Luật sư Nguyễn Thanh Hà trao đổi xung quanh những khúc mắc của người tiêu dùng về dịch vụ 3G cũng như cách tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Phải trả tới hàng triệu đồng mỗi tháng cho dịch vụ 3G hoặc dù không sử dụng sim nhưng hàng tháng vẫn bị trừ tiền, tuy nhiên những thắc mắc của khách hàng về dịch vụ lại không hề nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía nhà mạng.
Hàng chục triệu người dùng điện thoại di động đã không còn xa lạ với dịch vụ 3G. Với những tiện ích như dễ dàng kết nối internet mọi lúc mọi nơi, cập nhật thông tin bất cứ lúc nào nên nhiều người chấp nhận chi thêm một khoản tiền cho dịch vụ này. Tuy nhiên, sau một thời gian được ứng dụng ở Việt Nam, người tiêu dùng đã có những thắc mắc về chất lượng, dịch vụ và đặc biệt là cách tính cước không rõ ràng của dịch vụ 3G. Điều đáng nói là khi khách hàng có ý kiến thì chỉ nhận được câu trả lời chưa thỏa đáng của các nhà mạng.
Chương trình Bản tin thời sự 12h số phát sóng ngày 18/10 đã có những tìm hiểu và ghi nhận về vấn đề này.
Clip: Thắc mắc về dịch vụ 3G và quyền lợi của khách hàng - (Nguồn: VTV)
Điện thoại ở mọi nơi, online ở mọi chỗ, nhiều người dùng đã quen với 3G, thậm chí với nhiều người đã thành thói quen không thể thiếu. Tiện lợi và dễ tiếp cận nhưng những rắc rối trong quá trình sử dụng cũng không phải là ít. Tuy nhiên, việc thông tin giữa các hãng cung cấp dịch vụ và người dùng 3G vẫn rất hạn chế.
Những phần mềm tiện ích có thể tra cứu dữ liệu sử dụng 3G của người dùng. Nhưng việc tự soát lại dữ liệu chỉ giúp người dùng có thêm một phần thông tin nhất định. Nhu cầu rõ ràng về sự minh bạch trong dịch vụ 3G vẫn trông chờ phần lớn vào chính các nhà mạng cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, các gói dịch vụ với giá tiền và nội dung sử dụng khác nhau khiến nhiều người khi dùng không thể hiểu hết dịch vụ mình đăng kí.
Chị Hải, một khách hàng từng sử dụng 3G đã từng phải trả hàng triệu đồng cho dịch vụ 3G chia sẻ: "Bản thân những phần mềm mình cài trong máy cứ tự cập nhật khi mà thời điểm không có wifi sẽ tự chuyển sang 3G. Khi bị trừ rất nhiều tiền, lúc đó mình mới hiểu ra tính năng hoạt động của nó và chuyển sang dùng thuê bao".
Cũng có rất nhiều thắc mắc và bị trừ tiền "oan" bởi dịch vụ 3G, chị Lương Thị Hường (Phố Vọng, Hà Nội) chia sẻ: "Không dùng số điện thoại, tháo ra để một chỗ nhưng thỉnh thoảng mở ra thử kiểm tra tôi thấy tiền vẫn trừ bình thường trong khi tôi không hề sử dụng".
Rõ ràng là khi có thắc mắc về gói dịch vụ thì khách hàng sẽ tìm mọi cách để kết nối với nhà cung cấp. Có thể vấn đề đến từ nhà mạng nhưng cũng có thể đến từ việc người tiêu dùng chưa hiểu rõ về dịch vụ này. Rất nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do thông tin giữa nhà mạng cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng chưa được rõ ràng.
Đánh giá về quyền lợi được thông tin về dịch vụ 3G của khách hàng, Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Giám đốc Công ty Luật S&B) cho biết: "Việc sử dụng dịch vụ 3G cũng là hợp đồng dân sự giữa người dùng và đơn vị cung cấp là các nhà mạng. Theo nguyên tắc của hợp đồng, bên mua và bên bán đều phải cung cấp thông tin rõ ràng cho người tiêu dùng. Hiện nay, trên tờ rơi hoặc trên các website của các nhà mạng đều có các điều khoản về việc sử dụng các gói cước 3G, thông tin về dung lượng, giá cả và quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam thường không tìm hiểu kĩ các quy định này mà phần lớn là chỉ quan tâm tới dung lượng và giá cả, còn các điều khoản khác đều không được để ý".
Theo ông Hải, những rắc rối trong việc sử dụng 3G ở Việt Nam là do người tiêu dùng Việt Nam chưa quan tâm nhiều tới các điều khoản. Cùng với đó, các nhà mạng cũng nên có cách thức khác, bên cạnh việc thông tin trên website để người tiêu dùng sử dụng rõ các điều khoản của hợp đồng và tránh những tranh chấp sau này về giá cước.
Trả lời câu hỏi về việc thắc mắc của người tiêu dùng với nhà mạng thường được giải đáp không thỏa đáng, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng cho biết, hiện nay với những giao dịch giá trị lớn, người tiêu dùng ngoài việc khiếu nại lên nhà mạng, có thể sử dụng các công cụ khác mà vẫn được cho phép, cụ thể là căn cứ vào Luật viễn thông và Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nếu người tiêu dùng thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, muốn đòi quyền lợi thì người tiêu dùng nên nắm được và sử dụng các phương tiện đó để bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo Hồng Minh / Trí Thức Trẻ