Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp về khung pháp lý đối với bảo hiểm TNDS bắt buộc đối với chủ xe cơ giới. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu 1: Theo ông, tại sao người tham gia giao thông nên mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự?
Trả lời:
Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, có hai loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự là bảo hiểm bắt buộc: bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và bảo hiểm hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự được hiểu là loại hình bảo hiểm cho trách nhiệm dân sự của cá nhân hoặc tổ chức đối với bên thứ ba khi xảy ra rủi ro. Trong đó, đối tượng của hợp đồng bảo hiểm sẽ là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm với người thứ ba.
Người tham gia giao thông nên mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bởi lẽ thực trạng xảy ra va chạm, tai nạn giao thông ở nước ta hiện nay diễn ra rất phổ biến với đủ các cấp độ từ nhẹ đến nặng.
Theo số liệu tổng hợp của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 11 tháng qua (từ ngày 15/12/2020 đến 14/11/2021), toàn quốc xảy ra 10.137 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.111 người, bị thương 7.059 người. Riêng tháng 11/2021 (tính từ ngày 15/10/2021 đến ngày 14/11/2021), toàn quốc xảy ra 1.178 vụ tai nạn giao thông, làm chết 559 người và làm bị thương 841 người. Nhất là trong thời điểm những tháng cuối năm là dịp mọi người có xu hướng tổ chức ăn uống liên hoan nhiều hơn và việc lái xe sau khi sử dụng rượu bia vẫn liên tiếp xảy tới do đó tỉ lệ tai nạn vào thời gian này có dấu hiệu tăng.
Việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ là giải pháp tài chính hiệu quả trong trường hợp khi người lái xe gây ra tai nạn dẫn tới thiệt hại về người và tài sản. Khi đó công ty bảo hiểm sẽ thay chúng ta bồi thường cho người bị hại, giúp san sẻ bớt một phần gánh nặng tài chính với mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn (Theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 04/2021/TT-BTC quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2021 của chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới). Trong khi đó, mức phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới phải đóng theo quy định của Thông tư trên không hề cao, chỉ từ 60.000 đồng/1 xe mô tô 2 bánh có dung tích trên 50cc.
Như vậy, có thể thấy việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự là điều cần thiết, nhất là với tình hình giao thông diễn ra vô cùng phức tạp của nước ta. Điều này không chỉ giúp chúng ta giải quyết bớt một phần gánh nặng tài chính khi là bên gây ra tai nạn mà còn giúp bồi thường cho bên bị hại nhằm khắc phục hậu quả kịp thời, tránh để diễn ra kiện cáo gây tổn thất thêm về tinh thần và tài sản.
Câu 2: Thưa ông, Điều 18 của Nghị định 03/2021 của CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đã quy định rõ nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm. Ông có thể phân tích rõ hơn những nghĩa vụ đó được không ạ?
Trả lời:
Hai nghĩa vụ quan trọng mà bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm nên lưu ý và ghi nhớ đó là luôn mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực và phối hợp giải quyết khi xảy ra tai nạn giao thông.
Việc mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm (bản cứng hoặc bản điện tử) còn hiệu lực khi tham gia giao thông là để đáp ứng điều kiện khi tham gia giao thông theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật giao thông đường bộ, theo đó đây là một trong các loại giấy tờ mà người điều khiển phương tiện cần mang theo khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, nghĩa vụ quan trọng nhất đối với bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm đó là phối hợp giải quyết khi xảy ra tai nạn giao thông. Trách nhiệm phối hợp này bao gồm: thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm để phối hợp giải quyết, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn; thông báo ngay cho cơ quan Công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất để phối hợp giải quyết vụ tai nạn giao thông theo quy định và phối hợp với cơ quan chức năng trong việc điều tra, xác minh nguyên nhân vụ tai nạn giao thông (điểm a khoản 5 Điều 18).
Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của bên mua bảo hiểm là một trong những chính sách an sinh xã hội của Nhà nước nhằm bảo vệ nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra đồng thời bảo vệ tài chính cho bên mua bảo hiểm trước những rủi ro bất ngờ, cho nên để phát huy được vai trò của nó, đòi hỏi bên mua bảo hiểm gây tai nạn cần hiểu rõ trách nhiệm của bản thân, nhất là trong việc khắc phục hậu quả mình gây ra.
Khi xảy ra tai nạn, thay vì chối bỏ trách nhiệm, bên mua bảo hiểm là bên gây ra tai nạn thừa nhận lỗi cũng như tích cực tham gia vào việc giúp đỡ phía bị hại cũng như có thái độ hợp tác tốt với phía công ty bảo hiểm và phía Công an, địa phương trong việc xác định nguyên nhân, mức độ thiệt hại có thể làm giảm mức bồi thường mà mình phải gánh chịu cũng như tăng hiệu quả trong việc giải quyết và khắc phục hậu quả từ những vụ việc tai nạn giao thông.
Câu 3: Theo ông, đâu là những điểm mới nổi bật của Nghị định này?
Trả lời:
Nghị định 03/2021/NĐ-CP có một số điểm mới nổi bật so với Nghị định 103/2008/NĐ-CP, theo đó, Nghị định cho thấy sự điều chỉnh kịp thời để phù hợp với xu thế chung.
Đầu tiên, khoản 4 Điều 6 Nghị định 03 quy định: “Trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này”. Như vậy, theo quy định mới, cá nhân mua bảo hiểm bắt buộc có thể được cấp Giấy chứng nhận điện tử và có giá trị tương đương như giấy chứng nhận bản cứng thông thường. Việc cấp giấy chứng nhận điện tử này cho thấy sự linh hoạt, nhanh nhạy bắt kịp xu thế hiện nay, giúp người sử dụng không phải nhồi nhét quá nhiều giấy tờ khi ra đường mà chỉ cần gói gọn trên một chiếc điện thoại, góp phần gia tăng sự thuận tiện.
Ngoài ra, quy định mới tại Điều 15 của Nghị định cũng đã làm đơn giản hoá hồ sơ bồi thường thiệt hại. Nghị định đã cắt giảm một số giấy tờ trong hồ sơ, cụ thể:
- Đối với tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp hiện chỉ cần Giấy chứng nhận thương tích, Hồ sơ bệnh án, Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y đối với trường hợp nạn nhân chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn (bỏ yêu cầu cung cấp giấy ra viện, giấy chứng nhận phẫu thuật so với Nghị định cũ).
- Đối với bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan Công an do doanh nghiệp bảo hiểm thu thập hiện nay chỉ cần Thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông hoặc Thông báo kết luận điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông, thay vì nhiều loại giấy tờ theo quy định cũ bao gồm: Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn; Sơ đồ hiện trường, bản ảnh (nếu có); Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn,…Và theo quy định mới thì bản sao các tài liệu này chỉ cần cung cấp trong trường hợp các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng đặt ra quy định mới đối với nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó phải thiết lập, duy trì hoạt động 24 giờ/7 ngày đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin tai nạn, hướng dẫn, giải đáp cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và các bên có liên quan về các vấn đề liên quan tới bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (khoản 2 Điều 20). Và khi nhận được thông báo về tai nạn, trong vòng 1 giờ doanh nghiệp bảo hiểm phải hướng dẫn bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, chủ xe cơ giới các biện pháp đảm bảo an loàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm; phối hợp chặt chẽ với bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, bên thứ ba và các bên liên quan trong vòng 24 giờ tổ chức thực hiện việc giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm (khoản 4 Điều 20).
Những thay đổi, bổ sung trong Nghị định mới nêu trên rất đáng quan tâm bởi lẽ những vấn đề liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đều mang tính cấp thiết, đòi hỏi việc xử lý nhanh chóng, thuận tiện. Do đó những điểm mới này không chỉ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý, giải quyết hồ sơ bồi thường mà còn góp phần giảm sự lo âu, căng thẳng, trấn an tinh thần cho những người liên quan bao gồm người mua bảo hiểm và người bị hại do tai nạn giao thông.
Câu 4: Việc ban hành Nghị định này sẽ đem lại hiệu quả nào trong việc thực hiện bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe cơ giới?
Trả lời:
Thực tế, quy trình giải quyết và lập hồ sơ bồi thường khi có bảo hiểm thường bị phức tạp hoá cùng các thủ tục nhiêu khê. Điều đó dẫn tới tâm lý chung khiến mọi người có cái nhìn thiếu thiện cảm và cảm thấy mệt mỏi khi phải phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm cũng như các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết vụ việc tai nạn giao thông. Chính vì thế mà bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cho xe cơ giới chưa phát huy được vai trò quan trọng của mình và chưa chiếm được lòng tin, sự tin tưởng của người sử dụng.
Với việc Nghị định 03/2021/NĐ-CP ra đời, hy vọng rằng Nghị định này sẽ khắc phục những vấn đề về thời gian làm việc, tiếp nhận và giải quyết các vụ việc tai nạn giao thông của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như giảm tải các thủ tục, giấy tờ liên quan khi lập hồ sơ bồi thường sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý bồi thường, góp phần bảo đảm quyền lợi của người dân khi tham gia bảo hiểm.
Bên cạnh đó, việc triển khai giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử cũng như tích hợp tính năng tra cứu giấy chứng nhận bảo hiểm trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp bảo hiểm cho phép cơ quan hữu quan và bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm tra cứu, xác minh thời hạn và hiệu lực bảo hiểm của giấy chứng nhận bảo hiểm cũng sẽ làm việc tiếp cận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người dân trở nên dễ dàng, linh hoạt hơn, qua đó góp phần tăng số người đăng ký và sử dụng.