Biến tướng nhà ở xã hội (KỲ III): Quy trình xét duyệt lỏng lẻo, bất công cho người mua nhà

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư TP.HCM khẳng định, ngoài mức phạt hành chính từ 50 đến 60 triệu đồng, các cá nhân trục lợi từ nhà ở xã hội sẽ bị thu hồi nhà ở về cho đơn vị quản lý.

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành thanh, kiểm tra hàng loạt dự án nhà ở xã hội chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều dự án nhà ở xã hội chuyển thành nhà ở thương mại trái quy định.

Thậm chí, nhiều người sở hữu 1, 2 hay nhiều hơn căn nhà ở xã hội, từ đó dẫn đến tình trạng mua đi bán lại tràn lan và gây biến tướng bản chất nhà ở xã hội.

– Dưới góc nhìn pháp luật, ông đánh giá như thế nào về thực trạng biến tướng nhà ở xã hội thưa ông?

Nhà ở xã hội là chính sách nhằm tạo điều kiện sinh hoạt cho những người lao động có thu nhập thấp có thể sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, thời gian gần đây những vấn đề nảy sinh nhà ở xã hội đã gây xôn xao dư luận.

Hiện có nhiều trường hợp nhà ở xã hội được xây dựng xong nhưng không được đưa vào sử dụng cho người có thu nhập thấp có nhu cầu sở hữu nhà ở. Nhiều dự án đã hoàn thiện gần xong nhưng vẫn chưa được đưa vào sử dụng nên qua thời gian có những công trình đang xuống cấp. Nguyên nhân của tình trạng trên là do UBND tỉnh chưa phê duyệt giá thuê, thuê mua tại dự án này.

Để được mua nhà ở xã hội, người mua phải xét hồ sơ rất gian nan để có đủ điều kiện mua. Thế nhưng, thời gian vừa qua việc mua nhà rồi bán lại thường xuyên xảy ra ở các nhà ở xã hội. Ngoài bán trái quy định, nhiều đối tượng dùng hình thức cho thuê lại căn hộ mà không biết điều này cũng sai với quy định.

Mặt khác, nguồn cung nhà ở xã hội ít nên mới xảy ra hiện tượng mua bán chênh tại một số dự án, do đó người dân cố tình nộp hồ sơ nhiều lần tại dự án nhà ở xã hội để trục lợi.

– Vậy theo ông đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên?

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thực trạng biến tướng nhà ở xã hội như trên.

Theo quy định trong Luật Nhà ở năm 2014, nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội gồm rất nhiều thành phần như: Người có công với cách mạng; Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; Cán bộ, công chức, viên chức…

Tiêu chí để lựa chọn người mua nhà ở xã hội rất gắt gao, trải qua nhiều bước thẩm định, chấm điểm hồ sơ người đăng ký mua nhà. Mặt khác quy định cũng cấm người mua nhà ở xã hội bán lại trước 5 năm.

Tuy nhiên, việc giám sát, kiểm tra sau khi khách hàng được duyệt hồ sơ mua nhà vẫn còn lỏng lẻo, dẫn đến nhiều người bán sang tay suất mua nhà để kiếm lời, trong khi người có nhu cầu ở thật lại bị loại, tạo ra sự bất công trong chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

Hơn nữa, một dự án nhà ở xã hội trước khi được hình thành phải trải qua các bước quy trình đúng như một dự án nhà ở thương mại thông thường. Vì thế, doanh nghiệp thường chọn làm dự án nhà ở thương mại nhiều hơn vì vừa có lãi cao lại vừa đỡ tốn thời gian làm thủ tục pháp lý.

Bên cạnh đó, hiện giá nhà ở xã hội ngày một cao, có nơi lên đến 17 triệu đồng/m2, mức giá này tương đương giá căn hộ thương mại nên cơ hội cho người thu nhập thấp không còn, chỉ có người có thu nhập cao mới mua được giá nhà ở xã hội dạng này.

Thực tế, khi doanh nghiệp nào đó làm dự án nhà ở xã hội thì khó có thể đòi hỏi họ bán với giá thấp hơn khung 13 – 16 triệu được bởi như thế thì không có lãi.

Tuy nhiên, nếu giữ khung giá đó thì người có thu nhập thấp lại không thể mua được vì thế buộc các chủ thầu phải để hoặc tìm kiếm khách hàng là những người có thu nhập cao mua mặc dù điều kiện mua nhà của những người này là không phù hợp.

– Trường hợp các cá nhân trục lợi từ nhà ở xã hội như kê khai không trung thực về nhà ở riêng, thu nhập cá nhân… để hưởng chính sách bị xử phạt như thế nào?

Chính sách xử lý đối với các trường hợp trục lợi từ nhà ở xã hội được quy định tại Khoản 6 Điều 62 Luật nhà ở 2014: “Mọi trường hợp cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội không đúng quy định của Luật này thì hợp đồng cho thuê, thuê mua, mua bán nhà ở không có giá trị pháp lý và bên thuê, thuê mua, mua phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội; trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở tổ chức cưỡng chế để thu hồi lại nhà ở đó.”

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 63 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở cũng quy định mức xử phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với hành vi cho thuê, mua nhà ở không đúng quy định.

Như vậy, ngoài mức phạt hành chính từ 50 đến 60 triệu đồng, các cá nhân trục lợi từ nhà ở xã hội sẽ bị thu hồi nhà ở về cho đơn vị quản lý.

– Theo Luật sư làm thế nào để hạn chế tình trạng biến tướng này?

Có thể nói để sự việc này diễn ra, một phần nguyên nhân là bởi sự buông lỏng trong công tác quản lý nhà ở của các cấp chính quyền. Do đó, Bộ Xây dựng cũng như các cơ quan quản lý, thanh tra cần phải làm tốt công tác kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm. Đồng thời đôn đúc các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định về thanh tra, kiểm tra và báo cáo cơ quan quản lý.

Tăng cường khâu hậu kiểm đối với nhà ở xã hội để đảm bảo chính xác những người có nhu cầu về nhà ở thực sự mới được mua nhà ở xã hội.

– Vâng! Xin cảm ơn luật sư!

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan