Bảo hộ bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet

Nội dung bài viết

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, truyền thông và Internet, một vấn đề đặt ra là việc bảo vệ bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ thế nào cho hiệu quả trong môi trường số.

Tại Việt Nam, chúng ta đã có hành lang pháp lý đầy đủ để bảo vệ bản quyền, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, cùng với việc phát triển quá nhanh của Internet, các quy định của luật sở hữu trí tuệ hiện nay còn chưa quy định đầy đủ và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền.
Chính vì thế, ngày 19 tháng 06 năm 2012, Bộ Thông tin truyền thông cùng Bộ Văn hóa thể thao du lịch đã ban hành Thông tư liên tịch số 07/2012 quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông.
Theo quy định của Thông tư này, các vấn đề về bảo hộ quyền được quy định như sau:

  1. Về dịch vụ trung gian:

Dịch vụ trung gian bao gồm: dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, dịch vụ tìm kiếm thông tin số, dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số bao gồm cả dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ trang thông tin điện tử.

  1. Về các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung:

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet;

Doanh nghiệp viễn thông;

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số bao gồm cả dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ trang thông tin điện tử

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến;

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin số.

  1. Về nội dung thông tin số:

bao gồm tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được số hóa và được xử lý, lưu trữ, trao đổi, truyền đưa, cung cấp trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông.

  1. Về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp:
    1. Quyền của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian

Thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát, xử lý các thông tin được đưa vào, lưu trữ, truyền đi trên mạng Internet, mạng viễn thông nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Đơn phương từ chối cung cấp dịch vụ trái với quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

    1. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian

Lưu trữ nội dung thông tin số trong hệ thống cung cấp dịch vụ của mình chỉ mang tính chất trung chuyển, tạm thời, tự động, có thời hạn, đủ để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của việc truyền tải nội dung thông tin số.

Chấp hành công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định về quyền tác giả, quyền liên quan.

Gỡ bỏ và xoá nội dung thông tin số vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, cắt, ngừng và tạm ngừng đường truyền Internet, đường truyền viễn thông khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

Cung cấp các thông tin về khách hàng thuê chỗ lưu trữ nội dung thông tin số, trang thông tin điện tử và khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian khác theo yêu cầu của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

Chịu trách nhiệm trực tiếp bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan trong các trường hợp sau:

a) Là nguồn khởi đầu đăng tải, truyền đưa hoặc cung cấp nội dung thông tin số qua mạng viễn thông và Internet mà không được phép của chủ thể quyền;

b) Sửa chữa, cắt xén, sao chép nội dung thông tin số dưới bất kỳ hình thức nào mà không được phép của chủ thể quyền;

c) Cố tình huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu hoá các biện pháp kỹ thuật do chủ thể quyền thực hiện để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan;

d) Hoạt động như nguồn phân phối thứ cấp các nội dung thông tin số do vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan mà có.

Ngoài việc thực hiện các quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến còn phải thực hiện các trách nhiệm sau:

        • Yêu cầu người sử dụng dịch vụ cam kết thực hiện trách nhiệm bảo đảm sử dụng hợp pháp nội dung thông tin số đưa lên đăng tải trên hệ thống mạng Internet và mạng viễn thông;
        • Cảnh báo trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự, khả năng bị xử phạt vi phạm hành chính, bị truy tố trách nhiệm hình sự đối với cá nhân người sử dụng mạng xã hội trực tuyến có hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 6 tháng 8 năm 2012. Hy vọng, với sự ra đời của Thông tư này, tạo một hành lang pháp lý cho hoạt động của các doanh nghiệp cung câp dịch vụ trung gian trên Internet và mạng viễn thông.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Công ty Luật S&B Law

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan