Mới đây, vụ việc cháu bé 5 tuổi ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk lấy một vòng cao su, có giá khoảng 10.000 đồng nhưng bị chủ cửa hàng đăng tải hình ảnh, bêu rếu trên mạng xã hội, gây bức xúc cộng đồng mạng. Vụ việc góp thêm một ví dụ thực tiễn về những ứng xử của người lớn với trẻ em trên không gian mạng trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ hiện nay. Cũng đã từng có nhiều trường hợp người lớn, thậm chí bố mẹ, người thân các em có thói quen chia sẻ hình ảnh, những chuyện vui, buồn, những chuyện về cuộc sống hàng ngày hoặc thậm chí cả những chuyện "nhạy cảm" của các em chỉ để đổi lại những lần bấm "like", bình luận từ những người dùng mạng xã hội khác, thậm chí từ cả những người xa lạ. Những hành vi như vậy có phải đơn thuần chỉ xuất phát từ sự vô tâm, thiếu hiểu biết của người lớn hay cần được nhìn nhận một cách sâu sắc hơn về nhận thức, kỹ năng và cần được phân tích ở cả góc độ pháp lý. Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã có những giải đáp liên quan đến vấn đề này. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu hỏi: Vâng, thưa luật sư, ở góc nhìn của mình, ông có đánh giá như thế nào về hành vi của chủ shop ở Đắc Lắc đăng ảnh bé gái không che mặt cùng chiếc vòng tay và yêu cầu người thân cháu bé đến giải quyết vụ việc?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law
Khách mời trả lời:
Vào tối 29/11 và ngày 30/11 trên mạng xã hội lan truyền một bài đăng với nội dung: “Truy tìm người thân bé gái này mới qua shop ăn cắp một chiếc vòng tay. Tên tay là tang vật bé lấy nhé. Ai là người nhà thì qua shop làm việc ngay với em”. Cùng với bài viết nói trên là hình ảnh một cô bé được chụp rõ mặt đang cầm một chiếc vòng tay cao su màu trắng. Không chỉ vậy, chủ shop còn đăng video lên Facebook về bé gái, trong video do quá lo sợ cô bé này đã bật khóc. Ngay sau khi bài viết đăng tải, cư dân mạng đã chia sẻ chóng mặt, với hàng nghìn bình luận.
Hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội, tình trạng người lớn chia sẻ hình ảnh hay những thông tin thường ngày của trẻ em lên mạng xã hội một cách vô tư là chuyện dễ thấy. Đối với người lớn thì đó là những hành động nhỏ, không quan trọng lắm. Tuy nhiên nhiều trường hợp sau khi đăng tải những thông tin đó lên vô tình lại khiến cho các em nhỏ bị ảnh hướng lớn đến tâm lý của các em từ đó dẫn đến những hậu quả sau này.
Theo góc độ pháp lý thì quyền được baỏ vệ về nhân phẩm, danh dự, uy tín được quy định rõ tại Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 theo đó: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra theo Điều 21 Luật trẻ em 2016 cũng quy định: Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư. Do đó đối với những hành vi đăng tải thông tin trẻ em lên mạng xã hội để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm thì hoàn toàn có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.
Câu hỏi: Cộng đồng mạng bức xúc bởi chủ shop đã lựa chọn hành động bêu rếu cháu bé nhỏ tuổi trên mạng khiến sức tác động và hậu quả có thể gây ra sau này đối với cháu bé là rất lớn trong khi hoàn toàn có thể lựa chọn một cách ứng xử khác. Hành động của chủ shop cũng phản ánh một thực tế nhiều người lớn, thậm chí cả người thân của các em đã và đang coi việc đăng tải, chia sẻ những hình ảnh, thông tin, câu chuyện của trẻ em lên mạng là chuyện bình thường, thậm chí chỉ để câu like. Ông suy nghĩ như thế nào về thực tế này, thưa luật sư?
Khách mời trả lời:
Việc người lớn ghi lại những hình ảnh thú vị trong cuộc sống hàng ngày của các em nhỏ để làm kỷ niệm thì không có việc gì xấu. Tuy nhiên nhiều người lại lựa chọn cách đăng tải lên mạng xã hội để câu like mà không quan tâm đến những hậu quả có thể xảy ra cho sau này đối với các em nhỏ. Đặc biệt với tốc độ lan tỏa thông tin nhanh chóng trên mạng xã hội những hành vi quay video để bêu xấu, trách móc các em nhỏ lên mạng xã hội lại càng được nhiều người chú ý. Từ đó vô tình tạo nên ảnh hưởng tâm lý tới các em, gây ra sự lo sợ vì hành vi của mình đều bị mọi người biết đến khiến các em dần thu mình lại, không dám giao tiếp với ai mà điều đó càng gây ra hậu quả nghiêm trọng đến sự phát triển về sau này của các em.
Việc người lớn tự ý đăng tải các thông tin của các em lên mạng nguyên nhân là do sự vô ý, không quan tâm đến cảm nhận của các em một phần là do thiếu kiến thức về pháp luật. Do tình trạng xử phạt đối với những hành vi này còn ít do đó nhiều người vẫn nghĩ việc tự ý đưa hình ảnh của các em lên mạng để câu like là chuyện bình thường, do đó, cần phải tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ trẻ em và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Câu hỏi: Thực tế này cũng cho thấy những quy định pháp luật cụ thể liên quan đến việc đăng tải, chia sẻ hình ảnh, thông tin của trẻ em trên mạng xã hội dường như chưa có nhiều ý nghĩa, thưa luật sư?
Khách mời trả lời:
Hành lang pháp lý về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng của Việt Nam bước đầu đã được hình thành. Luật Trẻ em năm 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm; trong đó có hành vi: Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.
Ngoài ra, theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật trẻ em, quy định về các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng như sau:
- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng; và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng; phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.
- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.
- Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Tuy nhiên, việc thi hành pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng còn nhiều bất cập, hạn chế. Các chứng cứ điện tử dễ bị tiêu hủy. Năng lực, kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ trinh sát, điều tra viên còn hạn chế nên khó thu thập được dữ liệu điện tử một cách nhanh chóng. Ngoài ra, do các em nhỏ còn dưới sự giám sát của cha mẹ do đó việc cha mẹ tự ý lấy hình ảnh của con đăng trên các trang mạng xã hội thì các con cũng không dám bày tỏ quan điểm không thích của mình do đó rất khó để xử lý được các trường hợp này.
Do đó cần phải tích cực phổ biến những quy định pháp luật, quyền được bảo vệ của các em và những tác hại có thể xảy ra cho các em và người lớn biết từ đó để các em tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình cũng như hạn chế việc tự ý đăng tải hình ảnh của các em lên mạng xã hội.
Câu hỏi: Trẻ em là đối tượng còn nhỏ tuổi, dễ bị tác động về tâm lý, sức khỏe và hành vi nên việc các em thấy hình ảnh, thông tin cá nhân bị đưa lên mạng xã hội, phải nghe, phải đọc những comment của xã hội về hình ảnh, việc làm của mình khiến nhiều em bị tổn thương, khủng hoảng lớn về tinh thần trong thời gian dài, thậm chí dẫn đến những quyết định đáng tiếc. Thưa luật sư, ông có bình luận gì về vấn đề này?
Ảnh minh họa
Khách mời trả lời:
Có thể thấy rằng trẻ em là đối tượng dễ bị tác động về tâm lý do đó cần phải được bảo vệ và quan tâm nhiều hơn nữa. Khi các em thấy những hình ảnh, thông tin của mình được đưa lên mạng để xã hội đánh giá việc làm của mình đã khiến tâm lý của các em bị tổn thương nghiêm trọng. Nhiều em do những lời comment, lời nói đó mà cảm thấy tự ti, mặc cảm về bản thân mình, chỉ ở nhà không dám gặp bạn bè dần dần trở nên lo ngại khi phải giao tiếp với người xung quanh hoặc thậm chí nặng hơn là trầm cảm rồi dẫn đến những ý nghĩ dại dột.
Do đó người lớn cần tự nhận thức được hành vi của mình có tác hại nguy hiểm như thế nào đến các em từ đó trước khi đăng tải hình ảnh, thông tin của các em cần suy nghĩ đến hậu quả có thể xảy ra để tránh việc đến khi hối hận đối với những việc mình đã gây ra thì cũng đã không thể khắc phục được hậu quả.
Câu hỏi: Quan sát từ những vụ việc này, theo ông, sự vô tâm, thiếu hiểu biết hay coi thường suy nghĩ, tâm lý của trẻ nhỏ, thậm chí coi thường cả pháp luật, yếu tố nào có lý nhiều hơn để giải thích cho những hành động như vậy, thưa ông ?
Khách mời trả lời:
Đối với những vụ việc đã xảy ra có thể thấy rằng nhiều người đã nhận thức được những hành vi của mình là vi phạm pháp luật, có thể gây tác hại đến các em nhỏ tuy nhiên họ vẫn thực hiện hành vi của họ do cho rằng trẻ em chưa biết tự bảo vệ bản thân mình, không biết gì và cho rằng khi nào các em lớn thì sẽ không ai để ý đến những việc đó nữa, do đó họ vẫn thực hiện mà không quan tâm đến hậu quả xảy ra. Do sự vô tâm, coi thường suy nghĩ, tâm lý của trẻ nhỏ đã dẫn tới việc người lớn tự ý đăng tải hình ảnh trẻ em lên mạng xã hội vẫn không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng.
Qua vụ việc này, cũng là lời cảnh tỉnh cho mọi người thấy rằng cần phải quan tâm, tôn trọng đến suy nghĩ cũng như tâm lý của các em nhiều hơn để các em có thể phát triển và lớn lên như bao bạn bè đồng trang lứa và tránh những ảnh hưởng đáng tiếc có thể xảy ra đến với các em.
Câu hỏi: Trở lại vụ việc em bé ở Đắc Lắc, ở góc độ pháp luật, hành vi của chủ shop có bị coi là xâm hại trẻ em hay không và bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?
Khách mời trả lời:
Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.
Theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó hoặc người đại diện/người giám hộ của người đó đồng ý. Như vậy, việc tự ý đăng ảnh người khác khi chưa có sự đồng ý của người đó hoặc đăng ảnh có liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân khi chưa có sự đồng ý của người đó là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính:
Tại Điều 31 Nghị định 130/2021/NĐ-CP vi phạm quy định về cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn Buộc xin lỗi khi có yêu cầu đối với hành vi vi phạm và phải thu hồi, xóa, gỡ bỏ các thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em đối với hành vi vi phạm.
Về xử lý hình sự:
Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội làm nhục người khác thì: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, Ngoài ra còn có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm nếu vi phạm các điểm tại khoản 2, 3 điều này. Cùng với đó người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Câu hỏi: Vụ việc em bé ở Đắc Lắc đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật về hành vi xâm hại trẻ em. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng với tốc độ lây lan thông tin nhanh trên mạng, để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cũng cần có những thủ tục nhanh, gọn hơn. Ý kiến của luật sư như thế nào?
Khách mời trả lời:
Mạng xã hội là phương tiện truyền tải thông tin quan trọng và phổ biến của truyền thông xã hội. Đặc điểm nổi trội của MXH là tốc độ kết nối nhanh, phạm vi chia sẻ rộng, hiệu quả tác động lớn. MXH trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống, tác động một cách trực tiếp, làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá thể, qua đó tác động đến sự phát triển của toàn xã hội
Dù mới gia nhập gần đây, song MXH ở Việt Nam phát triển rất nhanh chóng. Số lượng người dùng MXH từ 17 triệu người năm 2007 tăng lên 64 triệu người dùng vào đầu năm 2019. Số người đăng ký dùng MXH chiếm 66% dân số của Việt Nam và đứng thứ 22 trên thế giới tính theo dân số về số người sử dụng mạng xã hội. Theo số liệu của We are social năm 2019, trung bình mỗi người dùng Việt Nam dành ra 6 giờ 42 phút mỗi ngày để sử dụng internet (xếp thứ 15 thế giới), trong đó có 2 giờ 32 phút dành cho MXH, 2 giờ 31 phút xem các stream hoặc video online và dùng 1giờ 11 phút để nghe nhạc trực tuyến. Tỉ lệ dùng MXH mỗi ngày một lần lên đến 94% và có đến 41% người sử dụng truy cập ít nhất hai lần mỗi ngày trở lên.
Với việc ban hành Luật An ninh mạng (thực hiện từ đầu năm 2019) và một số văn bản quy phạm pháp luật khác, cùng với hàng loạt giải pháp quyết liệt của Bộ TT&TT đàm phán với các trang mạng từ nước ngoài như google, Facebook. Tuy nhiên, do đặc thù phát triển quá nhanh của công nghệ, của các dịch vụ, nội dung thông tin trên MXH nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế; chưa cụ thể hóa, bao quát hết các đối tượng và hoạt động cần quản lý, hành vi sai phạm, chế tài xử lý chưa bảo đảm tính răn đe.
Do đó để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cũng cần có những thủ tục nhanh, gọn hơn là vấn đề không hề dễ vì không chỉ trẻ em mà các đối tượng khác cũng rất cần được bảo vệ và cần được xử lý nhanh chóng từ cơ quan chức năng. Nhưng với việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng nói riêng và việc bảo vệ an ninh mạng nói chung cần có nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa, nhanh chóng hơn nữa, có như vậy mới phần nào kiểm soát được tình trạng trên.
Câu hỏi: Theo luật sư, các quy định liên quan đến vấn đề này cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng nghiêm khắc hơn hay không, đặc biệt với hành vi bêu rếu trẻ em trên mạng và trong sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, theo luật sư, khái niệm “xâm hại trẻ em” có cần được mở rộng ngữ nghĩa để đảm bảo khả năng dự báo của các quy định pháp luật và bổ sung thêm các chế tài phù hợp không?
Khách mời trả lời:
Với hành vi đăng tải hình ảnh, chia sẻ thông tin của trẻ em lên mạng xã hội khi chưa được sự cho phép trên thì chúng ta đã phân tích về các chế tài xử lý bên trên. Pháp luật đã quy định rất rõ những chế tài áp dụng từ phạt hành chính, chịu trách nhiệm dân sự. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, chủ cửa hàng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi (dựa vào thái độ, nhận thức của người có hành vi vi phạm; hậu quả của hành vi...).Theo đó, khung hình phạt thấp nhất là người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Như vậy, có thể thấy các chế tài xử lý đã có nhưng vấn đề nằm ở nhận thức của người vi phạm. Hiện nay việc xử lý các vụ việc vi phạm tương tự như trên không hề ít, nhưng số lượng vi phạm vẫn không ngừng tăng lên do sự thiếu hiểu biết của người trong cuộc; song, nếu hành vi này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội làm nhục người khác thì cần thiết cơ quan tố tụng phải xem xét, xử lý để răn đe.
Câu hỏi: Vâng, thưa luật sư, ông có đánh giá như thế nào về những giải pháp mang tính xã hội và công nghệ đã và đang được tiến hành hiện nay để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng?
Khách mời trả lời:
Xu hướng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dẫn đến sự hình thành xã hội thông tin mà biểu hiện của nó là sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội. Bất kể người dùng internet nào hiện nay đều sở hữu cho mình hoặc tham gia vài tài khoản trang mạng xã hội như Facebook, twitter, youtube, intagram, … Những mạng xã hội này thu hút hàng chục triệu tài khoản tại Việt Nam, trong đó phần lớn là độ tuổi vị thành niên và người lao động. Đây là một kênh cung cấp, chia sẻ thông tin cực kỳ quan trọng của xã hội hiện đại.
Điều 29 “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” của Luật An ninh mạng 2019 quy định cụ thể như sau:
- Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.
- Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp không để gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin mạng gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của luật này và pháp luật về trẻ em.
- Cơ quan, tổ chức, cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.
- Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng phải áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm trẻ em, quyền trẻ em
Tuy nhiên hiện nay, vấn đề chặn, lọc thông tin trước khi đưa lên mạng, kiểm soát những bình luận trên mạng vẫn có những kẽ hở và chưa thể kiểm soát được hết, nguyên nhân có thể do những số lượng bài viết quá nhiều và với những nội dung, cách thức đăng tải khác nhau và trên nhiều nền tảng…từ đó cũng gây khó khăn cho cơ quan kiểm soát. Vấn đề đặt ra vẫn là nhận thức của những người vi phạm, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân là việc không thể thiếu.
Câu hỏi: Nói về giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật, trách nhiệm của các doanh nghiệp quản lý, khai thác kiểm soát thông tin trên mạng xã hội cần được cụ thể hơn như thế nào, thưa luật sư?
Khách mời trả lời:
Đối với các doanh nghiệp quản lý, khai thác, kiểm soát thông tin trên mạng xã hội cần xác định. Trong trường hợp xác định được đối tượng cung cấp thông tin vi phạm các quy định hiện hành thì tùy theo mức độ, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ áp dụng hình thức xử lý kịp thời theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ – CP ngày 3/2/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản để đảm bảo chế tài xử phạt tương ứng với các hành vi vi phạm về quảng cáo trên mạng xã hội. Trường hợp vi phạm mức độ nhẹ thì nhắc nhở, rút kinh nghiệm; trường hợp vi phạm ở mức độ nặng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép, thu hồi tên miền và nếu vi phạm nghiêm trọng ngành công an sẽ khởi tố xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm thì đề xuất Bộ TT và TT gửi yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ như Google, YouTube, Facebook... thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định tại Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT.
Tiếp tục tập trung tăng cường công tác tuyên truyền về các quy định của pháp luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng mạng xã hội. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông; ngành Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên và các địa phương để thực hiện tuyên truyền dưới nhiều hình thức, trong đó, đi sâu vào nội dung hướng dẫn sử dụng, phòng ngừa thông tin xấu độc giúp trẻ em có đủ kiến thức, kỹ năng khi xử dụng mạng xã hội.
Câu hỏi: Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, chúng ta thường nhấn mạnh vai trò quan trọng của gia đình, bố mẹ, người thân các em. Trước sự phát triển khó kiểm soát của các thông tin trên mạng, ngay cả người lớn đôi khi cũng khó chủ động tự bảo vệ mình. Theo luật sư, làm thế nào để nâng cao nhận thức và trách nhiệm, kỹ năng của gia đình, đặc biệt là bố mẹ, người thân các em trong vấn đề này?
Khách mời trả lời:
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là rất cần thiết, cấp thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đặc biệt là trong giai đoạn này. Đây là vấn đề nan giải chung không chỉ của Việt Nam mà còn là vấn đề của các nước trên thế giới.
Theo đó, việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của phụ huynh, gia đình và đặc biệt là bố mẹ là người gần gữi nhất với trẻ. Việc đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức và kỹ năng là hết sức cần thiết nhưng cần nhiều thời gian. Việc nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo vệ trẻ trên không gian mạng luôn cần thời gian, hơn nữa đây lại là nội dung vẫn còn mới và khó với nhiều người.
Với trẻ em thì lại càng cần nhiều công sức và thời gian hơn. Trẻ em có nhận thức tốt, có thói quen tốt sẽ giảm thiểu nhiều nguy cơ mất an toàn, nhưng dù có đào tạo và tuyên truyền tốt vẫn không thể thay đổi được đặc tính tự nhiên của trẻ em là chưa chín chắn, tò mò và thích thể hiện…Do đó nhà trường cần có những buổi ngoại khoá tuyên truyền và giáo dục nhận thức cho trẻ về những kỹ năng cần có khi trở thành nạn nân của những vụ việc xâm hại trên mang xã hội.
Do vậy, Chính phủ cùng các cơ quan chức năng cần ưu tiên ban hành sớm các quy định chặt chẽ và cụ thể hơn, có công cụ cũng như chế tài phù hợp, trong đó có gắn trách nhiệm cụ thể tới các cơ quan nhà nước trong giám sát, thực thi việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Trách nhiệm và sự đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng. Như vậy thì chúng ta sẽ sớm có được môi trường mạng an toàn và lành mạnh hơn và bảo vệ được tốt hơn cho trẻ em.