Bảo hộ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ

Nội dung bài viết

Kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới – WTO (7.11.2006), chúng ta đã hoàn toàn hội nhập với nền kinh tế quốc tế, và cũng kể từ thời điểm này, sự cạnh tranh trên thị trường của các thành phần kinh tế ngày càng gay gắt, khốc liệt. Vì vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam là một nội dung mà Đảng, Nhà nước và các doanh nghiệp đang rất quan tâm.

 

Có nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp như đổi mới cơ cấu tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống thông tin, tăng cường công tác nghiên cứu thị trường…, và xây dựng và phát triển hệ thống Sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Trong đó xây dựng và phát triển hệ thống Sở hữu trí tuệ nhằm khai thác có hiệu quả các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp là một trong những công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Sở hữu trí tuệ là cái vô hình khi mới được tạo ra nhưng trở nên có giá trị dưới dạng sản phẩm hữu hình. Chính vì giá trị có thực của các đối tượng sở hữu trí tuệ, bao gồm: tác phẩm văn học nghệ thuật, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu giống cây trồng mà nó được gọi là “tài sản” Tuy nhiên, quyền hợp pháp đối với các đối tượng này không tự động phát sinh mà quyền chỉ được xác lập theo những trình tự thủ tục nhất định hoặc khi thoả mãn những điều kiện nhất định

Tài sản trí tuệ, một loại tài sản vô hình, đang dần dần khẳng định vai trò là thước đo khả năng tồn tại và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Ở một nước phát triển hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ, vào năm 1982 khoảng 62% tài sản của doanh nghiệp là tài sản hữu hình (tài sản vô hình chỉ chiếm 38%) nhưng đến năm 2000 thì tài sản hữu hình chỉ còn chiếm 30% tổng tài sản của doanh nghiệp, 70% còn lại là tài sản vô hình. Tại các nước phát triển khác như Anh, Nhật Bản… cũng có những nghiên cứu, khảo sát tương tự và kết quả đều cho thấy tài sản vô hình chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng lượng tài sản của doanh nghiệp, tỷ lệ đó ngày một lớn hơn nữa Trong khối tài sản vô hình thì Sở hữu trí tuệ là một bộ phận quan trọng nhất, chính vì vậy, Tổng giám đốc tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WPO) – Kamil Idris – đã khẳng định: Sở hữu trí tuệ là một “công cụ đắc lực” để phát triển kinh tế”.

Tuy là một công cụ đắc lực nhưng thực tế Sở hữu trí tuệ chưa được các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng một cách hiệu quả để phát huy tối ưu những lợi ích mà nó mang lại. Kết quả điều tra của Cục xúc tiến thương mại – Bộ Thương mại cho thấy, một số doanh nghiệp đã quan tâm đến việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu, tuy nhiên mới chỉ có 4,2% doanh nghiệp cho rằng thương hiệu là vũ khí trong cạnh tranh, 5,4% cho rằng thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp, còn 30% cho rằng thương hiệu sẽ giúp bán được hàng với giá cao hơn và đem lại tự hào cho người tiêu dùng. Trong khi đó có đến 90% người tiêu dùng lại cho rằng thương hiệu là yếu tố quyết định khi họ lựa chọn mua sắm. Mặc dù vậy, việc đầu tư cho thương hiệu của doanh nghiệp còn quá ít, có 80% doanh nghiệp chưa có bộ phận chức năng lo quản lý nhãn hiệu, 74% doanh nghiệp đầu tư dưới 5% doanh thu cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu, 20% không hề chi cho việc xây dựng thương hiệu.

Chưa sử dụng tốt công cụ Sở hữu trí tuệ không chỉ kìm hãm sự phát triển của chính mình mà một khi chúng ta là thành viên của WTO, có nghĩa là chúng ta thực sự tham gia vào “sân chơi” mang quy mô toàn cầu, Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng phải tuân thủ “luật chơi” chung, trong đó có luật chơi về Sở hữu trí tuệ, một nội dung cực kỳ quan trọng mà trong các cuộc đàm phán ký kết Hiệp định thương mại song phương và đàm phán để gia nhập WTO đều được bàn thảo rất căng thẳng và kỹ càng. Vậy là, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng công cụ sở hữu trí tuệ thì không những không thể khai thác tính “đắc lực” của nó mà chúng ta có nguy cơ bị loại khỏi “cuộc chơi” vì vi phạm “luật chơi”. Trước tiên, các doanh nghiệp cần phải đánh giá đúng mức và tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp bằng những giải pháp tốt nhất.

Tham luận này tập trung bàn luận đến Sở hữu công nghiệp, là lĩnh vực gắn liền với nhiều hoạt động của doanh nghiệp hơn cả so với các lĩnh vực Sở hữu trí tuệ khác là Quyền tác giả-quyền liên quan và Giống cây trồng. Đối tượng của quyền Sở hữu công nghiệp bao gồm Sáng chế, Kiểu dáng công nghiệp, Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Nhãn hiệu, Chỉ dẫn địa lý, Tên thương mại và Bí mật kinh doanh.

Sáng chế, Kiểu dáng công nghiệp, Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Nhãn hiệu, Chỉ dẫn địa lý là các đối tượng được xác lập quyền trên cở sở văn bằng bảo hộ. Có nghĩa là để xác lập quyền đối với các đối tượng này, doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp văn bằng bảo hộ. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở đây là Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Doanh nghiệp cần tư vấn, hỗ trợ về đăng ký xác lập quyền đối với các đối tượng trên có thể liên lạc với Cục Sở hữu trí tuệ hoặc các Văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ tại Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng hoặc thuê dịch vụ của các tổ chức đại diện Sở hữu công nghiệp.

Quyền đối với Tên thương mại và Bí mật kinh doanh được xác lập khi các đối tượng này thỏa mãn những điều kiện luật định.

Xác lập được quyền Sở hữu công nghiệp là doanh nghiệp đã nắm được “công cụ” trong tay, nhưng doanh nghiệp cần lưu ý rằng phải tiến hành các thủ tục xác lập quyền kịp thời để tránh tình trạng đối tượng bảo hộ không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ do mất tính mới (Sáng chế, Kiểu dáng công nghiệp) hoặc bị người khác tiến hành thủ tục xác lập quyền trước. Như vậy, xác lập quyền là khâu tiên quyết mà doanh nghiệp phải thực hiện kịp thời để bảo vệ quyền lợi của mình.

Trong trường hợp doanh nghiệp không tự đầu tư, nghiên cứu để tạo ra các đối tượng Sở hữu công nghiệp nhưng lại có nhu cầu sử dụng thì cũng có thể mua quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng các đối tượng Sở hữu công nghiệp của người khác. Trước khi mua, doanh nghiệp cần phải xem xét kỹ càng xem đối tượng đó có thực sự đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của mình không? Quyền sở hữu đối với đối tượng đang xem xét đã được xác lập tại Việt Nam hay chưa? Còn trong thời hạn bảo hộ hay không? Thời hạn bảo hộ còn lại là bao lâu?… Việc xem xét các vấn đề này giúp cho doanh nghiệp không mua nhầm các đối tượng không cần thiết, không được bảo hộ hoặc đã hết thời hạn bảo hộ, tránh lãng phí một cách vô ích.

Sau khi đã nắm được “công cụ”, doanh nghiệp phải khai thác hiệu quả quyền của mình. Khai thác quyền Sở hữu công nghiệp bao gồm việc trực tiếp sử dụng đối tượng Sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu của mình vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc gián tiếp khai thác thông qua hoạt động chuyển giao quyền sử dụng quyền Sở hữu công nghiệp hoặc áp dụng song song cả hai hình thức khai thác trực tiếp và gián tiếp này. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể khai thác quyền của mình một lần duy nhất bằng cách chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu đối với đối tượng Sở hữu công nghiệp cho người khác. Một ví dụ về khai thác quyền Sở hữu công nghiệp có hiệu quả cao là công ty IBM, doanh thu từ việc bán bản quyền patent (sáng chế) lên đến khoảng 1,5 tỷ USD vào năm 1999 (so với 500 triệu USD năm 1994), mức doanh thu này đứng hàng thứ năm trong các nguồn doanh thu của công ty máy tính khổng lồ IBM. Hay Microsoft đã đề nghị Yahoo thương thảo chính thức về vụ sáp nhập, trong đó giá trị tài sản của nhãn hiệu “Yahoo” có thể đạt đến 50 tỉ USD…

Cần lưu ý rằng quyền Sở hữu công nghiệp bị giới hạn về không gian (chỉ được bảo hộ tại quốc gia nào được cấp bằng độc quyền hoặc được công nhận bảo hộ) và thời gian (chỉ được bảo hộ trong khoảng thời gian nhất định theo quy định của từng quốc gia). Vì vậy, doanh nghiệp cần phải xác định mình cần độc quyền tại những lãnh thổ, quốc gia nào để tiến hành xác lập quyền tại đó, tránh tình trạng để mất quyền tại thị trường nước ngoài. Thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa ý thức được hoặc còn xem nhẹ vai trò việc bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp của mình ở nước ngoài nên đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp bị mất tài sản trí tuệ của mình trên thị trường thế giới như nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên, thuốc lá Vinataba… Mặc dù chỉ được bảo hộ trong một khoảng thời gian nhất định, việc khai thác tốt các đối tượng Sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ là một tài sản rất giá trị và là một động lực quan trọng cho đổi mới và tiến bộ công nghệ – do khả năng tạo ra và duy trì sự độc quyền khai thác thương mại trên thị trường. Vì vậy trong suốt thời hạn bảo hộ của đối tượng Sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp phải khai thác triệt để đối tượng, đồng thời lưu ý duy trì/ gia hạn hiệu lực đúng thời hạn để tránh mất hiệu lực bảo hộ khi chưa hết thời hạn bảo hộ.

Song song với việc khai thác hiệu quả đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc quyền sở hữu của mình, doanh nghiệp còn phải có biện pháp bảo vệ tài sản này. Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp là bảo vệ một loại tài sản vô hình, vì vậy việc bảo vệ cũng có những đặc thù riêng, khác biệt so với việc bảo vệ những tài sản hữu hình thông thường khác Tuy nhiên, cần nhớ rằng, doanh nghiệp chính là người có quyền và nghĩa vụ “tự bảo vệ” quyền sở hữu công nghiệp của mình, quyền tự bảo vệ bao gồm: thực hiện bằng các biện pháp công nghệ để ngăn chắn hành vi xâm phạm quyền; yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâp phạm quyền; khởi kiện ra toà án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Điều đó có nghĩa rằng doanh nghiệp phải chủ động bảo vệ quyền Sở hữu công nghiệp của mình, không thể ỷ lại hoàn toàn vào các cơ quan có chức năng xử lý xâm phạm và xét xử về Sở hữu trí tuệ mà phải xem các cơ quan này như là những người giữ vai trò hỗ trợ cho việc xử lý xâm phạm quyền.

Khi các quyền SHTT được khai thác và bảo vệ có hiệu quả sẽ tạo ra cho chủ sở hữu rất nhiều lợi thế:

– Tăng thu nhập và khả năng sinh lợi do gia tăng lượng bán sản phẩm

– Tăng cường sự chung thuỷ của khách hàng

– Hỗ trợ sự thích ứng với áp lực cạnh tranh

– Mở rộng và duy trì thị phần

– Giúp đưa dòng sản phẩm mới ra thị trường

– Tăng thêm lợi nhuận qua chương trình li-xăng

– Đảm bảo quan hệ đối tác chiến lược và liên minh marketing

– Chứng minh giá trị của doanh nghiệp trong giao dịch tài chính

Xác lập và bảo vệ quyền Sở hữu công nghiệp nói riêng, quyền Sở hữu trí tuệ nói chung là doanh nghiệp đã tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trong môi trường hội nhập, khai thác tốt quyền Sở hữu trí tuệ chính là việc phát huy hiệu quả công cụ Sở hữu trí tuệ để biến tài sản vô hình thành những giá trị hữu hình. Thế nhưng, để không bị coi là vi phạm “luật chơi” thì doanh nghiệp còn cần phải biết tôn trọng quyền Sở hữu trí tuệ của người khác. Từ trước đến nay, ý thức tôn trọng quyền Sở hữu trí tuệ của người khác ở Việt Nam chưa cao, không chỉ các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh mà ngay cả người tiêu dùng cũng chưa có thói quen tẩy chay hàng hóa xâm phạm quyền. Nếu chúng ta không nâng cao ý thức tôn trọng quyền Sở hữu trí tuệ của người khác thì sẽ không tạo được một môi trường cạnh tranh lành mạnh, vì thế mà sẽ không thu hút đầu tư của nước ngoài, và như vậy là chúng ta tự cô lập mình trong môi trường hội nhập toàn cầu ngày nay. Như vậy, vấn đề mấu chốt mà các doanh nghiệp cần quan tâm là nắm rõ qui định pháp luật có liên quan đến sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước để không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác và không để người khác vi phạm sở hữu trí tuệ của mình.

Như chúng ta đã xác định ở trên, Sở hữu trí tuệ là một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế, doanh nghiệp sử dụng tốt công cụ này thì sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Có thể tóm tắt những giải pháp cơ bản nhất để sử dụng một cách có hiệu quả công cụ Sở hữu trí tuệ, đó là:

– Xác lập quyền Sở hữu trí tuệ kịp thời;

– Khai thác quyền Sở hữu trí tuệ hiệu quả;

– Chủ động bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ của mình;

– Tôn trọng quyền Sở hữu trí tuệ của người khác

– Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh bằng công cụ Sở hữu trí tuệ, nhà nước có vai trò là “người”:

– Tạo môi trường pháp lý đầy đủ;

– Xây dựng hệ thống quản lý và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ có hiệu quả;

– Cung cấp rộng rãi thông tin cần thiết về Sở hữu trí tuệ;

– Giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức về Sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp và công chúng

Cuối cùng, để kết thúc bài tham luận này, chúng tôi xin nêu một nhận định khác của ông Kamil Idris như sau: “Trong kỷ nguyên của sự phụ thuộc lẫn nhau trên quy mô toàn cầu”, “Nó (Sở hữu trí tuệ) hứa hẹn mang lại khả năng tăng trưởng và phát triển kinh tế không phải dưới dạng một “trò chơi bằng không”, trong đó nếu có một người nào đó thắng thì những người khác sẽ thua. Trái lại, sự chấp nhận và khai thác công cụ Sở hữu trí tuệ ở quy mô quốc tế có nghĩa là sẽ có thêm nhiều sự đổi mới, và do đó có thêm nhiều sự thay đổi mang tính sáng tạo cũng như sự tăng trưởng về văn hoá và kinh tế”.

sblaw.vn(Theo CBA Mekong)

 

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan