Trong bài "Bảo vệ người tiêu dùng để doanh nghiệp phát triển bền vững" đăng trên báo VOV, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law. Dưới đây là nội dung chi tiết:
VOV.VN-Để phát triển bền vững, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.
Nhu cầu và đòi hỏi của người tiêu dùng về chất lượng dịch vụ, hàng hóa ngày càng cao. Điều này buộc các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, nhà cung cấp dịch vụ phải biết tôn trọng khách hàng và thỏa mãn nhu cầu đó.
Những sản phẩm mập mờ về nhãn mác, chất lượng và hạn sử dụng sẽ dễ dàng bị tẩy chay, không thể tồn tại. Các doanh nghiệp muốn chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng thì cần chú trọng nhiều đến sản phẩm và chất lượng dịch vụ thay vì cứ ra sức nói quá lên về công dụng của sản phẩm hay những bài quảng cáo với “lời hay, ý đẹp”.
Bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp còn có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. |
Thực tế hiện nay, không ít doanh nghiệp đã nhận thức được rằng, để song hành lâu dài cùng người tiêu dùng thì việc “cho đi” thật lòng trước khi nhận lại là một phần không thể thiếu trong đạo đức kinh doanh, đây được coi như một chiến lược kinh doanh hiệu quả cần chú trọng.
Ông Bùi Văn Quyền, chuyên viên tiếp thị Công ty TNHH Ecopath Việt Nam - đơn vị chuyên sản xuất sản phẩm men vi sinh Bifina Nhật Bản cho rằng, người tiêu dùng là yếu tố quyết định sự thành - bại của mỗi doanh nghiệp, do đó để thành công thì doanh nghiệp phải luôn đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu.
“Đặc biệt, phải luôn nỗ lực trong việc sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng thực sự tốt, thực sự chất lượng khi đưa đến tay người tiêu dùng. Không chỉ thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng cần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, có như vậy mới thành công và phát triển bền vững”, ông Quyền nói.
Còn theo ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn phát triển và thương mại Phúc Lâm, trong một xã hội văn minh thì bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm phải có của bất kỳ doanh nghiệp nào.
Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng phải được biểu hiện trên các phương diện, đó là, đảm bảo phẩm cấp, chất lượng của sản phẩm, dịch vụ khi đưa ra thị trường; Minh bạch hóa thông tin, giúp người tiêu dùng phân biệt, lựa chọn đúng sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu của họ.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải có trách nhiệm định hướng để người tiêu dùng sử dụng hiệu quả sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp; Cảnh báo cho khách hàng biết về những sản phẩm không đạt yêu cầu về độ an toàn hay không đảm bảo vệ sinh thực phẩm đang hiện hữu trên thị trường.
Dưới góc độ của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch hội cho biết, bình quân mỗi năm, Hội tiếp nhận và tư vấn giải quyết từ 1.000-2.000 vụ khiếu nại của người tiêu dùng. Nội dung khiếu nại rất phong phú, từ mua bán hàng hóa đến sử dụng dịch vụ.
Ông Hùng phân tích, một doanh nghiệp hoạt động chịu sự điều chỉnh của rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Cụ thể, về hàng hóa, muốn đảm bảo chất lượng thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các quy định của luật sản xuất hàng hóa, chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn thực phẩm theo luật thực phẩm…
Doanh nghiệp phải có nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ghi rất rõ, người tiêu dùng có những quyền nhất định, đó là quyền được đảm bảo tính mạng, an toàn sức khỏe, tài sản, được cung cấp thông tin chính xác đầy đủ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và những thông tin khác liên quan đến hàng hóa dịch vụ.
Với góc nhìn nhận của một luật sư, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cho biết, nhà sản xuất phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng trong trường hợp sản phẩm bị “khuyết tật” hoặc không đảm bảo mức độ an toàn cho người tiêu dùng.
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Nhà nước cần sử dụng nhiều biện pháp, đặt ra nhiều loại chế tài như chế tài hành chính, phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, chế tài dân sự và cả chế tài nghiêm khắc nhất là chế tài hình sự (tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà bị áp dụng loại, mức hình phạt cụ thể, cao nhất là tử hình).
Theo Luật sư Hà, hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính các hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng được quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ – CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP).
Cụ thể, trường hợp doanh nghiệp có hành vi không thực hiện chuẩn các chế độ bảo dưỡng, bảo hành sản phẩm thì sẽ bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 10.000.000-20.000.000 đồng đối với thương nhân không cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa theo quy định; Không cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa theo quy định; Không cung cấp hướng dẫn sử dụng hoặc không cung cấp thông tin về điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành theo quy định…
“Luật pháp của Việt Nam rất nghiêm minh và luôn hướng tới bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Thế nhưng bên cạnh trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của doanh nghiệp thì người tiêu dùng cũng cần biết tự bảo vệ mình; cần thông thái khi lựa chọn sản phẩm, cần có các kiến thức, thông tin nhất định về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường về sản phẩm, doanh nghiệp thì cần báo với cơ quan có liên quan để giải quyết kịp thời”, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho hay./.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung-de-doanh-nghiep-phat-trien-ben-vung-886233.vov