Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản vô hình

Nội dung bài viết

(S&B Law). Nền kinh tế tri thức phát triển kéo theo một thực tế là các doanh nghiệp đang phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng sản phẩm cũng như giá cả, tính sáng tạo của các sản phẩm.

Sự xuất hiện tràn lan của các sản phẩm tương tự hoặc gây nhầm lẫn trên thị trường với chất lượng kém đã và đang gây ảnh hưởng rất lớn tới uy tín cũng như doanh thu của các doanh nghiệp. Chính bởi vậy, việc sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ để bảo vệ sản phẩm sáng tạo, sáng chế là vấn đề tất yếu được đặt ra cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế mở hiện nay.

Trước đây, hầu hết các doanh nghiệp tập trung vào đầu tư cho các tài sản hữu hình như nhà máy, máy móc, tài chính, cơ sở hạ tầng… và xem đó như yếu tố tiên quyết trong việc tạo dựng thành công cho doanh nghiệp.Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp đã thay đổi nhận thức về yếu tố quyết định sức mạnh của doanh nghiệp trên thương trường.

Việc bảo vệ tài sản vô hình của doanh nghiệp từ các bí quyết kỹ thuật đến các ý tưởng, chiến lược kinh doanh, các nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế cũng như các kết quả vô hình khác được tạo ra bởi sự sáng tạo, đổi mới của doanh nghiệp trên thực tế đã đem lại giá trị cao gấp nhiều lần cho các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đầu tư rất lớn cho bảo hộ thương hiệu của mình bằng việc đầu tư sáng tạo các nhãn hiệu độc đáo, các sáng chế, giải pháp hữu ích mới mẻ và sau đó thuê gia công để sản xuất sản phẩm và bán chính sản phẩm của họ. Việc làm này đã giúp các doanh nghiệp giảm đáng kế chi phí đầu tư cho hệ thống máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đạo cũng như nhân công để chế tạo sản phẩm.

Có thể thấy rõ điều này khi tìm hiểu Apple – một trong những công ty nổi tiếng nhất và có doanh thu cao nhất trong thập kỷ vừa qua. Apple được đánh giá là công ty đứng đầu về công nghệ khi liên tục sáng tạo để ra mắt thị trường các sản phẩm công nghệ tân tiến, thu hút người tiêu dùng về các tiện ích của nó. Tuy nhiên, các sản phẩm của hãng này lại chủ yếu được sản xuất tại các quốc gia khác trên thế giới như Trung Quốc, Singapo…Lý giải về vấn đề này các nhà lãnh đạo của Apple cho rằng đây là một chính sách vô cùng hiệu quả khi Apple giảm tải được bài toán chi phí sản xuất bởi các doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm cho Apple, đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc có nguồn nhân lực rẻ hơn nhân công ở Mỹ, dây chuyền sản xuất hiện đại có thể đáp ứng cho việc sản xuất của Apple ngay cả khi chỉ có 8 tiếng để lắp màn hình Apple thay đổi cho sản phẩm mới; đồng thời, Apple có thể đầu tư tập trung hơn vào việc sáng tạo mẫu mã, bảo hộ thương hiệu cho doanh nghiệp. Và thực tế, Apple đã thành công khi trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng yêu công nghệ.

Pháp luật sở hữu trí tuệ được ban hành nhằm bảo vệ quyền của doanh nghiệp đối với tài sản vô hình. Việc bảo hộ pháp lý tài sản vô hình thông qua hệ thống sở hữu trí tuệ đã mang lại cho chủ sở hữu độc quyền sử dụng những tài sản đó trong kinh doanh, biến tài sản vô hình thành quyền sở hữu độc quyền trong một thời hạn nhất định theo quy định của pháp luật. Ví dụ như sáng chế là 20 năm, kiểu dáng công nghiệp là 15 năm…Hay nói cách khác, bảo hộ sở hữu trí tuệ đã khiến tài sản vô hình trở nên “hữu hình” hơn bằng cách biến chúng thành những tài sản độc quyền.

Hy vọng, trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ hiểu hơn và đầu tư nhiều hơn vào việc sáng tạo ra những tài sản vô hình có giá trị cao.

Nguyễn Thị Thủy Chung, chuyên viên tư vấn S&B Law

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan