Bao biện & Nguỵ biện - “Căn bệnh” trong công tác phòng chống tham nhũng

Nội dung bài viết

Câu hỏi 1: Nhìn lại những vụ án chống tham nhũng thời gian vừa qua, có những cán bộ lãnh đạo dù đứng trước toà nhưng vẫn kiên quyết đưa ra những lý lẽ bao biện cho hành vi của mình? LS đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

Trả lời:

Đây có thể gọi là một “căn bệnh” trong công tác phòng chống tham nhũng mà chúng ta phải đấu tranh. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ ý chí coi thường pháp luật của những những cán bộ lãnh đạo, những công chức viên chức biết rằng việc mình làm sai nhưng bởi lòng tham mà họ vẫn cố tình thực hiện. Điều đó thể hiện ở việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn và những lỗ hổng trong công tác kiểm tra giám sát, đấu tranh phòng chống tham nhũng trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao để thực hiện hành vi vụ lợi. Khi bị phát hiện họ mặc dù là họ biết là đã làm sai nhưng vẫn không ăn năn hối cải mà lại lấy những lý lẽ bao biện, ngụy biện cho việc làm của mình để biến việc tham nhũng thành những điều hợp lí để thực hiện hành vi của mình nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Như trong vụ việc “Việt Á” vừa qua, cả Đảng, Nhà Nước và Hệ thống chính trị với quan điểm “ Không có vùng cấm” đã xét xử rất nhiều cán bộ tham nhũng, cũng không ít những người ngụy biện hay bao biện về hành vi của mình nhưng vẫn được đưa ra xét xử nghiêm minh. Hiện tượng này rất nghiêm trọng vì gây ảnh hưởng trong việc quản lí và vận hành bộ máy nhà nước nên phải bị triệt tiêu ngay trong tâm trí những cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức. Cần có những quy định và chế tài xử phạt nghiêm minh những trường hợp bao biện này. Những chế tài đó phải đủ nặng để trừng trị những đối tướng đó từ đó răn đe những người khác có ý định làm như vậy để họ không dám thực hiện hành vi bao biện cho những việc làm sai của mình.

 

Câu hỏi 2: Trong quá trình thực thi công vụ, thói bao biện trong cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức còn được biểu hiện như thế nào?

Trả lời:

Trong quá trình thực thi công vụ, thói bao biện được biểu hiện trong tác phong làm việc của các cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức. Thay vì lắng nghe những ý kiến đóng góp, nhiều cán bộ có tác phong là bao biện lại những lỗi sai của mình bằng cách nói giảm nói tránh hoặc đổ lỗi cho những điều kiện khách quan và không chịu lắng nghe những ý kiến đóng góp ấy. Ví dụ đơn giản như trong quá trình làm việc thì nhiều người còn không thực hiện đúng quy định về đồng phục, khi bị nhắc nhở thì họ lại lấy lý do là do thời tiết, cơ sở vật chất không đáp ứng. Hay có những người đến muộn hoặc không có mặt tại phòng trong giờ làm việc, khị bị hỏi đến thì họ bao biện rằng là do có lịch họp đột xuất, do bị tắc đường nên đến muộn.

Thói bao biện còn thể hiện ở việc khi làm sai hay xảy ra vấn đề thì giữa những cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức lại đổ lỗi lẫn nhau. Biểu hiện là trong quá trình làm việc khi xảy ra sai sót hoặc khi nhận đc các đơn thư khiếu nại của người dân thay vì xử lý thì những người này sẽ đổ lỗi cho các phòng ban khác, nhằm đùn đẩy trốn tránh trách nhiệm.

Trong việc giải quyết các vấn đề khúc mắc hoặc các vấn đề liên quan đến các khoảng trống của pháp luật thì những người này lại thường dè dặt lấy lý do luật chưa quy định chi tiết để trốn tránh không phải xử lý những vấn đề phát sinh nói trên thay vì báo cáo lên cấp trên để tìm cách giải quyết cho người dân.

Thậm chí có những trường hợp còn bao biện rằng những việc sai trái mà họ làm là điều hoàn toàn bình thường. Điều này đã gây tiêu cực trong nội bộ và sự vận hành trơn tru của bộ máy.

Câu hỏi 3: Mục đích của sự bao biện đó là gì, thưa Luật sư?

Trả lời:

Mục đích mà người ngụy biện, bao biện chính là cố ý đánh lạc hướng, nhằm mục đích hướng người khác về một hướng khác mà có lợi cho người đó, làm cho người khác nhầm tưởng giữa cái đúng và cái sai. Ngụy biện, bao biện này mục đích chính là hướng người nghe tin vào những lời người nói đưa ra. Ngoài ra, những lời nói bao biện cũng là phương thức để những người đó dùng để bảo vệ bản thân mình. Họ dùng những lời bao biện đó nhằm bao che cho sự yếu kém của bản thân từ đó làm giảm bớt đi trách nhiệm của họ đối với vấn đề mà họ làm sai, để từ đó bảo vệ bản thân khỏi những hình phạt, chế tài.

Cụ thể như trong những vụ án chống tham nhũng vừa qua, mặc dù biết mình đã làm sai nhưng những cán bộ lãnh đạo đó vẫn kiên quyết đưa ra những lý lẽ để nguỵ biện, bao biện cho hành vi của mình. Những người đó đổ lỗi cho nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau chứ việc làm đó không xuất phát từ ý chí chủ quan của họ. Họ muốn hướng người nghe đến suy nghĩ và tin rằng là những người đó không cố ý thực hiện việc tham nhũng mà chỉ do những yếu tố khách quan khác tác động, nhằm che giấu đi sự tham lam, thiếu trách nhiệm của chính họ.

Từ đó họ lấy nó làm lý do giúp bảo vệ bản thân mình trước pháp luật, với những lý do rằng họ làm những việc đó là do thiếu hiểu biết pháp luật hay muôn vàn những lý do khác để cầu xin sự khoan hồng, giảm hình phạt hay thậm chí là nhằm để thoát tội.

 

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan