Bảo hiểm xã hội – Nỗi lo của doanh nghiệp hậu COVID – 19

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law) đã những chia sẻ về vấn đề bảo hiểm xã hội thời Covid 19 trên kênh truyền hình VITV.

1. Đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội chia sẻ thông tin về “sức khỏe” của doanh nghiệp cũng như người lao động trong thời gian qua?

Trả lời:

Thời gian qua là một thời gian vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp và người lao động. Dịch bệnh cũng như các chính sách giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động cũng như doanh số của các doanh nghiệp. Nhiều công ty bị thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh và bị đứt gãy một số chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm; thậm chí con số doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản hay tuyên bố phá sản còn gia tăng mạnh khi mà có quá nhiều các khoản chi phí phát sinh như tiền thuê mặt bằng, lãi ngân hàng, tiền trả nhân công mà không có khoản lợi nhuận nào bù đắp khiến cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể đứng vững được trên thương trường. Mà việc thu hẹp các hoạt động sản xuất đồng thời khó khăn về tài chính mà nhiều người lao động cũng bị ảnh hưởng về tiền lương thậm chí mất việc.

2. Trong tình hình dịch như thế này, bộ lao động thương binh và xã hội đã chủ động triển khai hướng dẫn tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, đặc biệt bảo hiểm hưu trí, tử tuất cho những doanh nghiệp có trên 50% người lao động bị ảnh hưởng do tác động của dịch COVID-19. Doanh nghiệp/ Đại diện VCCI đánh giá như thế nào về vấn đề này? Phía luật sư ông nhận định gì về quy định này?

Trả lời:

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ thực hiện các biện pháp hỗ trợ, trong đó có việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp.

Cụ thể, ngày 09/3/2020, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 797/LĐTBXH-BHXH hướng dẫn việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Tiếp đó, ngày 17/3/2020,BHXH Việt Nam cũng đã ban hành Công văn số 860/BHXH-BT hướng dẫn BHXH các địa phương thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH tỉnh, thành phố phối hợp các cơ quan chính quyền địa phương rà soát, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật BHXH năm 2014; các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ và Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chính sách này thể hiện sự quan tâm, chia sẻ kịp thời của nhà nước trong thời điểm khó khăn này.

3. Phía doanh nghiệp đã nhận được những hỗ trợ gì từ chính sách này chưa? Chia sẻ của doanh nghiệp cũng như đại diện VCCI về vấn đề này.

Trả lời:

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin, tính đến 20/05/2020, đã có 1.010 đơn vị sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với gần 94.100 lao động. Số tiền giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất lên tới hơn 360 tỷ đồng.

Như vậy, việc Chính phủ có các quy định hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể là tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất, đã giúp các doanh nghiệp giảm một phần gánh nặng trong chi phí để hồi phục sản xuất trong tình hình dịch bệnh.

4. Phía Đại diện VCCI/ luật sư, ông/bà có ý kiến gì về những hỗ trợ về Bảo hiểm xã hội liên quan đến doanh nghiệp cũng như người lao động thời gian qua.

Trả lời:

Trước tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, ngày 04/3/2020, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Theo đó, tại Công văn 860/BHXH-BT đã triển khai thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg nêu rõ việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Có thể thấy các chính sách hỗ trợ về Bảo hiểm xã hội liên quan đến doanh nghiệp cũng như người lao động thời gian qua thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ của nhà nước đến các doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế khó khăn vì dịch Covid - 19.

Công văn số 1511/LĐTBXH-BHXH ngày 04/5/2020 có quy định về các trường hợp và điều kiện để doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất như sau:

Thứ nhất, Người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế;
  2. b) Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.

Thứ hai, điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

Người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp trên, được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi có một trong các điều kiện sau:

  1. a) Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên;
  2. b) Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất);
  3. c) Đã đóng đủ bảo hiểm xã hội đến hết tháng 01 năm 2020 và bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên tại thời điểm có văn bản đề nghị so với thời điểm tháng 01 năm 2020. Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tính giảm bao gồm:

- Số lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật trừ đi số lao động mới giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 02 năm 2020 đến ngày người sử dụng lao động có văn bản đề nghị;

- Số lao động đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động mà thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng;

- Số lao động đang nghỉ việc không hưởng tiền lương mà thời gian nghỉ việc không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng;

- Số lao động đang ngừng việc mà thời gian ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.

Số lao động nêu tại điểm này chỉ bao gồm người làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 12 tháng; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Như vậy, không phải tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng chính sách này, muốn được hưởng chính sách này, các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện nêu trên.

5. Hiện tại chúng tôi nhận được phản ánh từ phía doanh nghiệp là: Hiện doanh nghiệp đang rất khó khăn, không biết có duy trì hay phát triển được tiếp không nhưng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đóng Bảo hiểm xã hội tháng 4, 5 và tới đây là 6. Phía doanh nghiệp ông/bà có gặp phải vấn đề này không? Nếu có thì cụ thể như thế nào? Phía VCCI nhận định về vấn đề này như thế nào?

Trả lời:

Đây là khó khăn và băn khoăn chung của rất nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn này. Có doanh nghiệp vẫn đang cố gắng điều chỉnh chiến lược để có thể phát triển sau dịch Covid -19, vì vậy vẫn đang duy trì Hợp đồng lao động với người lao động. Theo đó, tất nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội hội cho người lao động theo quy định của pháp luật.

6. Hiện có khá nhiều doanh nghiệp phản ánh về những chính sách hỗ trợ của Bảo hiểm xã hội liên quan đến người lao động họ không biết cụ thể như thế nào, mỗi lần họ được tư vấn lại một kiểu và người lao động của họ cứ chờ đợi nhưng vẫn không được hỗ trợ, mặc dù trước khi bị ngưng việc phía doanh nghiệp và người lao động đã thực hiện hết trách nhiệm đóng bảo hiểm của mình. Vậy các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội có gặp phải vấn đề này không?

Trả lời:

Hệ thống tổ chức BHXH từng bước được đổi mới, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách BHXH. Tuy nhiên, công tác BHXH trong thực tiễn vẫn còn một số hạn chế, bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, dẫn đến nguy cơ mất ổn định Quỹ BHXH. Thiết nghĩ, cần tăng cường nâng cao năng lực của cán bộ thực hiện BHXH, đặc biệt là kỹ năng tư vấn và các kỹ năng mềm bổ trợ để vừa thực hiện hiệu quả việc giải quyết các chế độ BHXH cho NLĐ vừa tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho NLĐ về quyền, trách nhiệm khi tham gia và hưởng BHXH.

7. Phía Luật sư ông đánh giá về các chính sách hỗ trợ từ phía Bộ lao động thương binh và xã hội ra sao? Theo ông chính phủ cũng như bộ lao động cần điều chỉnh gì trong các chính sách liên quan đến người lao động và doanh nghiệp đối với vấn đề bảo hiểm xã hội hiện nay? Ông có thể nêu them một vài ví dụ về chế độ bảo hiểm xã hội của một số nước trên thế giới?

Trả lời:

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh thời gian vừa qua, các chính sách hỗ trợ từ phía Bộ lao động thương binh và xã hội là rất đáng ghi nhận. Ngay trong thời gian dịch Covid bùng phát, chính phủ đã nỗ lực đưa ra các biện pháp để ngăn ngừa tình hình lây lan, đồng thời nỗ lực tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt thể hiện qua Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đã giúp đỡ người dân những khó khăn trước mắt.

Tuy nhiên, với bối cảnh như hiện nay, chính sách về bảo hiểm xã hội cũng cần được điều chỉnh để tăng cường cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động yếu thế thông qua hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng, giải quyết việc làm và kết nối thông tin thị trường lao động.

Trên thế giới, hệ thống an sinh, BHXH ra đời khá sớm. Ngay từ năm 1850, hệ thống BHXH đầu tiên đã được thiết lập tại nước Phổ (nay là Cộng hòa Liên bang Đức), với sự tham gia của giới thợ trong bảo hiểm ốm đau, sau đó đã thu hút được mọi tầng lớp xã hội và mở rộng ra các trường hợp khác. Việc ban hành Luật Bảo hiểm y tế năm 1883, Luật Bảo hiểm về rủi ro nghề nghiệp năm 1884 do Hiệp hội Giới chủ quản lý, Luật Bảo hiểm tuổi già và bảo hiểm tàn tật năm 1889 do chính quyền các bang quản lý, với hoạt động dựa trên nền tảng của cơ chế đóng góp ba bên (người lao động, giới chủ và nhà nước) đã đánh dấu bước phát triển mới của BHXH.

Ở Anh, hệ thống an sinh xã hội ở Anh bao gồm: bảo hiểm hưu trí; trợ cấp cho cha mẹ và trẻ em; trợ cấp ốm đau và mất sức lao động; bảo hiểm thất nghiệp; trợ cấp cho những người đang tìm kiếm việc làm. Trong khi đó, các chương trình an sinh xã hội Pháp hiện nay bao gồm: BHYT; bảo hiểm hưu trí và trợ cấp tuổi già; bảo hiểm thương tật khi làm việc; bảo hiểm thất nghiệp; Trợ cấp gia đình và mỗi chương trình này đều có luật riêng điều chỉnh.

Như vậy, tuỳ thuộc vào điều kiện, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội cụ thể của mỗi nước mà sẽ có hệ thông an sinh xã hội/các hình thức bảo hiểm khác nhau. Tuy nhiên, xu hướng chung của các quốc gia là ngày càng thực hiện đầy đủ hơn các hình thức bảo hiểm, coi đây là giải pháp bảo đảm tốt hơn quyền lợi, trách nhiệm của người lao động và cũng là chính sách ổn định xã hội.

8. Đề xuất, mong muốn của Hiệp hội/ doanh nghiệp đến chính phủ trong giai đoạn hiện nay là gì ?

Trả lời:

Hiện nay doanh nghiệp có nhu cầu lớn trong việc rà soát các chiến lược kinh doanh trong giai đoạn hiện tại và tiến hành các hoạt động chuyển đổi số cả về vận hành và bán hàng. Về hình thức hỗ trợ, các doanh nghiệp mong muốn được trao đổi và đối thoại với các chuyên gia trong các lĩnh vực của họ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng ưu tiên các hình thức tư vấn, trao đổi trực tiếp nhằm giải quyết cụ thể các vấn đề của doanh nghiệp. Đối vơi các chính sách, việc cho vay vốn lãi suất thấp; kết nối với các nguồn tài chính để có chính sách vay vốn ưu đãi trong các lĩnh vực,…có thể giái quyết khó khăn tài chính tạm thời của doanh nghiệp.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan