Bảo đảm liêm chính, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã thay mặt nhóm chuyên gia trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu trước lãnh đạo Ban nội chính Trung ương.

Sáng 4/7, Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu so sánh pháp luật về bảo đảm liêm chính, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp tại một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh Châu Âu (EU) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) hỗ trợ.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì hội thảo. Cùng chủ trì Hội thảo có bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn EU  tại Việt Nam.

Về các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan Trung ương có GS TS Nguyễn Minh Đoan, Giảng viên cao cấp trường Đại học Luật Hà Nội; ông Trần Quốc Việt, Tổng biên tập Tạp chí TAND; ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; ông Lê Văn Lân, nguyên Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Công Hồng, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội; Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SB Law; GS TS Nguyễn Công Giao, trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tại Việt Nam, tư pháp và hoạt động tư pháp được xác định là một nhánh quyền lực bên cạnh hoạt động lập pháp và hành pháp, được thực hiện trên nguyên tắc độc lập để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, hệ thống tư pháp công khai, minh bạch là một trong những thành tố cơ bản của việc xây dựng nhà nước pháp quyền, góp phần xây dựng và củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp quốc gia. Yêu cầu việc tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của Nhà nước nói chung và hệ thống tư pháp nói riêng luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam trong nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu khai mạc cho biết liêm chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm soát quyền lực trong tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm và được coi là những giải pháp quan trọng nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, tạo điều kiện cho người dân và cả xã hội tham gia giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước. Thông qua việc công khai, minh bạch và giải trình về tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước, người dân và xã hội chủ động thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời đòi hỏi cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại hội thảo

Trong những năm qua, Việt Nam cũng đã xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm yêu cầu về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, lĩnh vực tư pháp nói riêng, qua đó góp phần từng bước củng cố niềm tin của người dân vào các cơ quan tư pháp và đội ngũ cán bộ tư pháp. Tuy nhiên, trước yêu cầu, đòi hỏi của về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp là cần thiết.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo cho biết việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình cần đi đôi với việc cam kết chia sẻ thông tin, ngăn ngừa các hành vi sai trái. Đây là các nguyên tắc căn bản để xây dựng Nhà nước pháp quyền. Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng trong phòng chống tham nhũng, tăng cường liêm chính tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền. Cụ thể Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã khẳng định định hướng phát triển này. Nghị quyết đã đề ra nhiều biện pháp trong đó có tăng cường công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình. Các tiến bộ, đổi mới có thể nhìn thấy được thông qua việc nhiều văn bản được ban hành, mức độ tuân thủ được nâng cao trong thời gian vừa qua. Bà Ramla Khalidi hi vọng rằng sự đồng hành và hợp tác của UNDP, các công trình nghiên cứu sẽ giúp Ban Nội chính Trung ương thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ của mình.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp có vai trò quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, thúc đẩy xã hội tiến bộ. Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) đã hỗ trợ nhiều cơ quan tư pháp trong việc nâng cao tính liêm chính, tăng cường trách nhiệm giải trình. Đây là một phần quan trọng trong sứ mệnh của Liên minh Châu Âu. Thông qua sự phát triển của Nhà nước pháp quyền sẽ thúc đẩy thực hiện các nguyên tắc cơ bản về quyền con người. Có thể nói trong thời gian qua Việt Nam có nhiều cải cách trong hệ thống tư pháp nhằm đảm bảo sự liêm chính. Ông Giorgio Aliberti cho biết Liên minh Châu Âu có những bộ quy tắc về đạo đức áp dụng chung, trong đó có Thuỵ Điển được nghiên cứu tại báo cáo tại hội thảo. Việc thúc đẩy số hoá và Toà án điện tử sẽ giúp người dân hiểu hơn về quyền con người, tăng cường vai trò phản biện xã hội. Ông Giorgio Aliberti bày tỏ sự tin tưởng rằng việc hợp tác sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai và đóng góp nhiều hơn cho nền Tư pháp tại Việt Nam.

Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SB Law đã trình bày tóm tắt báo cáo “Nghiên cứu so sánh pháp luật về bảo đảm liêm chính, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp tại một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”

Báo cáo nghiên cứu tập trung nghiên cứu pháp luật và thực tiễn tốt của một số quốc gia về thúc đẩy liêm chính tư pháp, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp tại một số quốc gia, đồng thời kết hợp với việc phân tích khung chính sách, pháp luật về thúc đẩy liêm chính tư pháp, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp của Việt Nam nhằm nhận diện những ưu điểm, hạn chế, thách thức trên cơ sở so sánh với các chuẩn mực, khuyến nghị và kinh nghiệm quốc tế. Từ đó, đưa ra các khuyến nghị chính sách về thúc đẩy liêm chính tư pháp, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam.

Tập trung vào 03 nhóm chủ thể chính thực hiện chức năng trong hoạt động tư pháp theo hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam bao gồm Thẩm phán (người xét xử), Kiểm sát viên (bên buộc tội, đại diện lợi ích công), Điều tra viên (người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ điều tra hình sự).

Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SB Law trình bày báo cáo nghiên cứu

Nghiên cứu đã phân tích, đánh giá rõ nét hiện trạng pháp lý công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong hoạt động tố tụng của TAND, cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân và thực tiễn công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực tư pháp tại Việt Nam làm cơ sở cho việc đưa ra những đề xuất phù hợp, bám sát thực tiễn nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm bảo đảm tốt hơn liêm chính tư pháp, thúc đẩy công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực tư pháp tại Việt Nam. Theo đó, Các nước trên thế giới đều có nhận thức về tầm quan trọng của công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp, mặc dù mỗi nước có cách thức và mức độ thực thi khác nhau.

Ông Nguyễn Công Hồng, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tham luận tại hội thảo 

Tại Việt Nam, thực tiễn tại hệ thống Toà án đã có những hoạt động được các chuyên gia, luật gia đánh giá cao, hướng đi, nhận thức đúng đắn, từng bước công khai minh bạch hơn. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, Tòa án bố trí phòng xử án trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và luật sư, người bào chữa khác, khi tham gia phiên tòa, bảo đảm tính công khai của hoạt động xét xử.

Thứ hai, tăng cường tính công khai, minh bạch của hoạt động tư pháp thông qua việc triển khai các biện pháp: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ thông tin; Xây dựng hệ thống Toà án điện tử, công khai bản án bảo đảm hoạt động của Tòa án được công khai, người dân dễ tiếp cận và giám sát.

Thứ ba, TAND các cấp khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương lớn trong hệ thống Tòa án. TANDTC đã xây dựng, ban hành hệ thống văn bản mẫu trong tố tụng, trong đó có mẫu bản án, quyết định; tổ chức hội nghị trực tuyến về tập huấn viết các bản án, quyết định cho toàn bộ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký của các Tòa án.

Bên cạnh đó, thời gian qua, TANDTC ra nhiều giải pháp có tính đột phá để nâng cao kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đã đổi mới việc tiếp nhận và thụ lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, quản lý chặt chẽ số đơn phải giải quyết, đã giải quyết, chưa giải quyết, đánh giá hoạt động xét xử (trong đó có tính công khai, minh bạch) của Tòa án thông qua công tác giám đốc xét xử của Tòa án cấp trên trong những năm qua được quan tâm.

Về công khai bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Sau một thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC, cơ bản các Tòa án đã thực hiện nghiêm túc chủ trương công khai bản án, quyết định trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án.

GS TS Nguyễn Minh Đoan, Giảng viên cao cấp trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Vấn đề công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp đã và đang được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Yêu cầu cấp bách đặt ra trong thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là phải bảo đảm những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền, bảo đảm tinh thần dân chủ, nhân quyền, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong thực thi công vụ, phòng ngừa tham nhũng.

Nhằm thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp, Thuỵ Điển dựa vào sự giám sát của các cơ quan công quyền và trao quyền giám sát cho công chúng, mở cửa với các cơ quan báo chí, bảo đảm hiệu quả của Toà án. Theo đó, Thanh tra Nghị viện sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm rằng những cán bộ hoạt động trong ngành tư pháp sẽ làm việc một cách liêm chính, minh bạch. Các Thanh tra viên của Nghị viện sẽ tiến hành điều tra dựa trên khiếu nại từ công chúng, nhưng họ cũng có thể thực hiện. các cuộc điều tra riêng. Người dân Thụy Điển có quyền tiếp cận với thông tin, tài liệu chính thức của cơ quan nhà nước, có quyền yêu cầu cung cấp hoặc cho xem bất cứ tài liệu nào có trong sơ lưu giữ của cơ quan đó (trừ tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia). Cá nhân bị từ chối hoặc bị giới hạn tiếp cận thông tin có thể khiếu nại lên cấp cao hơn của cơ quan mà người đó yêu cầu cung cấp thông tin. Khiếu nại đối với quyết định của Bộ trưởng có thể gửi cho Chính phủ; khiếu nại với quyết định của cơ quan công quyền khác có thể gửi đến tòa án. Khiếu nại đối với quyết định của các cơ quan thuộc Nghị viện được xử lý theo quy định đặc biệt. Cơ quan Quản lý Tòa án Quốc gia Thụy Điển, là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, chịu trách nhiệm quản tư pháp. Chủ tịch hoặc Chánh án của mỗi tòa án chịu trách nhiệm quản lý tư pháp của tòa án và mỗi tòa án được quyền tự quản tư pháp theo quy chế hành chính và ngân sách do Cơ quan Quản lý Tòa án Quốc gia Thụy Điển quyết định.

Về phân công vụ án, tại một số tòa án, các vụ án không được giao trực tiếp cho Thẩm phán mà được giao cho một bộ phận trong tòa án. Sau đó, Chánh án (hoặc người được phân công làm nhiệm vụ này) sẽ phân công các vụ việc giữa các thẩm phán hoặc giữa các nhân viên ở cấp thấp hơn. Điều này ngăn cản sự tự phân công vụ án và khả năng tham nhũng của cơ quan tư pháp.

Ông Trần Quốc Việt, Tổng biên tập Tạp chí TAND phát biểu tại hội thảo

Còn tại Singapore một trong những phương pháp của Singapore là việc áp dụng chế độ nhân tài Chính sách tuyển dụng yêu cầu ứng viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về sự liêm khiết và hiệu quả công việc. Việc kỷ luật đối với các thẩm phán, Đạo luật Nghề Pháp lý Chuyên nghiệp (2010), hay còn được gọi là Quy tắc Nghề pháp lý (Tòa án Kỷ luật), đưa ra quy trình xử lý kỷ luật đối với các chuyên gia không thuộc ngành tư pháp. Các quy tắc rõ ràng được đưa ra để phù hợp với quyền được điều trần công bằng theo luật pháp quốc tế (ví dụ: Điều 14 và 16 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị). Các quy tắc áp dụng cho Nhân viên Dịch vụ Pháp lý, bao gồm một số thẩm phán (đối với các thẩm phán được bổ nhiệm theo Dịch vụ Pháp lý Singapore). Kết quả xử lý của tòa án kỷ luật ở Singapore được công khai trước công chúng. Bên cạnh đó Chính phủ Singapore tập trung vào đầu tư dài hạn cho tương lai bằng cách giáo dục đạo đức và liêm chính cho trẻ em từ rất sớm.

Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại hội thảo

New Zealand là thành viên của Công ước về chống hối lộ các công chức nước ngoài của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) từ năm 2001. New Zealand cũng đã ký kết Công ước về chống tham nhũng của LHQ năm 2003.

Nước này có hai văn bản điều chỉnh các hành vi liên quan đến các tội tham nhũng, nhận hối lộ, đó là Luật Hình sự năm 1961 và Luật Các khoản hoa hồng bí mật năm 1910.

Luật Các khoản hoa hồng bí mật là một trong hai văn bản điều chỉnh các hành vi liên quan đến các tội tham nhũng ở New Zealand. Luật Hình sự New Zealand xác định rõ các đối tượng có thể là chủ thể của tội tham nhũng, nhận hối lộ, đó là các thẩm phán, nhân viên tòa án, công chứng cho đến các bộ trưởng, đại biểu quốc hội, công an, công chức...

Đặc biệt, New Zealand đang khuyến khích các cơ quan nhà nước đăng tải dữ liệu và thông tin lên mạng Internet để người dân dễ tiếp cận thông tin hơn, điều này cũng mang lại lợi ích đối với cộng đồng và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, các thông tin về bí mật đời tư vẫn được bảo đảm.

GS TS Nguyễn Công Giao, trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Qua nghiên cứu nền tư pháp của Thụy Điển, Singapore, New Zealand và các tài liệu quốc tế khác liên quan đến tư pháp mà nhóm nghiên cứu có được có thể thấy rằng, mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của các nền tư pháp trên thế giới có thể khác nhau theo hình thái tổ chức bộ máy nhà nước, nhưng tất cả đều hướng đến một mục tiêu chung như: Xây dựng cơ chế để hạn chế sự can thiệp từ bên ngoài vào hoạt động điều tra, truy tố và xét xử của cơ quan tư pháp; Bảo đảm quyền giám sát của các cơ quan công quyền, đặc biệt là quyền giám sát của công chúng và các cơ quan báo chí; trong đó, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình là những biện pháp quan trọng nhất; Tăng cường số hóa Tòa án để mở rộng hơn quyền tiếp cận của công chúng; Tuyển chọn kỹ lưỡng; đào tạo, bồi dưỡng công phu; thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và có chế độ đãi ngộ xứng đáng để thẩm phán, kiểm sát viên và điều tra viên làm tốt trọng trách của mình.

Trên cơ sở so sánh với kinh nghiệm của quốc tế và 3 nước được nghiên cứu, có thể thấy rằng, về mặt lý thuyết, pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động tư pháp ở nước ta đã tương đối đầy đủ và tiến bộ. Riêng về trách nhiệm giải trình thì quy định còn ít và thiếu cụ thể. Tuy nhiên, giữa lý thuyết và thực tiễn đang có khoảng cách khá xa nên vẫn còn tồn tại nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Mặc dù, theo số liệu thống kê, số vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp ít hơn so với các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế nhưng tính chất, mức độ và hậu quả của nó lại rất nghiêm trọng. Vì chủ thể của loại tội phạm này là những người được giao nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm nhưng đã có hành vi xâm phạm trực tiếp đến quyền con người, ảnh nưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật.

Nghiên cứu cũng đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung để hoàn thiện bảo đảm liêm chính, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp tại Việt Nam như: huy động các nguồn lực cần và đủ cho các hoạt động của các cơ quan tư pháp. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; Rà soát, sửa đổi bổ sung hoàn thiện các quy định trong quản lý; Xây dựng các quy định cụ thể, tăng cường ứng dụng CNTT; Tăng cường kiểm tra, đánh giá.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan