Sáng 21/8, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Mạng kết nối Doanh nhân Việt (VINET) tổ chức chương trình Café Doanh nhân với chủ đề: “Bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp bất động sản”.
Tham dự chương trình, về phía khách mời có: Ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam; Ông Vũ Văn Phấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng; Ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc TT phát triển tài sản trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ; Ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation; Ông Nguyễn Cảnh Hồng – Tổng Giám đốc Eurowindow; Ông Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SLAW; Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu VN, Chủ tịch GP Invest; Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Hanhud; Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty Reeco Sông Hồng; cùng toàn thể các doanh nhân, doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Bất động sản, Hiệp hội môi giới BĐS, Câu lạc bộ doanh nghiệp Bất động sản Hà Nội…
Về phía Ban Tổ chức có: Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Nhà báo Nguyễn Linh Anh – Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.
Nội dung chương trình xoay quanh các vấn đề như: Thực tế vi phạm bản quyền thương hiệu trong lĩnh vực bất động sản; Doanh nghiệp cần hiểu đúng về việc xây dụng bảo vệ thương hiệu; Doanh nghiệp cần làm gì để bảo vệ thương hiệu; Hiến kế từ các cơ quan thực thi, từ các đơn vị đại diện quyền trong việc bảo vệ thương hiệu; Cơ sở pháp lý, chế tài chống xâm phạm bản quyền thương hiệu, tài sản trí tuệ; Công tác bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ gắn với các hoạt động của doanh nghiệp; Ý kiến, kiến nghị từ các cơ quan thực thi, từ các đơn vị đại diện quyền trong việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ…
Chương trình nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp: Tập đoàn VIDEC, Tập đoàn Eurowindown, Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng Vietracimex, Tập đoàn G.P Invest.
Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
Phát biểu tại chương trình, nhà báo Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp chia sẻ, thời gian gần đây chúng ta thường nghe nhiều tới chương trình Café doanh nhân - đây là chương trình khởi nguồn từ VCCI và đã được tổ chức nhiều tại các địa phương thời gian gần đây. Chương trình là buổi kết nối giữa doanh nghiệp, đối tác và cơ quan quản lý nhà nước trong việc trao đổi, tìm hiểu và tháo gỡ những khó khăn vì sự phát triển chung cho cộng đồng doanh nghiệp. Và Chương trình cafe doanh nhân với chủ đề: “Bảo hộ thương hiệu cho doanh nghiệp bất động sản” ngày hôm nay cũng không năm ngoài mục đích này.
“Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nhận được sự tham gia và góp ý về chủ đề của chương trình Cafe doanh nhân trong thời gian tới”, Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Nhà báo Nguyễn Linh Anh – Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, thời gian gần đây một số sự kiện liên quan đến câu chuyện nhãn hiệu như vụ Smartland, Tràng An hay các trường hợp công ty trùng tên như Nam Tiến, Hưng Thịnh, Vincom xảy ra đã dẫn đến những tranh chấp lớn khi vi phạm nhãn hiệu, hình ảnh.
Luật Sở hữu trí tuệ ra đời hơn 10 năm nhưng vẫn còn những quy định chưa chặt chẽ nên cuộc trò chuyện hôm nay mục tiêu giúp doanh nghệp nhận định rõ hơn việc nhận diện nhãn hiệu, logo của mình để làm sao có thể giúp doanh nghiệp tránh bị xâm hại tài sản chủ quyền, đảm bảo uy tín doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam
Ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, chúng ta làm nổi bật thực trạng vi phạm và có giải pháp, phần lớn có được là phụ thuộc tại buổi trò chuyện hôm nay. Tôi nghĩ buổi cà phê hôm nay sẽ được truyền thông rộng rãi đến bạn đọc và được Chính phủ quan tâm.
"Hiện nay vấn đề xây dựng được Chính phủ rất quan tâm và nó cũng không thể gói gọn trong buổi cà phê hôm nay. Bởi vậy buổi tọa đàm này tôi muốn truyền thông tin đến cả cộng đồng. Không những chỉ là ở cơ quan nhà nước mà còn cả của Chính phủ đang phải làm nhiều thủ tục hành chính để làm sao cho vi phạm hạn chế". - ông Huỳnh nói.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, đúng là như ông Huỳnh nói, thương hiệu là một chủ đề rất rộng. Trong khi hiện nay chưa có một văn bản pháp lý nào của sở hữu trí tuệ nào nói về việc nhà nước bảo vệ thương hiệu, mà chỉ có là các đối tượng được quyền sở hữu trí tuệ từ sáng chế, giải pháp hữu ích, thương mại, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bí quyết thương mại...
Vì vậy, trong khuôn khổ buổi hôm nay theo ông Bình sẽ tập trung nói về việc bảo vệ nhãn hiệu là logo, là slogan... tạo ra sự nhận biết của người tiêu dùng về doanh nghiệp đó.
THỰC TẾ VI PHẠM BẢN QUYỀN THƯƠNG HIỆU TRONG LĨNH VỰC BẤT ĐỘNG SẢN
Ông Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SLAW
Trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Hữu Huỳnh "Theo ông nên bàn rộng về thương hiệu hay gói gọn thương hiệu và tên thương mại công ty?", ông Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SLAW cho rằng, để buổi trò chuyện hiệu quả, phạm vi hẹp hơn, chúng ta nên tập trung vào bảo hộ nhãn hiệu doanh nghiệp, nhãn hiệu doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản hiện nay lựa chọn đăng kí bảo hộ, khi trùng nhãn hiệu thì xử lý thế nào và trong trường hợp xử lý không thành công thì ảnh hưởng ra sao?
"Tên thương mại của công ty cũng gắn liền với nhãn hiệu nên buổi tọa đàm hôm nay các diễn giả cũng có thể phân tích thêm". - ông Hà nói và cho biết thông tin về nhãn nhiệu doanh nghiệp bất động sản.
Theo ông Hà, theo quy trình, một doanh nghiệp bất động sản phát triển dự án như khu nghỉ dưỡng, chung cư, văn phòng ban đầu bộ phận truyền thông sẽ tìm kiếm công ty tư vấn thương hiệu để lựa chọn tên cho dự án theo yêu cầu chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn thương hiệu này sẽ đưa ra từ 5-7 tên gọi và chủ đầu tư sẽ dùng những tên gọi đó nhờ công ty sở hữu trí tuệ lựa chọn, rà soát tránh những tên đã trùng và tiến hành đăng kí. Sau khi đăng kí thì thiết kế logo, slogan.
Nhãn hiệu gồm 3 yếu tố: Tên dự án, logo và slogan. Một nhãn hiệu bất động sản có thể bao gồm cả 3 yếu tố (tên dự án, logo và slogan) hoặc chỉ 2 yếu tố (tên dự án và logo hoặc tên dự án và slogan).
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, Chủ tịch GP Invest cho biết, ngoài logo, hình ảnh cũng đang bị vi phạm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, Chủ tịch GP Invest
Ở các nước họ kiểm tra rất là khắt khe nên không có sự trùng lặp. Trong khi ở Việt Nam một tên tiếng Việt dài thì vẫn có tên tiếng Việt trùng thì cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn chấp thuận nên mới có sự trùng lặp. "Gần đây có một quảng cáo bán căn hộ Trang An đã lấy hình ảnh của chúng tôi". - ông Hiệp thông tin.
"Dự án của chúng tôi bị trùng lặp với dự án ở 149 Trường Chinh và một công ty môi giới đã lấy hình ảnh của chúng tôi để quảng cáo cho dự án ở Trường Chinh. Đó chính là vi phạm của thương hiệu và hình ảnh nhưng hiện nay chưa có cơ quan nào xử lý vấn đề này nên chúng tôi cũng chỉ để họ gỡ bỏ xuống từ các trang online". - ông Hiệp chia sẻ.
Theo ông Hiệp, hiện nay cơ quan quản lý xử lý thông tin còn rất nhẹ. Thực ra cơ quan quản lý cũng đã nghĩ việc xử lý vi phạm các tình tiết và pháp lý về vấn đề này vẫn chưa được quy định rõ ràng nên khó xử lý.
Với kinh nghiệm là một doanh nghiệp bất động sản, đã từng xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Hanhud cho rằng để xây dựng được một thương hiệu nói chung và thương hiệu doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đòi hỏi cả một quá trình và tốn rất nhiều công sức thậm chí đó là trí tuệ của cả một tập thể.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Hanhud
Điều này được thể hiện ở việc ở các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, họ thường có một bộ phận, phòng ban chuyên môn về xây dựng thương hiệu, nghiên cứu, phát triển, đưa ra các giải pháp về xử lý khủng hoảng... Khi đã có thương hiệu rồi, doanh nghiệp phải bảo vệ được thương hiệu của mình.
Giá trị của nhãn hiệu được thể hiện ở việc, cũng là một sản phẩm dịch vụ, tuy nhiên khi là dịch vụ của một công ty lớn có giá trị thương hiệu lâu năm, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, chi phí phải trả cho các doanh nghiệp này thường lớn hơn từ 3-4 lần, vì trong đó bao gồm chi phí phải trả cho giá trị thương hiệu.
Chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp, ông Đính cho biết, doanh nghiệp của ông sau khi cổ phần hoá đi đăng ký lại tên doanh nghiệp thì không thể đăng ký được vì đã có doanh nghiệp khác đăng ký tên “Công ty kinh doanh phát triển nhà Hà Nội”. Tuy nhiên vì không đăng ký được, doanh nghiệp phải thêm hai chữ “đô thị”.
Điều này cho thấy, một hạn chế hiện nay trong việc đăng ký kinh doanh đó là mới chỉ đăng ký bằng tên và địa chỉ. Còn những yếu tố khác như hình ảnh, logo, slogan của doanh nghiệp thì chưa được chú trọng.
Vì vậy ông Đình khuyến nghị nên đưa bổ sung các yếu tố này thêm vào trong thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. Dường như những thủ tục này đang “dễ”.
Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation
Có mặt tại buổi café doanh nhân, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation cho biết, chương trình tập trung tới vấn đề nhãn hiệu nhưng cũng phải đặt nó trong bối cảnh thương hiệu. Thực tế cho thấy, phần lớn dự án rơi vào tranh chấp, nhầm lẫn thương hiệu đều rơi vào các thương hiệu không có tính biểu trưng cao, cách đặt tên không đặc thù, không được bảo vệ thương hiệu bài bản, hình ảnh dự án chưa nổi tiếng tới mức người tiêu dùng thông thường có thể nhận ra. Như vậy có thể thấy, chiến dịch truyền thông của doanh nghiệp chưa đạt được khả năng giúp người tiêu dùng bình thường có thể phân biệt được.
Về thương hiệu có 2 phần 1 là hữu hình (hình ảnh có thể nhìn thấy) và 1 là vô hình. Nhãn hiệu là phần hữu hình. Vấn đề bảo hộ nhà nước có thể bảo hộ hữu hình còn giá trị vô hình tự doanh nghiệp phải tự bảo vệ. Bảo hộ nhãn hiệu doanh nghiệp có thể đến cơ quan về sở hữu trí tuệ nhưng bảo hộ thiết kế hình ảnh, công trình thì phải tìm đến cơ quan về bản quyền tác giả. Về pháp lý thì 2 việc đó doanh nghiệp phải làm. Song song với nó cần bảo hộ bằng hoạt động truyền thông, được cơ quan pháp lý, xây dựng hoạt động truyền thông xây dựng nhãn hiệu, hình ảnh trên các “điểm chạm” người tiêu dùng có thể tiếp xúc, từ đó có thể tránh sự trùng lắp trong tương lai để tránh những thiệt hại sau này.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, thông tin trên website và bản thân website rất dễ bị đánh cắp. Bằng rất nhiều hình thức, người ta có thể có một website riêng nhưng khi vào dự án của các anh họ lại link sang trang web của người khác.
Làm webside rất đơn giản, các bạn học thiết kế công nghệ thông tin ra có thể thiết kế một wesbite trong vài ngày. Ở nước người các nhãn hiệu đã được bảo hộ và bản thân các thương hiệu của họ cũng rất khó để đánh cắp nhưng ở Việt Nam lại chưa làm được vấn đề này.
HIẾN KẾ TỪ CÁC CƠ QUAN THỰC THI, CÁC ĐƠN VỊ ĐẠI DIỆN QUYỀN TRONG VIỆC BẢO VỆ THƯƠNG HIỆU
Theo ông Nguyễn Cảnh Hồng – Tổng Giám đốc Eurowindow, việc vi phạm sở hữu trí tuệ hiện nay trên mạng tương đối nhiều, có thể là do chủ ý hoặc cố ý.
Ví dụ như trường hợp của Eurowindow, các doanh nghiệp, nhà sản xuất khác cũng sử dụng từ Euro... tuy nhiên sau đó thêm các từ viết tắt khác hoặc các hình ảnh... dẫn đến sự nhầm lẫn về thương hiệu của doanh nghiệp.
Việc bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu trong các Luật, văn bản pháp lý hiện nay chưa có bảo vệ thương hiệu mà chỉ mới dừng lại ở việc bảo hộ. Ngoài ra, việc thực thi các chế tài xử lý việc nhầm lẫn thương hiệu thường chậm chạp, khó đưa ra toà để giải quyết, thường thì sẽ dẫn đến việc tự thoả thuận để giải quyết.
Vì vậy, theo ông Hồng, để có thể tránh sự nhầm lẫn này, trước tiên doanh nghiệp phải tự bảo vệ nhãn hiệu của mình. Cụ thể, trong từng dự án, Eurowidow sẽ lựa chọn slogan cho từng dự án, đăng ký sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thành lập bộ phân pháp chế và xây dựng và phát triển thương hiệu.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, nếu một doanh nghiệp bất động sản và một doanh nghiệp kinh doanh nước mắm trùng thương hiệu, người ta không có sự liên tưởng, tuy nhiên, hai doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực trùng thương hiệu thì sẽ có sự cạnh tranh không lành mạnh, có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu.
Khác sản phẩm không bị coi là vi phạm, trừ khi nhãn hiệu của mình là nổi tiếng thì bất kỳ một hành vi nào sử dụng nhãn hiệu dù là sản phẩm khác từ các quốc gia trên thế giới vào Việt Nam vẫn coi đó là xâm phạm bởi người ta cho rằng việc anh dùng thương hiệu này sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của tôi. "Lúc đó mình phải chứng mình thương hiệu của mình là rất nổi tiếng". - ông Bình nói.
Theo ông Bình, thông thường nhãn hiệu trùng, đồng nghĩa với các ngôn ngữ khác nhau mặc dù viết khác nhau nhưng vẫn coi đó là nhầm lẫn bởi ta đã hội nhập quốc tế. Ví dụ như một ông Vincon và Vincom như thế là gây nhầm lẫn rồi bởi anh đã sử dụng hết ký tự của họ rồi đặc biệt là cùng một sản phẩm.
Còn theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SLAW, không chỉ doanh nghiệp doanh nghiệp, mà các ngành khác, khi lựa chọn được tên hay, tên đẹp và rất ưng ý, tuy nhiên không thể đăng ký được tên thương hiệu đó. Bởi, những cái tên đẹp như vậy thường là có doanh nghiệp đã đăng ký rồi, hoặc đang trong thời gian chờ hoặc nữa là các nhà đầu cơ thương hiệu đã mua rồi.
Liên quan đến trường hợp hình ảnh Tràng An complex bị doanh nghiệp khác nhái sử dụng trên website, ông Hà cho rằng, hình ảnh mặc nhiên là có bản quyền tác giả, vì vậy mặc dù không phải đăng ký song bản thân nó cũng đã được bảo hộ. Ông Hà đề xuất nếu doanh nghiệp muốn làm đến cùng thì có thể đưa ra pháp lý được.
Ông Hà cũng chia sẻ, có một thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp trẻ, hoặc startup sau này, khi đăng ký tên doanh nghiệp thường lấy những tên giống các doanh nghiệp lâu đời, nối tiếng hoặc thành công... và thêm các chữ cái khác hoặc chỉ có sự thay đổi một chút. Chính điều này cũng đã là sự “cố ý” tạo ra sự nhầm lẫn thương hiệu.
Được biết, hiện nay, cơ quan đăng ký kinh doanh chưa có kết nối với Cục Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, đơn vị đăng ký kinh doanh khó có thể tìm kiếm và xác nhận được thông tin mà chỉ đơn thuần là search google nếu không trùng với tên một doanh nghiệp nào đó cho doanh nghiệp đăng ký.
Ngoài ra, ông Hà cũng cho biết, Luật yêu cầu các doanh nghiệp tự bảo vệ mình, trong những trường hợp bị nhầm lẫn thương hiệu, nhà nước sẽ không thay thế doanh nghiệp trong việc bảo hộ thương hiệu. Nếu phát hiện ra việc bị “nhái” thương hiệu nên áp dụng biện pháp hành chính, dân sự để bảo vệ... bởi nhà nước không thể đủ nguồn lực để bảo vệ doanh nghiệp.
Ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation chia sẻ thêm, từ kinh nghiệm tư vấn thương hiệu chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp khác nhau liên quan đến việc có hay không đăng ký thương hiệu. Có nhiều thương hiệu lớn mặc dù không cần đăng ký tuy nhiên vẫn rất mạnh và doanh nghiệp khác không thể “nhái”. Ngoài ra, cũng có những nhãn hiệu mặc dù đã đăng ký song cũng không “bị nhái”.
Ví dụ dự án khu đô thị Linh Đàm, không cần bảo hộ vì không có bất cứ dự án nào khác “nhái” nhãn hiệu này tại Bắc Ninh hay Thành phố Hồ Chí Minh vì nó găn liền với địa danh tại Hà Nội. Bản thân tên dự án đó đã có tính biểu trưng cao và khó bắt chước được.
Ông Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp trao đổi với ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation tại chương trình.
"Tôi có Tạp chí Đẹp, mất 15 năm đi bảo vệ thương hiệu, có nhiều yếu tố khiến doanh nghiệpnghiệp khó bảo vệ. Và các doanh nghiệp bất động sản cũng gặp trường hợp tương tự như vậy.
Nếu bảo vệ nhãn hiệu một cách toàn diện có gắn kèm với hình ảnh, logo, tính bảo hộ sẽ cao hơn. Bởi có những thương hiệu nghe thôi thì không thể phân biệt được cho đến khi nhìn thấy". - ông Vinh nói.
Vì vậy, ông Vinh đề xuất có 2 cách đặt tên. Trước tiên có thể là đặt cái tên chung, nhưng không liên quan đến ngành nghề kinh doanh của anh. Ví dụ như apple, những công ty máy tính, điện toán này có thể dùng chung một từ tương tự như vậy.
Hai là, sử dụng từ vô nghĩa, nếu ghép chung vào sẽ thành những từ vô nghĩa ví dụ như EuroWindow. Người ta thường sử dụng các từ ghép như vậy.
Ba là, lấy tên theo công ty mẹ đã được bảo hộ ví dụ như Vingroup.
Có mặt tại chương trình, ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch HĐQT DTJ Group cho biết, "là đơn vị phân phối bất động sản chúng tôi nhận thấy thực trạng chủ đầu tư nhãn hiệu các dự án lớn bị vi phạm khá nhiều. Nhất là vấn đề tên miền. Lĩnh vực này xảy ra vi phạm làm ảnh hưởng hình ảnh tới những doanh nghiệp làm ăn thực chất. Một tên miền dự án có đuôi .vn, .com là tên miền chính thức của doanh nghiệp hay dự án nhưng ngay sau đó xuất hiện nhiều tên miền nhái khiến doanh nghiệp làm ăn khó khăn, người tiêu dùng cũng khó nhận biết dẫn đến không phân biệt được các trang web thật, giả".
Vẫn theo ông Khánh, tên doanh nghiệp đã được lựa chọn kỹ nhưng tên miền khi đăng kí sở hữu nhãn hiệu rồi lại phải mua các tên miền bao vây để tránh những đơn vị khác “đầu cơ” tên miền. Điều này khiến doanh nghiệp dễ bị tổn thương, ảnh hưởng đến chi phí, tên tuổi của doanh nghiệp.
Đề xuất một trong những giải pháp, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Hanhud cho biết, mỗi năm, doanh nghiệp thường nhắc lại các nhãn hiệu thuộc thương hiệu của mình. Ví dụ như tên, logo, slogan, kiểu dáng công nghiệp của từng loại sản phẩm, các sản phẩm sáng chế... Nếu doanh nghiệp nào sử dụng mà không xin phép thì đều là vi phạm.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SLAW chia sẻ, khi doanh nghiệp phát hiện ra trường hợp doanh nghiệp khác vi phạm về thương hiệu của mình thì chụp lại bằng chứng, gửi giám định vi phạm đó, và dựa vào kết quả giám định này, các văn phòng luật sư được thuê để bảo vệ cho quyền của doanh nghiệp bị xâm phạm sẽ gửi thư cảnh báo trong một khoảng thời gian nhất định yêu cầu cải chính công khai và xin lỗi. Trong trường hợp, doanh nghiệp xâm phạm không cải chính công khai thì sẽ đưa ra toà để xử lý.
Tuy nhiên có một điều đáng nói theo Luật sư Thanh Hà đó là tại những thành phố lớn, thanh tra từ Bộ Khoa học & Công nghệ, hay các đơn vị chức năng khác họ dễ dàng trong việc đánh giá trường hợp này có vi phạm hay không? Tuy nhiên, tại các địa phương, thanh tra tại các Sở Khoa học & Công Nghệ phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ và chức năng khác nhau. Vì vậy, họ gặp khó khăn trong việc xác định vi phạm của doanh nghiệp. Ngoài ra, thẩm phán tại các tỉnh hiện nay, số lượng thẩm phán có kinh nghiệm về xử lý sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có toà án chuyên trách.
Ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation cho biết, chúng ta có khá nhiều cơ quan về sở hữu trí tuệ, mỗi cơ quan xử lý một vấn đề nên nhiều khi doanh nghiệp thấy tài sản bị xâm phạm thì không biết tìm đến ai.
Ở các quốc gia trên thế giới, khi phát hiện tài sản trí tuệ bị vi phạm doanh nghiệp có thể gọi ngay tới đường dây nóng và có cơ quan tiếp nhận, phân loại các vi phạm. Điều này giúp đỡ doanh nghệp tốn kém thời gian, tiền bạc. Điều này có thể thấy doanh nghiệp bị xâm phạm rất tôn trọng tài sản của mình và muốn chấm dứt vi phạm một cách nhanh nhất.
Theo ông Vinh, các cơ quan hữu quan như VCCI, Hiệp hội Bất động sản cần có một đường dây nóng như vậy. Đồng thời, cung cấp thêm dịch vụ luật sư để tìm được ngọn ngành lĩnh vực, phạm vi xâm phạm để giải quyết nhanh cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho biết, đường dây nóng để doanh nghiệp có thể báo về những vi phạm. Hiện các cơ quan sỏ hữu trí tuệ cũng đang tăng nặng hình phạt, phạt cả pháp nhân vi phạm, doanh nghệp cũng bị đưa vào xử lý hình sự, tước giấy phép, cấm hoạt động,…
Ông Nguyễn Thế Điệp - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Hưng Thịnh Phát
Ông Nguyễn Thế Điệp - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Hưng Thịnh Phát cho rằng, cái kết của vấn đề là các doanh nghiệp bất động sản đang hoạt động phải tự mình, bảo vệ mình một cách kiên quyết. Có thể nhìn thấy doanh nghiệp bất động sản đang lơ đãng với quyền chính đáng của mình, lơ đãng kéo dài dẫn đến việc doanh nghiệp không tự bảo vệ được mình. Các cơ quan nhà nước, bảo vệ pháp luật có, mà việc lơ đãng kéo dài thì chính doanh nghiệp tự gây thiệt hại cho mình.
Hoạt động bất động sản hiện nay dự án nhỏ thì vài năm kết thúc một dự án, các khu đô thị lớn kéo dài vài chục năm thì càng cần bảo vệ. Dự án nhỏ không bảo vệ hay bảo vệ dễ dãi sẽ ảnh hưởng lớn lới hoạt động kinh doanh bất động sản.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Cảnh Hồng - Tổng Giám đốc Eurowindow chia sẻ thêm, "trước tiên chúng tôi đăng ký bản quyền, chúng tôi sẽ mời Cục SHTT. Khi phát hiện thương hiệu của mình bị xâm phạm bản quyền, chúng tôi thường báo cơ quan chức năng như Cục SHTT, cơ quan bộ, Bộ Công Thương để họ xử lý. Nếu có cơ quan nào vô ý thì chúng tôi sẽ trao đổi thì họ sẽ rút ngay nhưng cũng có những đơn vị cố tình thì chúng tôi báo cơ quan chức năng để họ có hành động để bảo vệ".
Theo ông Hồng, đối với các doanh nghiệp lớn khi có sự trùng lặp thì việc giải quyết rất là đơn giản vì thương hiệu của họ đã rất nổi tiếng rồi. Đối với những doanh nghiệp nhỏ thì khó khăn hơn bởi họ không chú ý đến đăng ký thương hiệu hay nhãn hiệu, nên thời gian xử lý kéo dài hơn.
"Khi đăng ký chúng tôi thương đăng ký các thương hiệu bao vây để tránh nhầm lẫn trong tương lai và làm như thế giảm thiểu sự tranh chấp trong bảo vệ quyền thương hiệu của mình". - ông Hồng chia sẻ thêm.
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc TT phát triển tài sản trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, trong quá trình xử lý vi phạm thì đã có các cơ quan xử lý phân định. Luật SHTT Việt Nam có các cơ quan xử lý xâm phạm, thứ hai là thanh tra xâm phạm bản quyền. Còn thanh tra VHTTDL xâm phạm bản quyền về hình ảnh của công ty hoặc nhưng hình ảnh trong lĩnh vực dự án quảng cáo truyền thông trong đó Cục bản quyền tác giả.
Hiện nay vấn đề tên miền là bị vi phạm nhiều nhất và vấn đề này thì do Bộ Thông tin Truyền thông quản lý. Ngoài ra còn có thanh tra KHCN và quản lý thị trường, công an kinh tế, hải quan.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Hanhud cho biết, có nhiều trường hợp doanh nghiệp ngại đăng ký là vì doanh nghiệp thường nghĩ là nếu ra tấm ra món thì mới đăng ký. Tuy nhiên, nếu nghĩ đến quyên lợi khách hàng doanh nghiệp nên đăng ký gấp.
Hiện nay, chi phí để đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam trong thời gian 10 năm có chi phí chưa đến 100 USD. Vì vậy, doanh nghiệp nên tự bảo vệ mình bằng việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu.
Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp mà còn thể hiện sự bảo vệ khách hàng.
Đồng tình với ông Đính, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty Reeco Sông Hồng cũng cho rằng, hiện nay việc kiện cáo trong việc bảo vệ thương hiệu đang kéo rất dài. Điều này sẽ gây ra sự tốn kém về chi phí và thời gian. Vì vậy, doanh nghiệp nên chủ động bảo vệ doanh nghiệp mình bằng cách đăng ký thương hiệu và phải đăng ký một cách chuyên nghiệp.
Ngoài ra, ông Điệp cũng đề xuất, bên cạnh phải có chế tài dành cho các cơ quan quản lý nên thực hiện việc tuyên truyền nhận thức về quản lý thương hiệu cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài đối với các địa phương để xảy ra tình trạng tranh chấp thương hiệu xảy ra nhiều.
Và theo ông Điệp đề xuất, có thể VCCI sẽ là đầu mối ghi nhận các tranh chấp này thông qua đường dây nóng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là sáng kiến hay, tuy nhiên để sáng kiến này thành hiện thực thì cần có chiến lược định hướng rõ ràng để doanh nghiệp lấy đó làm điểm tựa. Đối với doanh nghiệp bất động sản thì trong việc xuất nhập khẩu nguyên liệu bị là giả thì chúng ta có thể báo ngay tới Cục Hải quan xử lý. Nhưng khi mà chúng ta biết được có doanh nghiệp xâm phạm thì chúng ta phải gửi thông báo đến đơn vị đó và cơ quan bảo hộ.
Phát biểu kết thúc chương trình, ông Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, thứ nhất, thực tế chúng ta đang bàn đến vấn đề bảo vệ tài sản. Dù tiếp cận ở góc độ nào (thương hiệu, nhãn hiệu hay dự án) đều là giá trị tài sản mang tính chất hữu hình và chương trình hôm nay chúng ta tập trung vào vấn đề nhãn hiệu, giá trị thương hiệu gắn với doanh nghiệp. Trước đây, với giá trị của doanh nghiệp thì 80% là giá trị hữu hình còn 20% là giá trị vô hình. Trong xu thế của nền kinh tế tri thức hiện nay thì tỷ lệ này đang đảo ngược tiến tới 80% là giá trị vô hình còn 20% là giá trị hữu hình.
Ông Tuấn lấy dẫn chứng, hiện nay, giá trị thương hiệu của Cocacola là 79 tỷ USD, giá trị hữu hình khoảng 60 tỷ USD. Tức là người ta có thể bỏ ra tổng 139 tỷ USD để mua Cocacola. Hay Mc Donald trong giá trị tài sản thì 70% là giá trị thương hiệu, 30% còn lại là giá trị hữu hình, giá trị tài sản. Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu tốt, giá trị thương hiệu thường chiếm 1/3 giá trị của giao dịch trên thị trường. Như vậy chúng ta không phải chỉ bàn đến câu chuyện giá trị mà chúng ta đang sở hữu mà còn bàn đến giá trị đang được mở rộng ra trên thị trường.
Thứ hai, làm thế nào để bảo vệ giá trị tài sản của chúng ta. Theo ông Tuấn, có 4 góc độ, thứ nhất là chính doanh nghiệp bất động sản chúng ta; thứ hai là những người hỗ trợ (người tư vấn ý tưởng, tư vấn thiết kế, tư vấn cách thức tra cứu, các hiệp hội như Hiệp hội bất đông sản, tổ chức doanh nghiệp như VCCI và giới truyền thông); thứ ba là người tiêu dùng không chỉ quan hệ là người mua mà quan hệ như đối tác của chính chúng ta; thứ tư là vai trò của nhà nước.
"Thời gian tới, chúng tôi có một số chủ đề để tổ chức chương trình café doanh nhân như Hội nhập 2.0 là gì. Bản thân bất động sản hiện có những bước hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Chúng ta không chỉ tập trung trong nước mà còn hướng nguồn lực ra bên ngoài rất lớn, thâm nhập quốc tế mạnh". - ông Tuấn nói.
"Chúng tôi có chương trinh hợp tác với tổ chức APEN với hơn 20 quốc gia đang thiết kế và triển khai mô hình hội nhập 2.0 là kênh thiết kế lại trong quá trình phân công hóa lao động trong quá trình hội nhập. Tôi đánh giá quá trình đó rất hiệu quả và phát triển nhanh, mạnh tới các khu vực trên thế giới. Đi kèm với nó là quy trình quản trị, thiết kế tiếng nói chung cho doanh nghiệp, chúng ta cùng nhau có những cách thức quản trị trong tiến trình hội nhập 2.0 đó". - ông Tuấn cho biết thêm.
Ngoài ra, chúng tôi còn có đề tài tâm lý học hội nhập dành cho doanh nghiệp."Chúng ta không bàn đến quản trị, nhân lực mà bàn về tâm lý học của chính chủ doanh nghệp suy nghĩ như thế nào, cách thức chúng ta chuẩn bị trong quá trình hội nhập". - ông Tuấn nói.
Đối với vấn đề phương pháp luận sáng tạo trong tư duy của người chủ doanh nghiệp. Đây là một môn học nhưng tại Việt Nam môn học này chưa được phổ cập. Ở Việt Nam hiện có hai người chuyên sâu về lĩnh vực này.
"Qua quá trình tham gia các khóa đào tạo thực tế chúng tôi thấy đây là một đề tài rất hay, hấp dẫn. Mong rằng nhận được các anh chị góp ý thêm các đề tài cho chương trình café doanh nhân tiếp theo". - ông Tuấn nói.
Nguồn: http://enternews.vn/truc-tuyen-cafe-doanh-nhan-bao-ve-thuong-hieu-cho-doanh-nghiep-bat-dong-san-134694.html