Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB LAW đã trả lời trong Chương trình Kinh doanh và pháp luật về vấn đề Bảo vệ và phát triển tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Dưới đây là nội dung chi tiết:
- Thưa Luật sư, theo đánh giá của PwC Việt Nam, tỷ trọng trung bình của giá trị “tài sản vô hình” trong tổng giá trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp trên thế giới là 53% trong năm 2016, nhưng tỷ trọng này tại các DN Việt Nam chỉ đạt 26%... Ông bình luận gì về những con số này, thưa Ông? (tại sao tài sản SHTT lại được doanh nghiệp các quốc gia phát triển coi trọng như vậy, ngược lại, tại sao các DN Việt lại chưa thực sự quan tâm đến tài sản này?)
Luật sư trả lời:
Với thời kỳ hội nhập hiện nay, sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, giúp nâng cao sức cạnh tranh. Tại những nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Úc, Nhật, ..., vấn đề SHTT rất được các doanh nghiệp quan tâm, mỗi ý tưởng, sản phẩm, thương hiệu đều được bảo hộ độc quyền trước khi xuất hiện trên thị trường.
Tuy nhiên, các DN Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng đến vấn đề này.
Nguyên nhân là do:
- Hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, lập kế hoạch marketing, bán hàng mà quên mất vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo vệ ý tưởng, bảo hộ thương hiệu vốn là quyền pháp lý rất quan trọng của người khởi nghiệp.
- Nhận thức và nguồn cung cấp thông tin về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp - những nhân tố rất cần quan tâm đến vấn đề này.
- Giá trị của quyền SHTT thường không được đánh giá đầy đủ và tiềm năng của quyền SHTT cũng chưa được các doanh nghiệp nhận thức đúng mức.
Bất kể doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hay dịch vụ gì thì chắc chắn là doanh nghiệp đã và đang sử dụng và tạo ra rất nhiều tài sản trí tuệ. Do đó, doanh nghiệp cần xem xét một cách có hệ thống các biện pháp cần thiết để bảo hộ, quản lý và thực thi quyền SHTT của mình nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất từ quyền này
- Vậy, bên cạnh nguyên nhân từ bản thân doanh nghiệp, thì theo quan sát của Ông, liệu còn có khó khăn, vướng mắc gì trong việc xác lập, đăng ký, ứng dụng tài sản trí tuệ hiện nay khiến các doanh nghiệp e ngại, thưa Ông?
Luật sư trả lời:
Ngoài nguyên nhân xuất phát từ bản thân doanh nghiệp như đã trình bày ở trên thì theo tôi một phần cũng là do trên thực tế, nhiều quy định, vấn đề được đưa ra trong Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) còn chung chung, nên dẫn đến việc thực thi thiếu hiệu quả.
Luật SHTT của Việt Nam hiện nay có một vướng mắc khá lớn là trong quá trình hội nhập, chúng ta đã học hỏi được quốc tế khá nhiều kinh nghiệm để áp dụng cho Luật SHTT của ta nhưng lại chưa tính đến đặc thù của đất nước mình. Khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Khối DN này quản lý một tài sản trí tuệ rất lớn của quốc gia nhưng chúng ta chưa có những quy định đặc thù để bảo vệ một cách hữu hiệu và quản lý nghiêm ngặt những sản phẩm trí tuệ ấy.
- Hậu quả của những vụ việc tranh chấp nhãn hiệu xảy ra (như câu chuyện của cà phê Buôn Ma Thuột, kẹo dừa Bến Tre, thuốc lá Vinataba, cà phê Trung Nguyên…) đã cho các doanh nghiệp Việt những bài học đắt giá về việc bảo vệ quyền SHTT của mình. Vậy, bài học rút ra cho các doanh nghiệp ở đây là gì, theo Ông?
Luật sư trả lời:
Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra từ những vụ tranh chấp về tài sản sở hữu trí tuệ như trong vụ cà phê Buôn Ma Thuột, kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên, … bị các doanh nghiệp nước ngoài giành quyền đăng ký bảo hộ, các doanh nghiệp phải nắm được nguyên tắc bảo hộ độc lập nhãn hiệu, theo quy định của Công ước Paris, có nghĩa là văn bằng bảo hộ do Cục SHTT Việt Nam cấp thì nó chỉ có hiệu lực bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tự đánh mất quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của mình khi không nắm được nguyên tắc này. Mỗi doanh nghiệp, khi được Cục SHTT Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì không nên cho rằng mình có quyền xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ, cần lưu ý phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại quốc gia mà mình dự định xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ.
- Từ thực tiễn tư vấn của mình, Ông có khuyến nghị nào cho doanh nghiệp, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong việc coi trọng, tạo lập, bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ trong thời đại công nghiệp 4.0 này, thưa Luật sư?
Luật sư trả lời:
Sở hữu trí tuệ liên quan đến thương hiệu của doanh nghiệp, nên nếu không nhận thức đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp trong kinh doanh. Không bảo vệ tài sản trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), doanh nghiệp hoàn toàn có thể bị mất thương hiệu, khi đó sẽ mất tất cả. Chưa kể, những tranh chấp về SHTT có thể khiến cho uy tín thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường ít nhiều ảnh hưởng.
Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp hoạt động lâu năm vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của SHTT. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn mù mờ trong các vấn đề như bảo mật kinh doanh, bảo hộ tên thương mại cho doanh nghiệp, đặt tên thương hiệu cho sản phẩm hay kiểm tra nhãn hiệu trước khi ra thị trường.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thực sự nghiên cứu vấn đề bảo hộ tài sản trí tuệ ngay từ bây giờ. Trên cơ sở có đầy đủ thông tin, thì mới lựa chọn được những gì là cơ hội trong lĩnh vực SHTT để tận dụng, những gì là thách thức thì có các sách lược vượt qua một cách chủ động nhất. Cần chủ động, biết người, biết ta trong quá trình hội nhập. Khi thực hiện đầy đủ các cam kết về SHTT cũng đồng thời là cơ hội phát triển nội lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Việc hiểu biết rõ về Luật SHTT không những giúp các doanh nghiệp tránh vi phạm quyền SHTT của người/đơn vị khác mà còn bảo vệ được kết quả kinh doanh, chất xám của mình.