“Bắt mạch” thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Không để “con sâu làm rầu nồi canh”

Nội dung bài viết

Để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), theo các chuyên gia, nên nhìn nhận những sự việc tiêu cực vừa qua theo hướng tích cực, không để “con sâu làm rầu nồi canh”…

Thời gian gần đây, thị trường TPDN đang trở thành vấn đề nóng, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, nhất là khi, sau sự tăng trưởng “nóng” không ít vụ việc tiêu cực liên quan đến thị trường này đã được đưa ra ánh sáng.

Loại bỏ, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật là không có gì phải bàn cãi, tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách mà các cơ quan quản lý liên tục phát tín hiệu “siết chặt” (Dự thảo sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP thắt chặt điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ, tăng yêu cầu về tài sản đảm bảo, xếp hạng tín nhiệm…) là rất đáng lo, có thể làm nguội lạnh thị trường TPDN đầy tiềm năng.

Thực tế ở nước ta hiện nay, TPDN riêng lẻ chiếm tới 92% tổng lượng TPDN phát hành, vì một số tiêu cực phát sinh nhiều người vội quy kết đây là tội đồ và tìm cách siết.

Các chuyên gia cho rằng, đó là cách tiếp cận sai lầm, TPDN đại chúng và TPDN riêng lẻ là 2 sân chơi khác nhau. Trái phiếu đại chúng có đặc điểm là công khai, minh bạch, có xếp hạng tín nhiệm, có báo cáo tài chính kiểm toán… Còn TPDN riêng lẻ, ngay bản thân tên gọi đã hàm ý là thị trường nợ tư nhân (riêng lẻ tức là riêng tư, bí mật…), có thể có hoặc không tài sản đảm bảo, xếp hạng tín nhiệm...

Tại hầu hết các nước trên thế giới, TPDN riêng lẻ luôn phát triển mạnh hơn TPDN đại chúng, vì đa phần doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp không đủ điều kiện phát hành đại chúng, lại bị các ngân hàng xa lánh, phát hành riêng lẻ để huy động vốn là lựa chọn duy nhất. Hơn nữa, thị trường luôn tồn tại các nhà đầu tư chuyên nghiệp khu vực tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro để kiếm lợi tức cao hơn.

Từ đó, theo các chuyên gia, để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), nên nhìn nhận những sự việc tiêu cực vừa qua theo hướng tích cực, không để “con sâu làm rầu nồi canh”.

Theo Luật sự Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc SB Law, trong giai đoạn hiện nay, nếu chỉ vì một vài vụ việc mà chúng ta siết chặt thị trường thì theo tôi là không nên. Những vụ việc đó chỉ là những dấu hiệu cảnh báo, những căn bệnh ung nhọt cần chữa trị, không nên nhìn nhận những sự việc đó theo hướng tiêu cực, cần nhìn một cách tích cực,… chứ không phải một nút thắt của thị trường trái phiếu.

Luật sư Hà phân tích, lỗ hổng của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP trong việc quản lý TPDN hiện nay xuất phát từ điều kiện phát hành trái phiếu, về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cũng như công tác hậu kiểm, mục đích sử dụng tiền khi mà huy động nguồn trái phiếu.

“Việc Bộ Tài chính đã trình một Dự thảo sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, trong đó tập trung vào việc siết chặt lại điều kiện phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp cũng như vấn đề hậu kiểm cho doanh nghiệp. Tôi nghĩ là việc các cơ quan chức năng bịt các lỗ hổng giúp thị trường trái phiếu phát triển một cách lành mạnh, là một kênh tốt để huy động vốn cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Dự thảo, các điều kiện phát hành trái phiếu hiện nay đang bị thắt chặt, nếu được Chính phủ thông qua thì điều kiện phát hành trái phiếu sẽ tương đối khó khăn cho các doanh nghiệp”, Luật sư Hà chia sẻ.

Bên cạnh đó, liên quan đến công tác và vai trò giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước để sớm ổn định thị trường, Luật sư Nguyễn Thanh Hà đề xuất, về ngắn hạn, Chính phủ với vai trò điều hành nền kinh tế cần lập một tổ công tác có đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, cơ quan Tư pháp, cơ quan Điều tra để có một biện pháp thống nhất xử lý những sự việc lùm xùm như vừa qua, đặc biệt là đảm bảo được quyền lợi của các nhà đầu tư.

Còn theo GS.TS Trần Ngọc Thơ - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, muốn thị trường TPDN phát triển lành mạnh, chúng ta phải có chiến lược phát triển TPDN gắn với các chiến lược tổng thể quốc gia, chiến lược từng địa phương, từng ngành. Hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường TPDN vì vậy cũng phải xem lại hàng loạt luật liên quan như: Luật Chứng khoán, Luật Phá sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đổi mới sáng tạo…, chứ không chỉ sửa Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

“Kinh nghiệm của Malaysia - nước có tỷ lệ TPDN chiếm gần 60% GDP (cao nhất khu vực), để phát triển nhà ở xã hội và tăng tính thanh khoản cho thị trường TPDN, nước này đưa định chế công là Công ty thế chấp nhà quốc gia tham gia thị trường, giống cách làm của Mỹ”, ông Thơ chia sẻ.

Trước đó, Ông Zafer Mustafaeglu - Giám đốc Khối Nghiệp vụ về Tài chính, Năng lực cạnh tranh và Đổi mới sáng tạo khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, thị trường TPDN Việt Nam còn tương đối non trẻ, vì vậy sai sót có thể xảy ra. Điều quan trọng là cách thức chúng ta học hỏi từ sai sót, chứ không nên đóng cửa chỉ vì có một vài thành viên xấu và không nên có phản ứng quá mức gây hạn chế cho sự phát triển trong dài hạn.

Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/bat-mach-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-khong-de-con-sau-lam-rau-noi-canh-224175.html

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan