Biến tướng vay tiền qua App online

Nội dung bài viết

  1. Hiện nay mô hình vay tiền qua App đang biến tướng và để lại hậu quả rất nặng nề cho người vay, xin anh cho biết thủ đoạn và mưu mô của những đối tượng cho vay này?

Trả lời:

Hiện nay có rất nhiều các app vay tiền online được quảng cáo trên Internet, các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube... để người có nhu cầu vay tiền tự liên lạc.

Các ứng dụng trên yêu cầu người vay tiền tạo một tài khoản bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân (hình ảnh, số CMND, hình CMND, số tài khoản ngân hàng) và đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử do ứng dụng soạn sẵn (trong đó có điều khoản buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động).

Nếu người vay thỏa mãn đầy đủ điều kiện vay tiền thì hệ thống tài khoản của công ty sẽ tự động chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người vay. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là lãi suất của các app cho vay này rất cao, có thể lên đến 900%/năm. Ví dụ, khách hàng vay 1.700.000 đồng nhưng thực tế khách hàng chỉ nhận được số tiền 1.428.000 đồng, còn 272.000 đồng là tiền phí dịch vụ. Trong vòng 8 ngày, người vay phải trả 2.040.000 đồng (trong đó gồm 1.700.000 đồng tiền gốc và 340.000 tiền lãi). Nếu khách vay tiền trả chậm sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày.

Khi đến gần thời hạn trả nợ, nhân viên bộ phận thu hồi nợ sẽ điện thoại nhắc nhở người vay phải trả đúng hạn.

Đến hạn trả nợ mà người vay chưa trả nợ hoặc không trả nợ thì nhân viên thu hồi nợ sẽ điện thoại cho tất cả những người trong danh bạ điện thoại của người vay để chửi bới, đe dọa và yêu cầu những người này phải nói người vay trả tiền cho công ty. Thậm chí có app còn cho chạy quảng cáo trên facebook hoặc dán ảnh con nợ lên khắp nơi, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của người này.

Như vậy, việc vay tiền qua app có ưu điểm là thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân nhanh nhưng trên thực tế lại đang bị biến tướng thành tín dụng đen với khoản lãi khổng lồ phải trả, những lời đe dọa nếu không trả đúng hạn.

  1. Để bảo vệ quyền lợi cho người vay, theo anh cần có những biện pháp gì? Anh có khuyến cáo gì cho người dân trước khi quyết định vay tiền qua App?

Trả lời:

Hiện nay, quy định của pháp luật còn nhiều kẽ hở nên các đối tượng cho vay nặng lãi dễ dàng lách luật. Chẳng hạn, quy định lãi suất cho vay không quá 20%/năm nhưng các đối tượng này lách bằng cách hợp đồng ghi lãi suất 20%/năm nhưng phí hơn 100%.

Hay do thực tế, nhiều app cho vay trực tuyến đang hoạt động dựa trên mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending). Theo đó, toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện tại chưa có quy định cụ thể về hoạt động của P2P Lending, lợi dụng điều này, nhiều app cho vay đã có nhiều chiêu trò để cho vay với lãi suất cắt cổ.

Ngoài ra, một trong những lý do khiến những loại hình cho vay này tồn tại cũng bởi nhu cầu vay nhanh của người dân. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng được cấp phép không thể đáp ứng việc cho vay nhanh khi thiếu tài sản đảm bảo, rồi vay “nóng”ngoài giờ hành chính.

Vậy nên, ngoài sự can thiệp mạnh hơn của các cơ quan chức năng, chính người dân cũng phải tìm hiểu, hết sức cẩn trọng và cân nhắc kỹ khi giao dịch trong việc sử dụng hệ thống tín dụng qua mạng, vay tiền qua các app online. Phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thể hiện đầy đủ thông tin như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại… Ngoài ra, các app cho vay phải thể hiện rõ các thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch như: công bố rõ ràng chính sách bảo vệ thông tin, mẫu hợp đồng, biểu phí, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch, … để tránh rủi ro.

  1. Những người cho vay tiền qua APP với lãi suất cao như vậy sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào? Có chế tài mạnh gì để hạn chế được vấn nạn này không a?

Trả lời:

Việc cho vay tiền qua APP với lãi suất cao vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay được coi là một hình thức cho vay nặng lãi. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt hành chính, theo điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự-an toàn xã hội thì đối với hành vi cho vay nặng lãi có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi “cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay.”

Đối với hành vi nghiêm trọng hơn, thu lợi bất chính với số tiền lớn thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:

- Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

- Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, đối với hành vi cho vay qua App các đối tượng thường thực hiện có tổ chức với hành vi tinh vi hơn để lừa những người đang gặp khó khăn về tài chính thì có thể bị truy tố hình sự với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, theo đó các đối tượng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, 07 năm đến 15 năm, hoặc phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Hơn nữa, các đối tượng khi thúc nợ, đòi nợ sẽ dùng các biện pháp như đe dọa, xúc phạm, khủng bố người vay, thì cũng có thể bị truy tố về các tội danh khác như: Cưỡng đoạt tài sản, Đe dọa giết người,… Theo đó, cần phải xem xét tất cả các thủ đoạn, hành vi của các đối tượng trên để áp dụng chế tài phù hợp.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan