Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Nghị định 15/2021/NĐ-CP của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nhiều doanh nghiệp hiện quan tâm tới nội dung về thẩm quyền thẩm định Báo cáo NGHIÊN CỨU KHẢ THI đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác, Dự thảo Nghị định hiện nay dự kiến sửa đổi như sau:
a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án nhóm A có công trình cấp I trở lên; dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính từ 02 tỉnh trở lên;
=> Tuy nhiên, các doanh nghiệp kiến nghị nên tăng cường cải cách hành chính, tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh. Họ kiến nghị sửa như sau:
a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với dự án do Quốc hội và dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính từ 02 tỉnh trở lên;
Phỏng vấn luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW về nội dung trên. Chủ tịch Nguyễn Thanh Hà có những ý kiến như sau:
Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Trả lời:
Việc phân cấp thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi từ cơ quan chuyên môn thuộc Bộ cho UBND cấp tỉnh có thể giúp giảm tải công việc cho các cơ quan Trung ương và rút ngắn thời gian thẩm định, thúc đẩy cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và chủ đầu tư. Điều này có thể thúc đẩy đầu tư và phát triển dự án, đặc biệt tại các tỉnh thành có quy trình thẩm định nhanh chóng.
Tuy nhiên, sự phân cấp này cũng đặt ra thách thức lớn về mặt pháp lý, đòi hỏi các địa phương phải có đủ năng lực và trình độ chuyên môn để thực hiện thẩm định một cách minh bạch, đúng quy định pháp luật. Nếu không có cơ chế giám sát hiệu quả từ Trung ương và quy định rõ ràng về trách nhiệm giải trình của UBND cấp tỉnh, có thể dẫn đến rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, như dự án bị đình chỉ hoặc thay đổi do sai sót trong thẩm định. Mặc dù đề xuất sửa đổi này có tiềm năng mang lại lợi ích lớn, tuy nhiên, cũng cần được xem xét, thực hiện một cách thận trọng và có các biện pháp giám sát, kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo sự đồng nhất và minh bạch trong việc áp dụng pháp luật trên toàn quốc.
Hiện nay nhân sự thực hiện của các Bộ thường khá mỏng, ít nhân sự, nhưng hiện nay vẫn phải thẩm định, nghiệm thu nhiều công trình tại địa phương. Vì vậy, có ý kiến kiến nghị Chính phủ sớm xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp cho cơ quan chuyên môn xây dựng tại địa phương kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình cấp I, để tránh công việc nghiệm thu bị ứ đọng, chậm chễ. Ông có ý kiến gì về nội dung này?
Trả lời:
Tình trạng thiếu hụt nhân sự tại các Bộ đã gây áp lực lớn lên công tác thẩm định, nghiệm thu công trình, đặc biệt là đối với các công trình cấp I. Để giải quyết vấn đề này, nhiều ý kiến đã đề xuất phân cấp thẩm quyền nghiệm thu cho các cơ quan chuyên môn xây dựng tại địa phương.
Hiện nay, quá trình triển khai các dự án xây dựng hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề ùn tắc trong công tác thẩm định, nghiệm thu. Tình trạng thiếu hụt nhân sự tại các Bộ, cùng với quy trình thủ tục hành chính còn nhiều bất cập, đã khiến cho thời gian hoàn thành các thủ tục nghiệm thu kéo dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ của nhiều công trình. Theo khảo sát, hiện nay nhiều Bộ, ngành đang phải đối mặt với tình trạng quá tải công việc, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng. Số lượng công trình cần thẩm định, nghiệm thu ngày càng tăng, trong khi đó nguồn nhân lực lại hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc cấp phép xây dựng, gây bức xúc trong doanh nghiệp và người dân.
Để giải quyết tình trạng trên, nhiều chuyên gia đã đề xuất phương án phân cấp thẩm quyền nghiệm thu công trình cấp I cho các cơ quan chuyên môn xây dựng tại địa phương. Theo đó, các địa phương sẽ có quyền quyết định cuối cùng đối với các công trình thuộc thẩm quyền của mình, giảm bớt gánh nặng cho các Bộ, ngành Trung ương. Việc này giúp giảm tải công việc cho các Bộ, ngành Trung ương, giúp tập trung nguồn lực vào các công việc quản lý, điều hành cấp cao hơn. Đồng thời giúp nâng cao hiệu quả quản lý, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cũng như tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý xây dựng.
Tuy nhiên, để thực hiện thành công, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp và đảm bảo nguồn lực cần thiết. Đồng thời, Chính phủ cũng cần thiết lập các quy định chặt chẽ để đảm bảo rằng quá trình nghiệm thu vẫn đảm bảo chất lượng và tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật như tham nhũng, xảy ra tiêu cực trong công tác thẩm định, nghiệm thu công trình.
|