Bảo vệ tác quyền tác phẩm phi hư cấu

Nội dung bài viết

Trong xu thế hội nhập quốc tế, việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm phi hư cấu ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức. Về vấn đề này, bài viết có trích dẫn ý kiến của Luật sư Phạm Duy Khương – Công ty Luật SBLAW.

Thiếu hiểu biết về quyền bảo hộ tác phẩm
Tác phẩm phi hư cấu là một phương pháp sáng tạo của con người, phản ánh hiện thực bằng các sự kiện, vấn đề có thật, có thể kể đến như tự truyện, tiểu sử, nhật ký, thư từ, hồi ký, đề án, tài liệu thiết kế, sơ đồ, biểu đồ, từ điển, tác phẩm báo chí, công trình khoa học, sách giáo khoa, phim tài liệu… và theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung năm 2009), thì tác phẩm phi hư cấu là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả. Các tổ chức, cá nhân khi khai thác sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Trên thực tế, không ít người vẫn lầm tưởng, khi nhắc đến tác phẩm phải là tác phẩm văn học, nghệ thuật (tác phẩm hư cấu), còn khoa học thì được gọi là công trình khoa học. Nhiều người, trong đó còn có cả bản thân tác giả cũng hiểu nhầm về khái niệm này, không quan tâm, hoặc không biết về quyền tác giả của các tác phẩm phi hư cấu. Thậm chí, có tác giả còn quan niệm rằng, việc phổ biến các tác phẩm của mình đến công chúng là phần thưởng đáng giá hơn những khoản thù lao. Do đó, nhiều người đã vi phạm quyền tác giả phi hư cấu ở những cấp độ khác nhau. Sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu khoa học thường bị in lậu, tái bản, sao chép nhiều nhất.

Theo thạc sỹ, luật sư Nguyễn Thị Phương Hảo, Ủy viên BCH Hiệp hội Tác giả phi hư cấu Việt Nam, nếu tiếp tục để tình trạng xâm phạm bản quyền diễn ra mà không có giải pháp, không chỉ làm thất thu một khoản kinh phí lớn, mà còn là tác nhân giết chết sự sáng tạo của các tác giả.

Theo đánh giá chung việc các tác phẩm bị xâm phạm nhiều, sẽ khó tạo ra những công trình giá trị, có thể giết chết nền xuất bản, thậm chí có thể dẫn đến những xung đột trong quan hệ quốc tế…

Khó kiểm soát

Theo PGS.TS Trần Văn Hải, Trường Đại học khoa học xã hội nhân văn, bản thân các chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan khó có thể tự kiểm soát được việc đối tượng khác khai thác thương mại tác phẩm. Ví dụ, nhạc sỹ Phú Quang khó có thể tự mình thu phí sử dụng tác phẩm, khi tại một thời điểm, có nhiều cuộc biểu diễn cùng khai thác thương mại các tác phẩm của ông.

Trong một cuộc khảo sát cho thấy, giáo trình “Phương pháp luận nghiên cứu khoa học” của Vũ Cao Đàm, là một trong những tác phẩm có số lượng xuất bản lậu lớn nhất trong khoảng 20 năm qua, thậm chí một NXB có tiếng ở Hà Nội cũng in lậu cuốn giáo trình này, tác giả biết cũng đành bất lực, hơn nữa, chắc chắn tác giả không thể tự mình kiểm soát được hành vi sao chép lậu đang diễn ra ở hầu khắp các tiệm photocopy trên toàn quốc. Bản thân PGS.TS Trần Văn Hải, đã chứng kiến gần 100% sinh viên trong một lớp học sử dụng bản sao giáo trình, trong khi giáo trình ở nhà sách không bán được…

Luật sư, thạc sỹ Phạm Duy Khương cho biết, theo thống kê của Cục Xuất bản, các tác phẩm phi hư cấu ở Việt Nam chiếm 60% số đầu sách, và chiếm tới 90% số bản in. Điều đó cho thấy, nhu cầu về tác phẩm phi hư cấu ở Việt Nam là rất lớn, và một phần không nhỏ các đối tượng sử dụng tác phẩm phi hư cấu là ở các cơ sở giáo dục và đào tạo ở nhiều cấp. Đây là các đối tượng sử dụng đặc biệt, và Luật Sở hữu trí tuệ lại có quy định riêng cho các trường hợp này, đó là quyền sử dụng không phải xin phép và không trả tiền nhuận bút các tác phẩm đã được công bố.

IMG_3802
Luật sư Phạm Duy Khương – Công ty Luật SBLAW

Cụ thể, quy định tại Điều 25.1.a và 25.1.đ của Luật Sở hữu trí tuệ, thì các hành vi như tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân và sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu là không cần phải xin phép và không cần trả nhuận bút. Bên cạnh đó, Điều 32.1.a và 32.1.b quy định, hành vi tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học của cá nhân, và hành vi tự sao chép một bản nhằm mục đích giảng dạy (trừ trường hợp là cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được công bố) để giảng dạy sẽ không bị coi là hành vi xâm phạm quyền liên quan, nên không phải xin phép và không phải trả tiền nhuận bút…

Tuy nhiên, luật sư Phạm Duy Khương cũng lưu ý, khi xem xét đến các quy định này, cần xác định rõ thế nào là “tự sao chép một bản”, và thế nào là với “mục đích nghiên cứu khoa học”, “giảng dạy cá nhân”, hoặc “nghiên cứu”… bởi nếu không giải thích hoặc quy định rõ các thuật ngữ này, việc lạm dụng quyền sử dụng tác phẩm không phải xin phép và không trả tiền nhuận bút hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí người vi phạm cũng không nhận thức được. Điều này có thể trở thành kẽ hở để các đối tượng vi phạm bản quyền lợi dụng, khiến các cơ quan chức năng cũng như tác giả gặp khó khăn trong việc xử lý vi phạm bản quyền, nhất là trong thời đại kỹ thuật số như hiện nay.

Rất nhiều ý kiến của các học giả, luật sư đều cho rằng, các tác giả cần được Nhà nước bảo vệ bằng các biện pháp thực thi, nhằm ngăn chặn không để hành vi xâm phạm xảy ra, và nếu xảy ra thì cần xử lý thích đáng. Tuy nhiên, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này, để xử lý được các vi phạm vẫn còn là một bài toán khó.

Nguồn: http://baotintuc.vn/van-hoa/bao-ve-tac-quyen-tac-pham-phi-hu-cau-20170316191636693.htm
0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan