Bộ chậm phê duyệt DN chịu tốn kém: Bỏ tư duy giữ để quản, mạnh dạn phân cấp

Nội dung bài viết

Trước tình trạng báo cáo khả thi của dự án luôn bị kéo dài thời gian thẩm định khiến doanh nghiệp mất thêm sức lực và chi phí, nhiều ý kiến đề xuất phân cấp, phân quyền cho địa phương được thẩm định báo cáo khả thi của dự án đầu tư xây dựng nhóm A. Mời quý khách theo dõi bài viết này có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch SBLAW nêu quan điểm về vấn đề trên.

Căn nhà nhỏ 2 tầng cũng do cục quản lý

Theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm d khoản 5 Điều 12 của Nghị định số 35/2023/NĐ-CP), đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác, tức là không thuộc diện dự án đầu tư công, dự án PPP, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công thì cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án nhóm A; dự án nhóm B có công trình cấp đặc biệt, cấp I; dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của 2 tỉnh trở lên.

Cũng theo quy định Nghị định 15/2021/NĐ-CP, thời gian để thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của dự án nhóm A không quá 40 ngày. Trong đó thời gian thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng không quá 35 ngày. Đối với dự án nhóm B, thời gian thẩm định không quá 30 ngày, trong đó thời gian thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng không quá 25 ngày.

Bộ chậm phê duyệt Doanh nghiệp chịu tốn kém
Bộ chậm phê duyệt Doanh nghiệp chịu tốn kém

Chỉ ra điểm đáng lưu ý trong quy định này, chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh cho biết trước đây Nghị định số 42/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 59/2015/NĐ-CP cho phép áp dụng cơ chế ủy quyền, theo đó Cục Hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng được ủy quyền cho Sở Xây dựng thẩm định các bước thiết kế.

Tuy nhiên đến Nghị định số 15/2021/NĐ-CP thì không còn cho phép áp dụng cơ chế ủy quyền. Điều đó dẫn đến thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi được đẩy lên Cục Hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng với mọi dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án nhóm A; dự án có công trình cấp đặc biệt, cấp I; dự án trên địa bàn 02 tỉnh trở lên (theo Điều 13 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP).

Mặc dù Nghị định số 35/2023/NĐ-CP đã sửa đổi Nghị định số 15/2021/NĐ-CP trong đó giảm bớt thẩm quyền thẩm định của Cục Hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, việc sửa đổi là không đáng kể.

Từ thực tế tư vấn cho doanh nghiệp, chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh chia sẻ quá trình tư vấn thủ tục đầu tư cho một số doanh nghiệp, ông nhận được khá nhiều lời than phiền về việc với một dự án nhóm A thì gần như mọi công trình đều phải đẩy lên cơ quan trung ương thẩm định, bao gồm các công trình có quy mô rất nhỏ, ví dụ một căn nhà 2 tầng, quy mô cấp III thuộc dự án nhóm A cũng thuộc thẩm quyền thẩm định của Cục Hoạt động xây dựng.

Khẳng định quy định như trên là bất hợp lý, ông Đỉnh nói rằng việc cơ quan chủ trì soạn thảo Luật cũng chính là cơ quan thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt ở khía cạnh nào đó có thể dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Đây cũng là vấn đề phổ biến có thể gặp ở nhiều lĩnh vực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không chỉ riêng lĩnh vực xây dựng.

Lo ngại nảy sinh cơ chế xin cho

Ở góc độ doanh nghiệp, trao đổi với Tạp chí Đầu tư tài Chính – VietnamFinance một doanh nghiệp than phiên rằng, với việc Bộ Xây dựng phụ trách phê duyệt từ thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng, báo cáo khả thi cho tới nghiệm thu, mỗi doanh khi phát triển một dự án nào đó sẽ phải “chạy” về đây tối thiểu 4 lần.

“Thử hỏi, nếu 1 doanh nghiệp mà phát triển nhiều dự án thì thời gian, công sức và nguồn lực sẽ tốn kém đến như thế nào? Thời điểm hiện tại, doanh nghiệp vốn đang rất khó khăn nên việc duy trì những quy định như thế này sẽ khiến doanh nghiệp càng lúc càng hụt hơi và đuối sức”, đại diện doanh nghiệp này nói.

Theo chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn đỉnh, những quy định đầy bất cập này, nếu không được sửa đổi một cách nhanh chóng sẽ làm kéo dài thủ tục đầu tư, nhiều trường hợp sẽ làm mất đi cơ hội đầu tư của doanh nghiệp, làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật và gián tiếp khiến giá thành bất động sản tăng (đối với các dự án bất động sản).

Ngoài ra, trong bối cảnh các dự án “dồn” về trung ương thẩm định quá nhiều, thủ tục hành chính này sẽ tiềm ẩn cơ chế “xin - cho”, có nguy cơ nảy sinh tiêu cực, làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư (đặc biệt với trường hợp các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam).

Bỏ tư duy giữ để quản mạnh dạn phân cấp
Bỏ tư duy giữ để quản mạnh dạn phân cấp

Phân cấp cho địa phương thẩm định dự án xây dựng nhóm A

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang chủ trì soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Trong đó, thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của cơ quan nhà nước được quy định tại Điều 16. Dự thảo quy định đối với dự án sử dụng vốn khác (không sử dụng vốn nhà nước), cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình chuyên ngành thẩm định dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án nhóm A có công trình cấp I trở lên; dự án trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên. Các công trình còn lại do địa phương thẩm định.

Phân tích quy định này, ông Đỉnh cho rằng thẩm quyền thẩm định đã được đề xuất phân cấp nhiều hơn cho địa phương so với pháp luật hiện hành. Cụ thể, dự án nhóm A nhưng chỉ có công trình cấp II trở xuống, hoặc dự án có công trình cấp I, cấp đặc biệt nhưng quy mô nhóm B, nhóm C sẽ được phân cấp về cho các Sở tại địa phương thẩm định.

Mặc dù vậy, nhưng theo đánh giá phương án này vẫn chưa thực sự bảo đảm nguyên tắc phân cấp, phân quyền.

“Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ chỉ nên thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi với dự án nhóm A có công trình cấp đặc biệt. Bởi các công trình cấp I, chẳng hạn tòa chung cư 30 tầng, hiện đã trở nên rất phổ biến tại các địa phương, có thể phân cấp cho cấp Sở thẩm định”, ông Đỉnh đánh giá.

Với các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, không phải trường hợp nào cũng cần cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ thẩm định. Chẳng hạn với dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp thuộc thẩm quyền Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng các công trình trong dự án rất đơn giản, không quá phức tạp về kỹ thuật (chỉ gồm một số tuyến đường giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật), cần phân cấp triệt để cho địa phương tự thẩm định.

Do đó, với các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, ông Đỉnh kiến nghị cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ chỉ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi nếu dự án có công trình cấp đặc biệt; còn lại thuộc thẩm quyền của địa phương.

Từ đó, ông Đỉnh đề xuất sửa điểm a khoản 4 Điều 16 dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP theo hướng: “Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư có công trình cấp đặc biệt; dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính từ 02 tỉnh trở lên”.

Tán đồng với đề xuất của ông Đỉnh, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần phân cấp phân quyền cho địa phương thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng nhóm A; kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình cấp I.

“Đây là giải pháp căn cơ để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, giải quyết dứt điểm tình trạng ách tắc, chậm trễ trong các khâu thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, nghiệm thu công trình như thời gian qua”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Quy định cấm bán bảo hiểm đi kèm khoản vay
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW nhấn mạnh, Bộ Xây dựng tiếp tục cần nghiên cứu, rà soát tất cả các quy định về thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, thiết kế xây dựng công trình, thủ tục cấp phép, cấp chứng chỉ, kiểm tra công tác nghiệm thu, cũng như quy định về kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng tại Nghị định 06/2021/NĐ-CP theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương, cho cấp cơ sở. Cùng với đó, phân cấp phân quyền cho địa phương thẩm định báo cáo NCKT dự án đầu tư XD nhóm A.

“Để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền công tác thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng, trước tiên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nhanh chóng tiến hành rà soát, hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2021/NĐ-CP.”, ông Hà nhấn mạnh.

Rà soát lại các quy trình thủ tục xây dựng

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần khắc phục ngay các hạn chế việc xử lý các Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng không để chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư, gây phiền hà cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân.

Trước mắt, cần hoàn thiện quy định về công vụ kiểm tra, giám sát bảo đảm việc giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch, tránh gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, ngày càng lành mạnh hóa môi tường đầu tư và ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm - Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Tham khảo thêm >> Tư vấn luật bất động sản

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan