Bố mất không để lại di chúc, gia đình muốn sang tên sổ đỏ cho mẹ phải làm thế nào?

Nội dung bài viết

Trong bài "Bố mất không để lại di chúc, gia đình muốn sang tên sổ đỏ cho mẹ phải làm thế nào?" đăng trên báo Đầu tư bất động sản, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

(ĐTCK) Bố mất không để lại di chúc, nay gia đình tôi muốn sang tên sổ đỏ cho mẹ thì phải làm sao?
Bố mất sang tên sổ đỏ cho mẹ như thế nào
Bố mất sang tên sổ đỏ cho mẹ như thế nào

Trả lời:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì bố bạn mất không để lại di chúc, bởi vậy tài sản của bố bạn để lại được chia thừa kế theo pháp luật. Nay cả gia đình bạn muốn sang tên sổ đỏ cho mẹ bạn, nghĩa là đã được sự đồng ý của các đồng thừa kế của bố bạn.

Để mẹ bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với căn nhà mà bố bạn để lại thì gia đình bạn (các đồng thừa kế của bố bạn) cần làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Việc cả gia đình bạn thống nhất chuyển quyền sở hữu ngôi nhà đó sang cho mẹ bạn thì cần tiến hành thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, trong văn bản thỏa thuận đó, những người đồng thừa kế thỏa thuận về việc tặng cho phần thừa kế của mình cho mẹ bạn.

Sau đó mang đi công chứng tại cơ quan có thầm quyền. Sau khi thực hiện xong việc công chứng văn bản khai nhận di sản và văn bản thỏa thuận phân chia di sản thì mẹ bạn cần mang Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đã được cấp và giấy tờ chứng minh quan hệ thừa kế với người đã mất để đăng ký biến động đất đai.

Hồ sơ:

+ Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;

+ Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

+ Một trong các giấy tờ liên quan đến nội dung biến động: Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy chứng minh quân đội và sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ khác chứng minh thay đổi nhân thân đối với trường hợp thay đổi thông tin về nhân thân của người có tên trên Giấy chứng nhận; bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; …

Trình tự thực hiện:

Bước 1: Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký biến động đến văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 2: Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và tiến hành việc chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã; trả Giấy chứng nhận đã xác nhận cho người nộp hồ sơ đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

- Thẩm quyền giải quyết: Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn (công chức địa chính cấp xã).

-Thời hạn giải quyết:

+ Trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

+ Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 15 ngày.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLaw)
Báo Đầu tư Bất động sản
Nguồn:http://tinnhanhchungkhoan.vn/bds-phap-luat/bo-mat-khong-de-lai-di-chuc-gia-dinh-muon-sang-ten-so-do-cho-me-phai-lam-the-nao-208162.html

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan