Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên VTV2 về vấn đề Bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ trong thời đại công nghiệp 4.0. Dưới đây là nội dung chi tiết:
1. Việt Nam đã bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vậy theo luật sư, sở hữu trí tuệ sẽ có vai trò như thế nào trong cuộc cách mạng này?
Trả lời:
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội nhưng cũng là thách thức trong phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Quyền SHTT sẽ trở thành công cụ quyết định sức mạnh cạnh tranh của công nghệ đối với các chủ thể khiến mọi tổ chức, doanh nghiệp phải tìm cách tạo ra, nắm và sở hữu tài sản trí tuệ để phát triển bền vững.
Đối với doanh nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình của doanh nghiệp - ngày càng khẳng định vai trò là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị của doanh nghiệp và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, giá trị tài sản trí tuệ ngày càng lớn hơn so với giá trị các tài sản hữu hình khác, điều này được minh chứng qua các tập đoàn đa quốc gia như Apple, Google, IMB.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ. Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm. Nhiều hàng hóa trong nước có uy tín bị làm giả, làm nhái. Điều này gây thiệt hại cho người tiêu dùng, xâm phạm quyền của các chủ sở hữu, làm cho các doanh nghiệp sụt giảm về doanh số và lợi nhuận.
2. Có ý kiến cho rằng, trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0, giá trị tài sản vô hình sẽ ngày càng lớn trong tổng giá trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thể nói hiện nay giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ dừng ở mức khiêm tốn, so với thế giới. Luật sư nghĩ sao về nhận định này?
Trả lời:
Trên thế giới, yếu tố tạo nên sự khác biệt về giá trị một công ty không còn nằm ở quy mô các tài sản hữu hìnhnhư bất động sản, nhà xưởng, máy móc, … mà chính các tài sản vô hình mới là nhân tố thay đổi cuộc chơi.
Tuy nhiên, tại Việt Nam không nhiều công ty Việt Nam quan tâm đến giá trị tài sản vô hình ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn. Hầu hết các doanh nghiệp trong nước vẫn chỉ tập trung vào khâu sản xuất mà chưa chú ý đến tạo dựng và bảo vệ thương hiệu, cũng như thiếu một tầm nhìn sắc sảo về xây dựng nguồn nhân lực, đầu tư cho nghiên cứu sáng tạo.
Không ít trường hợp các doanh nghiệp Việt nhận được bài học đau xót khi xem nhẹ giá trị thương hiệu nên đã không đăng ký bản quyền, rồi bị đối thủ nước ngoài đăng ký và lấy mất thương hiệu như trường hợp của cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc, võng xếp Duy Lợi, .... Trong khi đó, các tên tuổi khác như Vinamit, Trung Nguyên phải rất vất vả và tốn nhiều chi phí mới giành lại được thương hiệu của mình tại Trung Quốc và Mỹ.
3. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ chú trọng đến việc bảo hộ mà chưa thực sự biết cách khai thác và phát triển tài sản trí tuệ của mình. Từ thực tiễn tư vấn của mình, luật sư có khuyến nghị nào cho doanh nghiệp, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong việc coi trọng, tạo lập, bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ trong thời đại công nghiệp 4.0 này, thưa Luật sư?
Trả lời:
Như tôi đã trình bày ở trên, ở Việt Nam hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của SHTT. Tuy nhiên, có một số tổ chức, cá nhân đã quan tâm đến hoạt động SHTT nhưng chưa biết cách khai thác giá trị của loại tài sản này, vì vậy sau khi được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đã cất văn bằng trong ngăn tủ và khiến văn bằng chưa góp phần gia tăng giá trị của sản phẩm và dịch vụ, cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hơn lúc nào hết các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần sử dụng SHTT như động lực cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với các doanh nghiệp trong nước, cần chú trọng đăng ký SHTT nếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp.
Đồng thời, cần có có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn hành vi vi phạm SHTT một cách kịp thời, hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp.
Tóm lại, bảo hộ quyền SHTT là yếu tố cốt lõi góp phần tạo nên thành công của doanh nghiệp. Và việc toàn cầu hóa tại các thị trường quốc tế, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dù hoạt động trong lĩnh vực nào thì việc xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về sáng chế, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu là yếu tố sống còn của chính doanh nghiệp.