Trong bài: "Bên lề Quốc hội: Những bất cập trong Luật Quản lý thuế cần sửa đổi" đăng trên trang báo điện tử bnews.vn, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SBLaw. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Sau hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh việc đạt được kết quả quan trọng nhưng Luật Quản lý thuế cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đặt ra yêu cầu cần được sửa đổi.
Mức thuế cho các hộ kinh doanh cùng ngành nghề gần nhau phải được đăng tải để các hộ kinh doanh này tham gia góp ý kiến. Ảnh minh họa: TTXVN
Tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, qua rà soát, có 108 điều quy định trong Luật Quản lý thuế hiện hành cần được điều chỉnh, chiếm khoảng 90% tổng số điều.
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) bao gồm: 17 chương, 152 điều, với một số sửa đổi đáng chú ý là quy định thẩm quyền xóa nợ, cải cách hành chính trong quản lý thuế, chứng từ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, chống chuyển giá, xói mòn cơ sở thuế... Dự thảo Luật đã hoàn thiện các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết để phòng chống chuyển giá.
Theo Ban soạn thảo dự án Luật, vấn đề chuyển giá, tránh thuế của doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông qua chính sách giá giao dịch nội bộ đã và đang là thách thức lớn đối với mỗi quốc gia bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển.
Tại Việt Nam, song hành với chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, việc chống chuyển giá đã được chú trọng trong nhiều năm qua. Hệ thống thể chế, chính sách điều chỉnh các hành vi chuyển giá đã không ngừng được hoàn thiện thông qua hệ thống các văn bản pháp luật.
Trên cơ sở đó, dự thảo Luật Quản lý thuế đã luật hóa một số nguyên tắc cơ bản về giao dịch liên kết đã được quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Cụ thể là, nguyên tắc quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; áp dụng cơ chế đơn giản hoá trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết đối với người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro thấp; nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, thông tin dữ liệu đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết. Đồng thời, quy định về trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài phục vụ quản lý giá chuyển nhượng đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.
Giải đáp các thắc mắc của người nộp thuế tại Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến cũng bổ sung quy định: từ năm 2020, hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu và số lao động đáp ứng mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, quy định này khó khả thi vì việc nắm được số doanh thu và lao động của mỗi hộ kinh doanh là không dễ dàng. Bởi việc xác định doanh thu để tính thuế và tính theo phương pháp kê khai sẽ trở lại hình thức khoán như hiện nay, tức là Hội đồng tư vấn thuế phường phải đánh giá hộ kinh doanh có doanh thu, mức thuế phải nộp và mức thuế khoán.
“Vấn đề là phải tăng hoạt động, trách nhiệm của cán bộ thuế liên phường và của hội đồng tư vấn thuế phường", Luật sư Nghĩa nói.
Mức thuế cho các hộ kinh doanh cùng ngành nghề gần nhau phải được đăng tải để các hộ kinh doanh này tham gia góp ý kiến. Trong khi đó, hiện nay, hầu như cán bộ thuế liên phường đưa ra số thu thuế như thế nào thì sẽ được Hội đồng tư vấn thuế phường chấp nhận số đó và mức thuế của hộ kinh doanh cũng không được niêm yết.
Dự thảo cũng nêu điểm mới về việc tổ chức lại Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn nhằm đảm bảo hoạt động chặt chẽ hơn. Hội đồng này do UBND huyện, thành phố thành lập trên cơ sở đề nghị của chi cục thuế. Thành phần hội đồng gồm: đại diện cơ quan thuế, UBND xã, phường, thị trấn, hộ, cá nhân kinh doanh. Hội đồng sẽ công khai mức thuế khoán tại trụ sở xã, phường, chi cục thuế, chợ. Đây là cơ sở để các hộ, cá nhân kinh doanh cùng giám sát, hạn chế thất thoát thuế.
Đề cập tới sự phân cấp xóa nợ thuế, Luật Sư Nguyễn Thanh Hà cho biết, Luật Quản lý thuế năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định Chính phủ gia hạn nộp thuế đối với trường hợp người nộp thuế không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp khó khăn đặc biệt khác (điểm d Khoản 1 Điều 49); thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đối với Thủ tướng Chính phủ xóa nợ trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỷ đồng trở lên (điểm a Khoản 2 Điều 67).
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Cụ thể, được quy định theo 3 cấp: Bộ trưởng Bộ Tài chính xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 5 tỷ đồng trở lên. Trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi quyết định việc xóa nợ. Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng. Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 1 tỷ đồng.
Theo Ban soạn thảo dự án luật, Luật Quản lý thuế hiện hành quy định Thủ tướng Chính phủ xoá nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên; tuy nhiên để cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Luật quy định tập trung thẩm quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế. Theo đó, phân cấp xóa nợ thuế gồm Bộ trưởng Bộ Tài chính; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; đồng thời bổ sung quy định phân cấp cho Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng Cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp nợ dưới 1 tỷ đồng.
Thực chất để xóa số nợ này không phải dễ dàng với quy định hiện hành. Cụ thể, đối với các khoản nợ thuế đã quá hạn 10 năm và cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thì được xóa nợ thuế. “Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có trường hợp nào đủ điều kiện được xóa nợ thuế vì nó không khả thi. Vì vậy, việc phân cấp như vậy sẽ giúp tăng cường hiệu quả của công tác quản lý thuế.” Luật sư Hà cho biết.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa thì cho rằng, đối với vấn đề nợ thuế cơ quan thuế cần làm hàng năm, thường xuyên. Từ việc thanh kiểm tra sẽ xác định được doanh nghiệp nào làm ăn tốt, doanh nghiệp nào phá sản và có nguy cơ phá sản.
"Cơ quan thuế hiện nay làm quá nhiều việc nên cần xã hội hóa một số công việc. Lĩnh vực mà cơ quan thuế cần chú trọng là tập trung vào thanh kiểm tra và công việc này phải thực hiện hàng năm, chứ không thể để 5 đến 10 năm mới thanh kiểm tra. Khi đó, doanh nghiệp có sai phạm sẽ bị thiệt hại rất lớn bởi có thể sẽ bị phạt nặng do các lỗi vi phạm kéo dài từ những năm trước không được phát hiện kịp thời", Luật sư Nghĩa nêu quan điểm.
Đối với vấn đề xóa nợ thuế, Luật sư Nghĩa cho rằng, mỗi đơn vị hành chính khác nhau thì quy mô khác nhau, ví dụ như số thu của Cục Thuế Bạc Liêu nhỏ hơn cả số thu của Chi cục Thuế quận 1 Tp. Hồ Chí Minh. Như vậy, không nên căn cứ vào chức vụ cục trưởng hay chi cục trưởng để giao thẩm quyền xóa nợ thuế mà phải căn cứ vào số thu của đơn vị đó. “Thu nhiều thì có quyền xóa nợ nhiều. Căn cứ vào quy mô để xóa nợ thuế,” Luật sư Nghĩa gợi ý./.