Bảo vệ trẻ em trên môi trường internet

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên báo VOV về vấn đề Bảo vệ trẻ em trên môi trường internet. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1: Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, đặc biệt là facebook, những hình ảnh, thông tin cá nhân của trẻ em được bố mẹ, người chăm sóc, anh chị… vô tư chia sẻ, dù có thể không được sự đồng ý của trẻ em, ông/bà có suy nghĩ gì về điều này? Vấn đề này không được kiểm soát sẽ gây ra những hệ lụy gì đối với trẻ?

Trả lời:

Ngày nay, các bậc cha mẹ thường xuyên đăng tải hình ảnh của con mình lên các trang mạng xã hội. Nhiều cha mẹ còn thường xuyên chia sẻ những thông tin chi tiết, cụ thể về cuộc sống của con mình như hình ảnh bé mặc đồ bơi, không mặc gì, …

Tuy nhiên, cha mẹ có biết, liệu những hình ảnh ngây thơ của con mình có thể được tìm thấy và bị lợi dụng bởi những kẻ lạ mặt trên mạng – những người thậm chí không phải là bạn bè, người theo dõi trang của bạn.

Bên cạnh nguy cơ bị bắt cóc, bị tấn công tình dục, ảnh trẻ em còn có thể bị kẻ lạ đăng lại và tự nhận đó là ảnh con mình, đi kèm câu chuyện hư cấu để câu Like, bị dùng làm ảnh trong các chiến dịch quảng cáo hay bị chế lại thành những tấm hình đùa cợt trên các diễn đàn, …

Tuy nhiên, những lời cảnh báo về nguy cơ lộ thông tin và bị lợi dụng hình ảnh của trẻ trên các trang mạng vẫn bị xem nhẹ và vì thế, nhiều quốc gia đã đưa ra những điều luật về việc cha mẹ có thể bị phạt nếu đăng ảnh con lên mạng xã hội mà không có được sự đồng ý của con, trong đó có Việt Nam.

Câu 2: Nghị định 56 quy định cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Điều này có khả thi không khi mà chính những người như bố mẹ, anh chị… lại tự do, dễ dàng chia sẽ những thông tin cá nhân của con em mình trên mạng xã hội?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 36 Nghị định số 56/2017NĐ-CP quy định:

Điều 36. Các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng

1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.

2. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em ….”.

Theo tôi, để bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng một cách hiệu quả, không chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em mà chính gia đình của trẻ cũng phải cẩn trọng khi đăng các thông tin của trẻ lên mạng xã hội.

Câu 3: Làm thế nào để bảo vệ trẻ em trên môi trường internet, nhất là thông tin cá nhân, đời sống cá nhân?

Trả lời:

Luật Trẻ em năm 2016 quy định về nguyên tắc các biện pháp bảo vệ trẻ em từ phòng ngừa, hỗ trợ đến can thiệp cùng với trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân để bảo đảm trẻ em được an toàn, được hỗ trợ và cạn thiệp kịp thời khi có nguy cơ hoặc đang bị xâm hại. Điều 54 quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Trên cơ sở đó, ngày 09/5/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.

Nghị định 56 bao hàm việc quy định các biện pháp cụ thể bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, phù hợp với các yếu tố tâm sinh lý, nhận thức và nhu cầu, hoàn cảnh của trẻ em, tạo điều kiện cho mọi trẻ em phải được hưởng lợi ích từ sử dụng internet.

Các quy định đó xuất phát từ tình hình thực tế trẻ em là nạn nhân của các hình thức xâm hại trong môi trường mạng ở trong nước và phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, Nghị định 56 cũng quy định rõ trách nhiệm, nâng cao ý thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, doanh nghiệp, cộng đồng và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Nghị định 56 bảo đảm thực chất, hiệu quả, để trẻ em phát huy được những lợi ích của môi trường mạng trong học tập và phát triển, đồng thời ngăn chặn kịp thời các xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

Nghị định số 56 quy định chi tiết hơn Điều 54 của Luật Trẻ em về các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bao gồm cụ thể:

– Bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em;

– Truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng;

– Các biện pháp an toàn cho trẻ em trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trên môi trường mạng;

– Các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng;

– Các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng;

– Các biện pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.

Hy vọng các quy định mới sẽ góp phần đắc lực vào việc bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nghĩ đến các biện pháp khác. Vì bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng một cách hiệu quả nhất không chỉ dựa riêng về các biện pháp pháp lý. Từ trước tới nay, chúng ta chưa chú ý đến một cách đúng mức vai trò của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức cộng đồng và xã hội hay chính gia đình của trẻ.

Câu 4: Những việc làm như đăng, chia sẻ hình ảnh, điểm thi, ngày tháng năm sinh… của con em mình (trẻ em) làm lộ thông tin cá nhân, bí mật đời sống của nhân của trẻ em có vi phạm pháp luật và có bị xử lý? Vì sao cần phải bảo vệ trẻ em trên môi trường internet?

Trả lời:

Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó, có hành vi “Công bố, Tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”.

Điều 33 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP cũng có quy định về thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em như sau:

Điều 33. Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em

Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em”.

Như vậy, căn cứ vào những quy định trên thì việc đăng, chia sẻ hình ảnh, điểm thi, ngày tháng năm sinh… của con em mình (trẻ em) làm lộ thông tin cá nhân, bí mật đời sống của nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em là vi phạm pháp luật.

Hiện tại Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thay thế cho Nghị định số 144/2013/NĐ-CP với nhiều nội dung đáng chú ý.

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định:

Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng với hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ của trẻ em; Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên sẽ bị phạt từ 40 triệu đồng – 50 triệu đồng. Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn buộc phải xin lỗi.

Nếu như dự thảo này được thông qua, phải chăng các bậc phụ huynh sẽ phải thận trọng hơn trong việc tự ý đăng ảnh con, tiết lộ đời sống riêng tư của con lên mạng xã hội mà chưa hỏi ý kiến của con, nếu con đã đủ 7 tuổi trở lên?

Để những quy định của Luật trẻ em và Nghị định 56 đi vào cuộc sống, tôi cho rằng cần rà soát lại các bộ luật và luật liên quan khác để làm sao những vi phạm trong việc công bố, phổ biến bí mật đời sống riêng tư của trẻ em mà gây tác hại cho trẻ em thì phải được xử lý. Ngoài ra, cần phổ biến lại cho các bậc cha mẹ hiểu rõ tác hại khi chia sẻ rộng rãi và quá chi tiết những thông tin bí mật về đời sống riêng tư của trẻ em. Thực tế đã cho thấy những thông tin này dễ bị kẻ xấu lợi dụng và gây tổn hại lâu dài đến trẻ em. Bởi vì một thông tin tung lên mạng sẽ rất khó thu lại và có thể đi theo đứa trẻ đó đến hết cuộc đời.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan