Trong bài viết Bảo vệ thương hiệu bằng tòa chuyên trách của tác giả Mai Thanh được đăng tải trên báo Diễn đàn doanh nghiệpcó ý kiến đóng góp của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, luật sư điều hành Công ty luật S&B (S&B Law). Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này:
(DĐDN) Sản phẩm càng nổi tiếng thì càng bị làm nhái nhiều. Vấn đề này dễ hiểu, chỉ có điều khó hiểu là chưa thấy vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ sự sáng tạo và giá trị của các DN. Đáng lưu ý là, sau 20 năm kể từ thời điểm VN có sự quan tâm đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đến nay, vẫn chưa có tòa án chuyên trách xét xử các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ.
Nhiều Cty vừa xây dựng được thương hiệu, có chút tiếng tăm
là bị hàng loạt Cty mới đăng ký tên trùng hoặc tương tự
Việc bị ăn cắp tên thương hiệu, chỉ dẫn địa lý do không đăng ký bảo hộ đã dấy lên hơn chục năm qua, thế nhưng đến nay nhiều DN Việt vẫn phải đối đầu với vấn đề này.
Từ đối tác sang đối đầu
Câu chuyện về Cà phê Trung Nguyên cũng đã gây chấn động dư luận một thời khi từ những năm 2000 đã từng bị Cty Rice Field đăng ký bảo hộ thương hiệu cà phê Trung Nguyên tại Mỹ và WIPO (Tổ chức bảo hộ Trí tuệ thế giới). Sau đó, website Trungnguyen.com.au trở thành website quảng bá, giao dịch Highlands coffee. Mới đây, khi đăng ký tên miền này tại Australia thì Trung Nguyên phát hiện Cty The trustee for Hinchliffe Trust đã đăng ký tên miền này và sử dụng dưới hình thức một website giao dịch thương mại. Đã vậy, Trung Nguyên tiếp tục để mất thương hiệu cà phê chồn tại Mỹ. Sau khi vụ tên miền thương hiệu Legendeecoffee bị người khác thâu tóm, Trung Nguyên lại có nguy cơ bị chặn đường xuất khẩu cà phê mang thương hiệu Legendee Coffee tại thị trường Mỹ.
Luật sư Lê Xuân Thảo - chuyên trách mảng SHTT nhìn nhận, không chỉ là câu chuyện các đại gia phải đối đầu với việc bị mất cắp thương hiệu ở thị trường nước ngoài mà hiện nay hàng loạt DN mới nổi trong nước phải đối đầu với việc bị DN mới ra đời ở trong nước đăng ký trùng tên. Thực tế hiện nay, rất nhiều Cty vừa xây dựng được thương hiệu, có chút tiếng tăm là bị hàng loạt Cty mới đăng ký tên trùng hoặc tương tự.
Thực tế, DN đã dùng rất nhiều thủ thuật “lách” để qua mắt cơ quan chức năng trong việc nhái nhãn mác và ngay bản thân cơ quan chức năng khi vào cuộc xử lý cũng đã rất lúng túng. Vì trên thực tế, việc quản lý các chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu thường giao cho cơ quan hành chính (thường là UBND cấp huyện, tỉnh) hoặc các hiệp hội sản xuất ở địa phương - nơi có sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Nói như Luật sư, thạc sỹ Nguyễn Thanh Hà - GĐ Cty Luật S&B, ý tưởng của việc ra đời nhãn hiệu tập thể là rất tốt. Thương hiệu chung ra đời thường gắn liền với quy chế sở hữu rất chặt. Tuy nhiên, năng lực kiểm soát chất lượng sản phẩm của các cơ quan này còn yếu. Bản thân các cơ quan quản lý trong nhiều trường hợp cũng chưa ban hành được một quy chế rõ ràng về điều kiện cấp và sử dụng chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu chứng nhận cũng như quy chế "hậu kiểm" sau khi đã cho phép các chủ thể khác sử dụng, do đó dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện trong cấp phép và buông lỏng trong quản lý để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn, trục lợi.Luật sư Phạm Thanh Tuấn - Giám đốc Cty Luật TNHH Vietin cho rằng, hành lang pháp lý điều chỉnh các đối tượng trên còn bất cập, chủ yếu tập trung vào các quy định về vốn, tư cách pháp nhân, điều kiện bảo hộ mà chưa có quy định đủ rõ ràng về tên, thương hiệu.
Nên có tòa án chuyên trách
Hiện các DN phải tự bảo vệ thương hiệu bằng cách đến Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký bảo hộ thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu logo gắn liền với tên DN để có cơ sở khiếu kiện DN đăng ký sau “ăn cắp” thương hiệu của mình. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế không mang tính răn đe quyết liệt đối với DN. Vì vậy, hơn lúc nào hết, nhà nước cần có một quy định, chế tài xử lý vi phạm về tên trùng, đánh cắp thương hiệu để bảo vệ những DN chân chính.
Đồng quan điểm trên, ông Hoàng Văn Tân - Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KHCN cũng có ý kiến cho rằng, xử phạt vi phạm SHTT ở VN chủ yếu mới là xử phạt vi phạm hành chính, vừa mang tính tuyên truyền, vừa mang tính giáo dục. Mức phạt cao nhất hiện nay là 500 triệu đồng vẫn là quá thấp, chưa đủ sức răn đe. Theo ông Tân, lý do là Luật SHTT còn quá mới mẻ ở VN.
Vì vậy, trong tương lai nên có một tòa chuyên trách về SHTT. Các vụ việc vi phạm SHTT sẽ được xử tại tòa này chứ không thiên về xử vi phạm hành chính như hiện nay. Quan tòa, thẩm phán được đào tạo chuyên môn về SHTT, thay vì ôm tất cả từ ly hôn tới phạm tội- ông Tân lập luận.
Việc lập các tòa án chuyên biệt về SHTT đã được các nước Anh, Mỹ, Pháp, Malaysia, Singapore... thực hiện khá thành công. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, việc nâng cao tính minh bạch, giải quyết các tranh chấp dân sự một cách nhanh gọn, hiệu quả cũng cần phải được xem là một lợi thế cạnh tranh. Việt Nam đã cần lập tòa án chuyên biệt này chưa? Xin dành câu trả lời cho các cơ quan quản lý.
Mai Thanh
Quý khách hàng có thể xem link sau: http://dddn.com.vn/phap-luat/bao-ve-thuong-hieu-bang-toa-chuyen-trach-20120921110733355.htm