Vấn đề bảo vệ nhà đầu tư là một trong những mục tiêu quan trọng và cơ bản nhất mà cơ quan quản lý nhà nước hướng đến, nhằm phát triển thị trường chứng khoán ổn định, công bằng và bền vững.
Thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục chứng kiến những vụ khởi tố vì thổi giá, thao túng giá cổ phiếu. Điều này đặt ra câu hỏi về việc bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường chứng khoán.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có bài trả lời phỏng vấn về vấn đề này.
Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu hỏi 1: Vừa qua, liên tục các vụ việc về thổi giá, thao túng thị trường chứng khoán bị khởi tố điều tra, ví như vụ vợ chồng CEO Chứng khoán APEC thổi giá cổ phiếu gấp 6 lần, 'lùa gà' thu lợi 157 tỷ đồng. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này, theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Trả lời:
Hiện nay, thị trường chứng khoán ngày càng phát triển theo đó các hành vi về thao túng thị trường chứng khoán ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. Trên thực tế, rất dễ thực hiện hành vi gian lận thao túng thị trường chứng khoán mà việc phát hiện, xử lý và ngăn chặn các sai phạm về thao túng chứng khoán lại luôn là thách thức và áp lực rất lớn đối với cơ quan quản lý.
Trong những phương thức thao túng thị trường chứng khoán thì việc Tạo cung - cầu giả, bằng cách thông đồng thực hiện mua, bán chứng khoán đẩy giá tăng hoặc giảm đột ngột để lừa nhà đầu tư là phổ biến nhất. Như vụ vợ chồng CEO Chứng khoán APEC vừa qua, để thao túng được thị trường, vợ chồng ông Lăng cùng Phạm Duy Hưng đã chỉ đạo các đồng phạm sử dụng 40 tài khoản chứng khoán mở tại Công ty APS để liên tục đặt lệnh mua bán 3 mã cổ phiếu trên 40 tài khoản chứng khoán. Việc này nhằm tạo ra cung cầu giả và giá đóng cửa mới, khiến cho 3 mã cổ phiếu API, APS, IDJ tăng bất thường. Từ đó giúp thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia mua 3 loại cổ phiếu này.
Qua đó, chúng ta có thể thấy thị trường chứng khoán rất dễ bị thao túng, các đối tượng có thể dùng nhiều thủ đoạn khác nữa để thổi giá lên nhằm thu lợi bất chính. Những hành vi đó để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho thị trường chứng khoán cũng như gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Nguyên nhân chính của hành vi thao túng thị trường chứng khoán là xuất phát từ ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận cá nhân, tổ chức còn kém, thực hiện hành vi thao túng, phổ biến là hành vi tạo cung - cầu giả với mục đích thu lợi. Cùng với đó, bản chất của những hành vi thao túng này thường xảy ra trong khoảng thời gian nhất định mới rõ dấu hiệu biến động bất thường của cổ phiếu, có sự tham gia của số lượng lớn tài khoản giao dịch nên thường khó có thể phát hiện, ngăn chặn ngay vi phạm trong giai đoạn thao túng. Ngoài ra, yếu tố thị trường cũng là nguyên nhân cho các hành vi thao túng, trong giai đoạn thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, các cổ phiếu có xu hướng tăng, thanh khoản lớn, nhiều nhà đầu tư tham gia thì việc lôi kéo nhà đầu tư tham gia mua bán cổ phiếu sẽ dễ dàng hơn, tạo môi trường cho các hành vi thao túng, đẩy giá một số cổ phiếu nhất định.
Câu hỏi 2: Theo ông trong trường hợp này, nhà đầu tư nên làm gì để có thể bảo vệ mình, tránh thiệt hại có thể xảy ra?
Trả lời:
Để tránh sập bẫy thao túng cổ phiếu, cách tốt nhất để đối với các nhà đầu tư trực tiếp tham gia vào thị trường chứng khoán là cần trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức, quy định pháp luật về chứng khoán, nắm rõ những dấu hiệu nhận biết hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán. Trước khi quyết định đầu tư vào một cổ phiếu cần tìm hiểu và nắm bắt rõ thông tin về doanh nghiệp, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua những nguồn uy tín từ đó mới có thể bảo vệ được chính mình, tránh thiệt hại xảy ra. Các nhà đầu tư cũng nên trang bị cho mình những kiến thức pháp lý về đầu tư, chứng khoán, biết về những quyền lợi nào được pháp luật bảo vệ. Để từ đó các nhà đầu tư có thể tránh bị lừa bởi những hành vi thao túng cũng như khi xảy ra có những biện pháp bảo vệ và hạn chế tối đa thiệt hại với bản thân mình.
Các hành vi thao túng thị trường chứng khoán chủ yếu diễn ra trong một thời gian ngắn và mục tiêu của các đối tượng thao túng cổ phiếu thường sẽ nhắm các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đầu tư theo kiểu lướt sóng cổ phiếu hay đầu cơ ngắn hạn để kiếm lời nhanh chóng. Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ mình khỏi sự thao túng thị trường chứng khoán là đầu tư dài hạn, cần thận trọng trong quyết định lựa chọn cổ phiếu. Quan trọng là phải kiểm soát được lòng tham của bản thân, bởi vì thao túng thị trường chứng khoán chủ yếu đánh vào lòng tham của các nhà đâu tư, cần tỉnh táo trong những quyết định bởi vì lợi nhuận thường đi kèm với rủi ro. Cần tránh xa hiệu ứng đám đông hoặc từ sự kêu gọi từ những nhóm nhỏ trên mạng xã hội hoặc diễn đàn internet thiếu uy tín.
Câu hỏi 3: Ông đánh giá như thế nào về khuôn khổ pháp lý cho việc bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, thưa ông?
Trả lời:
Luật Chứng khoán 2019 quy định nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Để bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, Nhà nước đã ban hành và quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Bộ luật dân sự 2015; Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và các Nghị định, Thông tư liên quan.
Quy định về xử lý vi phạm đối với những hành vi vi phạm pháp luật về các hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán được quy định tại Điều 132 Luật Chứng khoán năm 2019: "Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật".
Theo đó, những hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán thì tùy vào mức độ, tính chất của hành vi có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây ra thiệt hại thì có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Về xử phạt hành chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán và Nghị định số 128/2021/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.
Về xử lý hình sự, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định một số Tội trong lĩnh vực chứng khoán như: Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán); ...
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 133 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định"Chủ thể xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, thực hiện các trách nhiệm dân sự khác theo thỏa thuận, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và quy định khác của pháp luật có liên quan".
Theo đó, việc xác định thiệt hại hoặc giá trị tổn thất sẽ áp dụng theo Bộ luật Dân sự năm 2015. Ở lĩnh vực chứng khoán, những hành vi vi phạm nào mà gây thiệt hại cho nhà đầu tư đều phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm đó gây ra.
Khi xảy ra tranh chấp để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư thì việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp hoặc giải quyết tranh chấp được thực hiện thông qua thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án Việt Nam giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các hoạt động thanh tra, giám sát được thực hiện bởi nhiều chủ thể trong phạm vi giám sát khác nhau. Việc thanh tra, giám sát vừa đảm bảo được quyền lợi cho nhà đầu tư vừa giúp cho thị trường chứng khoán được công bằng, minh bạch, ngăn chặn hành vi sai phạm.
Tuy nhiên, các quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán hiện nay khá nhẹ, tính răn đe không cao, không tương thích với những hậu quả mà hành vi vi phạm gây ra cho xã hội mà đặc biệt là cho các nhà đầu tư. Điều này dẫn đến việc các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ vi phạm.
Câu hỏi 4: Quy định của các nước trên thế giới về vấn đề này như thế nào, Việt Nam có thể học hỏi gì từ họ, thưa ông?
Trả lời:
Các nước trên thế giới thường áp dụng nhiều biện pháp khác nhau và cùng lúc bảo vệ NĐT trên TTCK, có thể biết đến như:
Cơ quan quản lý và vấn đề ban hành các quy phạm pháp luật: Cơ chế bảo vệ NĐT thông qua một cơ quan quản lí và áp dụng luật để bảo vệ NĐT khá phổ biến và rộng rãi trên những nước có TTCK mạnh và có ảnh hưởng lớn như Hoa Kỳ được điều chỉnh bởi Luật Chứng khoán Hoa Kỳ (1933) và Luật Giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ với nhiều quy định bảo vệ NĐT. Ngoài ra, Mỹ còn có các nguồn luật khác như Luật Tín thác (1939); Luật Công ty đầu tư (1940); đặc biệt còn ban hành riêng Luật Bảo vệ NĐT chứng khoán (1970). Hay tại New Zealand, Singapore có Luật về giao dịch công bằng và Luật bảo vệ người tiêu dùng.
Tại Việt Nam cũng đã có ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và TTCK theo quy định của pháp luật và đã học hỏi cũng như tiếp được nhiều từ các TTCK nước ngoài.
Tiếp cận và minh bạch thông tin: Cách bảo vệ NĐT này rất quan trọng trên TTCK. Vậy nên nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam đã ban hành những điều luật bảo vệ NĐT như các quy định về việc báo cáo thông tin hay những quy định bắt buộc trong hợp đồng giữa CTCK và NĐT.
Bảo vệ tài sản đầu tư: Hoa Kỳ coi tầm quan trọng của việc bảo vệ và mở rộng quyền của cổ đông, sẵn sàng thực hiện các các hành động đáp ứng cho NĐT.
New Zealand, Thái Lan và Việt Nam đã ban hành quy tắc ứng xử và hướng dẫn thực hành tốt nhất về các nguyên tắc quản trị công ty, giám sát và thực thi để nỗ lực thực hiện cải thiện các tiêu chuẩn tư vấn đầu tư thông qua việc sử dụng các quy tắc ứng xử
Tuyên truyền và phổ biến kiến thức cho nhà đầu tư: Nhiều NĐT có thể còn thiếu kiến thức, chưa nhận thức được đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, không thực sự chú trọng đến cơ chế hoạt động, các thông lệ cũng như các quyền và nghĩa vụ của mình, việc giáo dục, tuyên truyền cho NĐT phương thức tự bảo vệ trên TTCK, không lệ thuộc vào bất kì cơ quan nào đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
Ở Ấn Độ, đã thành lập 2 loại quỹ bảo vệ NĐT, đó là Dịch vụ NĐT Quỹ và Quỹ Bảo vệ và Giáo dục NĐT. Các quỹ này được sử dụng trong các chương trình cho NĐT trên thị trường chứng khoán,mục đích bao gồm việc tuyên truyền và phổ biến kiến thức cho NĐT.
Việt Nam cần phải thành lập quỹ NĐT sớm hơn vì hiện nay vẫn chưa có quỹ NĐT nào tại Việt Nam.
Xử lý và giải quyết khiếu nại: Tại Trung Quốc, tổ chức hòa giải đã được thành lập vào năm 2020 và đã giải quyết hơn 6100 trường hợp. Còn Tại Việt Nam, thường giải quyết qua khởi kiện và phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của tòa án. Vậy nên cũng cần có một tổ chức hòa giải được thành lập và đứng ra giải quyết những khó khăn, tranh chấp của các NĐT trên TTCK.
Câu hỏi 5: Theo ông, đối với khuôn khổ pháp lý về việc bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ cần được hoàn thiện như thế nào?
Trả lời:
Nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm một tỷ lệ lớn trên thị trường, đóng góp đáng kể vào doanh thu của các công ty chứng khoán, cũng như đóng góp không nhỏ thuế cho Nhà nước. Nhưng chế tài xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán nói chung, hành lang pháp lý bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường thể hiện chưa rõ ràng, vừa kém hiệu quả. Chính điều này khiến cho nhà đầu tư nhỏ lẻ dễ chịu thiệt hơn khi đối mặt với các rủi ro, tranh chấp phát sinh trong quá trình tham gia thị trường. Điều này ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhà đầu tư, làm xấu hình ảnh của thị trường trong con mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính vì vậy để có thể đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ:
Một là, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến tổ chức bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Chính phủ và Bộ Tài chính cần có những thay đổi và bổi sung hành lang pháp lý nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc. Cần có văn bản thống nhất về bảo vệ nhà đầu tư; hình thức xử lý vi phạm phải đảm bảo được tính răn đe các đối tượng vi phạm để từ đó bảo vệ tối đa quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Hai là, thiết lập các quy định trong việc tiếp nhận hòa giải của nhà đầu tư chứng khoán trong trường hợp có tranh chấp giữa nhà đầu tư nhỏ lẻ và công ty chứng khoán về hoạt động kinh doanh chứng khoán.
Khi tranh chấp được đưa ra cơ quan tài phán Việt Nam là tòa án, bổ sung quy định về nghĩa vụ chứng minh đối với những mâu thuẫn phát sinh thuộc về công ty chứng khoán, cũng như trách nhiệm bồi thường nếu không chứng minh, giải thích phù hợp được các hoạt động sai phạm.
Bên cạnh đó, cần mở rộng phạm vi áp dụng bảo vệ với cả nhà đầu tư nhỏ lẻ nước ngoài vào TTCK Việt Nam. Việc này sẽ giúp nâng cao vị thế hội nhập của nước ta trên TTCK quốc tế và thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Ba là, thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam. Trong đó, tham khảo cách thức giám sát và hoạt động của Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán (SIPF). Cụ thể, vốn điều lệ của Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cung cấp thông qua Bộ Tài chính, dưới sự giám sát trực tiếp của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Quy định chi tiết thẩm quyền và nghĩa vụ của Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán, đặc biệt là vai trò bảo vệ và cân bằng thị trường khi có rủi ro xảy ra trên TTCK.
Câu hỏi 6: Ông có khuyến nghị như thế nào với nhà đầu tư nhỏ lẻ trong quá trình đầu tư để hạn chế rủi ro, thưa ông?
Trả lời:
Những nhà đầu tư nhỏ lẻ thường là những người không chuyên, không có nhiều nguồn vốn và cũng chưa nắm bắt hay lường trước được những diễn biến trên thị trường Chứng khoán. Do đó, tâm lý đầu tư dễ dao động, đi theo đám đông và các tin đồn, quá trình đầu tư thường mang tính chất đầu cơ. Điều này cũng khiến nhiều Nhà đầu tư nhỏ lẻ dễ gặp rủi ro trước các biến động khó lường của thị trường. Chính vì vậy những nhà đầu tư nhỏ lẻ cần phải
Lựa chọn công ty để mở giao dịch Chứng khoán: Với bất kỳ Nhà đầu tư nào, việc lựa chọn công ty để mở giao dịch Chứng khoán đều cần thiết, trong đó tiêu chí về độ uy tín, quá trình hoạt động, chi phí đều đáng quan tâm. Họ cần tránh những cổ phiếu mang tính đầu cơ, lựa chọn đúng các cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc, hoạt động ổn định và ít chịu ảnh hưởng của các biến động ngắn hạn.
Trau dồi kiến thức, cập nhật nguồn thông tin đáng tin cậy: Nhà đầu tư có thể trau dồi những kỹ năng, tìm hiểu thông tin qua sách báo, tài liệu kinh tế tài chính, tham gia các Hội thảo và những thông tin thông qua các diễn đàn, các nhóm chuyên sâu về Chứng khoán. Đây sẽ chính là cơ hội giúp Nhà đầu tư nhỏ lẻ tiếp cận thêm nhiều nguồn thông tin, kinh nghiệm hữu ích, chia sẻ những khó khăn và vướng mắc của mình. Đặc biệt, Nhà đầu tư nhỏ lẻ nên cập nhật tin tức cụ thể, xác thực về diễn biến thị trường, nhận định của chuyên gia qua những kênh truyền thông chính thống, đáng tin cậy.
Học đầu tư chứng khoán từ người có nhiều kinh nghiệm, người thành công: Các Nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, đặc biệt Nhà đầu tư đã thành công luôn có những bài học quý giá về đầu tư. Bạn có thể tìm hiểu về các Nhà đầu tư nổi tiếng trên thế giới, họ đều có phong cách đầu tư riêng kèm theo đó là những bài học quý giá về đầu tư chứng khoán. Từ việc đọc và khám phá về họ có thể giúp Nhà đầu tư xác định được chiến lược đầu tư phù hợp với họ và với thị trường hiện tại.
Hạn chế tâm lý đám đông, mua bán bằng mọi giá: Nhà đầu tư đừng bao giờ đầu tư theo cảm xúc, cảm tính bởi đầu tư không có chỗ dành cho cảm xúc. Họ cần hết sức bình tĩnh, không nên rơi vào vòng xoáy bán lấy được, không dựa vào tin đồn thất thiệt, tâm lý đám đông mà cần kiểm chứng, nắm bắt sát tình hình và triển vọng, các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.