Trong bài viết “Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình” của tác giả Ngọc Bảo được đăng tải trên báo An Ninh Thủ Đô có ý kiến đóng góp của Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, luật sư thành viên Công ty luật S&B (S&B Law). Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này:
Theo luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội, việc áp dụng các biện pháp xử lý cứng rắn của Chính phủ ở Singapore đối với hành vi xả rác bừa bãi là gợi ý quan trọng trong quản lý môi trường ở Việt Nam. Hiện nay, chỉ cần bước ra khỏi nhà, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy rác hiện diện ở khắp mọi nơi. Nhiều người vô tư vứt rác bừa bãi (cả công khai lẫn lén lút) bất kể địa điểm, thậm chí cả ở nơi có biển “cấm đổ rác”… Tệ hại hơn họ còn coi đó là điều bình thường, không hề cảm thấy xấu hổ. Ngoài ý thức người dân còn kém, địa phương không đủ lực lượng, không bắt được quả tang, phạt không xuể… thì ai là người xử phạt và phát hiện lại bị bỏ lửng trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Nổi tiếng nghiêm khắc về mặt thi hành pháp luật, Singapore đã áp dụng một cách cứng rắn các hình phạt để giữ gìn trật tự kỷ cương của đất nước. Người xả rác bừa bãi lần đầu tiên sẽ bị phạt tối đa là 1.000 đôla Singapore, tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2.000 – 5.000 đôla và phải lao động công ích. Trong khoảng vài giờ, người bị phạt trong bộ quần áo sáng màu đặc trưng sẽ phải làm sạch nơi công cộng, ví dụ nhặt rác tại công viên, đôi khi phương tiện truyền thông địa phương được mời đến để ghi lại sự kiện. Nhà chức trách muốn thông qua cảm giác bị xấu hổ trước công chúng để nhắc nhở mọi người dân không xả rác bừa bãi. Tác dụng tích cực của động thái trên chính là đường phố Singapore vô cùng sạch sẽ, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được nâng cao.
Còn ở Việt Nam thì sao? Khẩu hiệu giữ gìn đường phố xanh – sạch – đẹp là một tiêu chuẩn không thể thiếu đối với một thành phố văn minh, sạch đẹp. Tuy nhiên, bên cạnh những người có ý thức trong việc bảo vệ môi trường thì vẫn còn không ít người vô ý thức xả rác bừa bãi, vô tư vứt rác xuống các kênh, hồ, thậm chí, sau mỗi sự kiện lớn được tổ chức, trên đường phố lại ngập ngụa rác. Những hành vi này không chỉ gây hại cho môi trường sống mà còn ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, tạo ra những hình ảnh phản cảm trong con mắt của khách du lịch nước ngoài khi đến Việt Nam.
Luật sư Hòa cho rằng, mặc dù Nghị định số 73/2010 của Chính phủ có quy định mức phạt từ 100.000 – 300.000 đồng đối với hành vi xả rác nơi công cộng. Tuy nhiên, mức xử phạt này vẫn còn quá nhẹ, nên chưa đủ sức răn đe đối với người có hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng. Mới đây Bộ TN-MT đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo nghị định xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó mức xử phạt đối với hành vi xả rác thải ra môi trường sẽ tăng gấp nhiều lần. Trong dự thảo quy định, các hành vi xả rác như bỏ mẩu thuốc lá, rác… hoặc vệ sinh cá nhân không đúng quy định tại khu đô thị, khu chung cư, trung tâm thương mại, nơi công cộng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 50.000 – 200.000 đồng. Bỏ rác sinh hoạt không đúng nơi quy định tại các khu vực trên sẽ bị phạt 200.000 – 500.000 đồng, bỏ rác sinh hoạt trên đường phố hoặc hệ thống thoát nước đô thị sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Do đó, để người dân chấp hành pháp luật và để xử phạt hành vi này một cách nghiêm minh, ngoài việc xây dựng và nâng cao trình độ, công tác chuyên môn đối với đội ngũ cán bộ xử phạt thì việc hoàn thiện về quy định đối tượng được phép xử phạt hành vi vi phạm môi trường là điều rất cần thiết.
Cộng đồng sẽ là nhân tố quan trọng nâng cao ý thức bảo vệ từng con đường, giữ gìn từng mảng xanh hiện diện xung quanh chúng ta. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường cần giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho chính con em mình. Đây cũng là nhân tố giúp thay đổi nhận thức trong cộng đồng, để mỗi người hiểu rằng “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chính mình”.