các quy định có liên quan vì nếu không có sự đồng bộ trong cách thức triển khai, hậu quả xã hội sẽ khó lường. Vậy VN cần có sự chuẩn bị như thế nào cho điều này?

Luật sư trả lời:

Nghị quyết 112 vừa ban hành của Chính Phủ là chủ trương rất thiết thực, tạo thuận lợi tối đa cho người dân cũng như công tác quản lý nhà nước. Việc quan trọng nhất là hoàn thiện một hình thức quản lý để thay thế sổ hộ khẩu như hiện nay, đó chính là mã số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, việc thay đổi này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến các văn bản luật khác. Do đó, các cơ quan liên quan như Bộ Công An, Bộ Tư Pháp cần rà soát lại và việc bỏ sổ hộ khẩu cần có lộ trình hợp lý. Bởi hiện nay hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa hoàn thiện, không phải người dân nào cũng đã được cấp mã số định danh cá nhân. Vì vậy, trong một số trường hợp, vẫn phải thực hiện theo cách cũ, rồi hoàn thiện dần, để bảo đảm công tác quản lý nhà nước một cách tốt nhất.

Đồng thời, trước lo ngại của người dân về việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ gây xáo trộn một số hồ sơ, giao dịch dân sự trước đó. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có “quy định chuyển tiếp” giữa cái cũ và mới để tạo điều kiện cho người dân. Trong trường hợp các thủ tục, hồ sơ người dân đã hoàn thiện trước đó, khi có “quy định chuyển tiếp”, người dân sẽ được cập nhật các thông tin mới, đồng thời những thông tin cũ vẫn còn nguyên giá trị theo quy định của pháp luật.

Việc bỏ hộ khẩu sẽ ít nhiều gây xáo trộn trong đời sống nhưng mặt được của việc này rất lớn nên sự xáo trộn đó không đáng kể, có thể khắc phục nếu các cơ quan quản lý thực sự muốn tạo điều kiện cho người dân.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan