Bố đẻ bạo hành cháu bé 9 tuổi ở Hà Nội có thể bị phạt tù tới 3 năm

Nội dung bài viết

Trong bài "Bố đẻ bạo hành cháu bé 9 tuổi ở Hà Nội có thể bị phạt tù tới 3 năm" đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Giám đốc Công ty Luật TNHH SB LAW tp Hồ Chí Minh. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Liên quan đến trường hợp cháu bé Trần Gia K (9 tuổi) ở Hà Nội bị bố đẻ bạo hành trong suốt thời gian dài, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ đồng thời đặt câu hỏi: Đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý ra sao?

Theo thông tin ban đầu từ CQĐT, kết quả thăm khám cho thấy cháu Trần Gia K đã bị đánh đập, hành hạ dẫn tới rạn 6 xương sườn. Ngoài ra, trên người cháu K còn có nhiều vết thương khác do vật cứng gây ra. Cơ quan công an cũng đã xác nhận đối tượng Trần Hoài Nam (bố đẻ cháu K) chính là người đã hành hạ cháu.

“Căn cứ các quy định tại BLHS, hành vi bạo hành con đẻ của Trần Hoài Nam có thể cấu thành một trong 3 tội: Tội cố ý gây thương tích; Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình hoặc Tội hành hạ người khác” – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.

Điều 151 BLHS 1999 sửa đổi 2009 về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình nêu rõ, người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng -3 năm.

Còn theo BLHS 2015 có hiệu lực từ 1-1-2018, phạm tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong các trường hợp đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu… thì bị phạt tù từ 2-5 năm.

Về các dấu hiệu cấu thành tội phạm, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa phân tích, một trong các hành vi của tội phạm được thể hiện qua các dấu hiệu như có hành vi đối xử tồi tệ về mọi mặt đối với người bị hại như: Cho ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh, cho ở nơi hết sức tồi tàn thậm chí không có chăn, màn, giường, chiếu, cho mặc rách rưới, thiếu vệ sinh.

Việc đối xử này hoàn toàn trái ngược so với điều kiện sống của đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi này phải diễn ra thường xuyên gây đau đớn về thể xác, tinh thần cho nạn nhân. Ngoài ra, đối tượng còn có hành vi đối xử tàn ác đối với người bị hại như đánh đập, giam hãm, không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn… có thể kèm theo việc chửi mắng thậm tệ làm cho họ bị đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Tội phạm trên xâm phạm đến quan hệ gia đình, đến danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ của người bị hại. Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, trong trường hợp nếu hành vi gây thương tích cho cháu Trần Gia K đến mức độ nhất định đủ dấu hiệu cấu thành Tội cố ý gây thương tích thì đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp: Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau…thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Còn nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng bạo hành cháu Trần Gia K cũng có thể bị xử lý về Tội hành hạ người khác. BLHS quy định, người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm. Phạm tội đối với trẻ em thì bị phạt tù từ 1-3 năm.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan