Bệ đỡ chính sách cho nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường

Nội dung bài viết

Trong bài “Bệ đỡ chính sách cho nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường” đăng trên báo Đầu tư bất động sản, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Việc Chính phủ tiếp tục tạo hàng loạt cơ chế ưu đãi đã giúp nhà đầu tư nước ngoại liên tục đổ mạnh vốn vào thị trường địa ốc trong thời gian vừa qua.

Sức hút Việt Nam

Bất động sản là lĩnh vực đã được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập. Thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến ngày 20/9/2017, Việt Nam có khoảng 24.199 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 310,19 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng lĩnh vực Bất động sản là 51,1 tỷ USD đăng ký ( chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư) với xấp xĩ 600 dự án.

Trong những năm gần đây, thị trường chứng kiến dòng vốn ngoại chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản, chủ yếu thông qua hình thức hợp tác đầu tư, rót vốn cho doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, một trong những sự thay đổi lớn nhất có thể thấy là việc nhà đầu tư Nhật Bản trước đây vốn rất thận trọng, nay cũng mạnh dạn rót vốn vào bất động sản Việt Nam.

Chẳng hạn, năm 2016 Creed Group sau khi đầu tư 200 triệu USD vào An Gia Investment, đã cùng với công ty này hợp tác Phát Đạt triển khai River City với tông vốn đầu tư lên tới 500 triệu USD.

Cuối tháng 6/2017, Tập đoàn Hankyu Hanshin Holdings, Inc cùng một số doanh nghiệp Nhật Bản đến gặp Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Hankyu Hanshin là tên tuổi lão làng trong giới đầu tư vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng, du lịch, bất động sản, truyền thông giải trí, khách sạn, giao thông – vận tải… của xứ sở mặt trời mọc.

Trước đó, Hankyu Realty và Nishi Nippon RailRoad cũng đã hợp tác với tập đoàn Nam Long, The Global Group hợp tác với Công ty Nhà Mơ, Okamura Home và Sanyo Homes hợp tác với Công ty cổ phần Nhà Hòa Bình, Mitsubisi cùng với Bitexo,…

Một điểm đáng chú ý, các nhà đầu tư ngoại không chỉ hợp tác dưới hình thức vốn không, mà còn tham gia sâu rộng trong các hoạt động phát triển của các doanh nghiệp địa ốc nội địa. Với độ nhanh nhạy của mình, họ không chỉ tham gia vào phân khúc cao cấp hay hạng sang như trước, mà còn đẩy mạnh hợp tác phát triển dòng sản phẩm trung bình khá và nhà ở xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của đại bộ phận người dân Việt Nam.

Nhiều dự án do các đối tác ngoại triển khai trong thời gian đã làm thay đổi diện mạo, cũng như thay đổi cách thức phát triển, xây dựng thị trường, giúp thị trường có sự ổn định và bền vững hơn. Nếu như trước đây, mới chỉ có Ciputra ở Hà Nội và Phú Mỹ Hưng tại Tp.HCM thì đến nay đã có tới hàng chục các dự án khu đô thị do các nhà đầu tư ngoại Capital Land, Indochina Land, Creed Group triển khai được người mua nhà đánh giá cao về chất lượng, và tạo ra cả sự cạnh tranh mạnh mẽ dành cho các nhà đầu tư nội địa thời gian vừa qua.

Hiệu quả từ bệ đỡ chính sách

Có thể nói, đây là tín hiệu mừng, giúp thị trường bước sang giai đoạn phát triển mới, hướng vào chiều sâu và chất lượng cũng như tính đa dạng, sôi động của thị trường. Đồng thời mang lại nhiều giá trị, đóng góp hơn vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Đây cũng là mục tiêu trọng yếu mà Chính phủ Việt Nam hướng tới trong thời gian vừa qua khi xây dưng môi trường đầu tư cải thiện bằng hàng loạt các chính sách ưu đãi khác nhau.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc thì Việt Nam luôn được coi là thị trường tiềm năng bởi sự tăng trưởng ổn định về kinh tế, độ an toàn cao về mặt chính trị sẽ giúp gia tăng giá trị các tài sản của họ khi đầu tư vào đây. Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia có dân số trẻ với tốc độ đô thị hóa thuộc top nhanh nhất thế giới, nên việc đầu tư vào thị trường bất động sản sẽ có tiềm năng trong tương lai.

Thế nhưng, môi trường đầu tư cũng phải kèm các cơ chế ưu đãi, bởi với bản chất là doanh nghiệp nước, họ cần cân nhắc thiệt hơn khi đầu tư vào một quốc gia nào đó. Trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực cũng có sự tăng trưởng đáng kể, thì việc mở cửa, hội nhập với tâm thế chào đón là điều họ mong chờ nhất.

Sau khi hai bộ Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi 2014 được thông với nhiều độ mở hơn cho cả nhà đầu tư nước ngoài lẫn khách ngoại, mức độ gia tăng dòng vốn ngoại là khá rõ rệt khi họ thấy rõ và nhanh chóng tận dụng được cơ hội.

Nếu như Luật Nhà ở mở rộng điều kiện về quyền sở hữu, cho thuê lại, thế chấp và thừa kế thì Luật Kinh doanh bất động sản cho phép các tổ chức nước ngoài được mua lại văn phòng, cơ sở sản xuất và các tài sản khác phục vụ mục đích kinh doanh, cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản chưa hoàn thiện đã cải thiện và nâng cao niềm tin rõ rệt của nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, Nghị định 117/2015 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản đã hỗ trợ đắc lực cho việc hoạch định chính sách và chiến lược phát triển đô thị của doanh nghiệp ngoại lẫn trong nước.

Ngang (1)

Ngoài ra, cũng không thể không kể đến việc Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cũng đã xây dựng và quy định rõ ràng hơn về các loại hình kinh doanh có điều kiện. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp nhận biết được, đi đến quyết định sẽ đầu tư vào phân khúc nào của thị trường bất động sản và phải chuẩn bị ra sao. Nhờ đó, hạn chế bớt các rủi ro, giảm thiểu những thủ tục cần thiết trong quá trình hoạt động của nhà đầu tư ngoại.

Nói tóm lại, khung pháp lý hiện nay được coi là đã tương đối ổn định và có mức tiệm cận với các chuẩn mực thế giới trong việc mở rộng cửa, xác lập vị thế mới cho các nhà đầu tư nước ngoài. Sau gần 30 năm mở cửa, 10 năm xây dựng và hoàn thiện “các bệ đỡ chính sách” hiện nay đã đủ sức để tạo động lực cho thị trường bất động sản phát triển trong dài hạn.

Tuy nhiên, kinh nghiệm trên thế giới cũng chỉ ra rằng, việc ban hành các chính sách mới cũng cần phải kèm theo việc thực thi minh bạch, công bằng và hiệu quả, tránh hiện tượng phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, cũng cần phải có sự cập nhật thường xuyên, liên tục bên cạnh bổ sung các chính sách mới hoặc loại bỏ các chính sách cũ không còn phù hợp thời cuộc.

Có như vậy mới thúc đẩy mạnh mẽ hơn giúp thị trường bất động sản hoạt động chất lượng, hiệu quả, kéo theo nhiều toa tàu thuộc những lĩnh vực kinh tế khác nhau, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu kinh tế – xã hội hàng năm và trung hạn đến năm 2020.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan