Bạn và Pháp luật - Những quy định của Pháp luật về bảo tồn, chống các hành vi xâm phạm đình, chùa, nơi thờ tự

Nội dung bài viết

Nhân lời mời phỏng vấn của phóng viên chương trình Bạn và Pháp luật kênh VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà - chủ tịch công ty luật TNHH SB Law sẽ giải đáp các thắc mắc liên quan đến pháp luật về bảo tồn, chống các hành vi xâm phạm đình, chùa và nơi thờ tự.

Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:

Hàng loạt các vụ trộm cắp xảy ra tại các đình, chùa, nơi thờ tự trong thời gian qua, trong đó có nhiều cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa cao. Thực trạng này đang cho thấy điều gì, thưa luật sư?

Trộm cắp cổ vật trong các di tích là vấn nạn xảy ra từ nhiều năm nay. Các cổ vật bị đánh cắp thường có giá trị kinh tế cao và có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, khoa học, mỹ thuật, ... nên các đối tượng trộm cắp thường mang bán cho giới chuyên buôn bán cổ vật đem lại lợi nhuận rất lớn.

Nguyên nhân của tình trạng này là do đền chùa, nơi thờ tự thường ở những nơi vắng vẻ, xa khu dân cư, đồng thời, các di tích lịch sử văn hóa thường được xây dựng đã lâu nên độ an toàn từ các cổng, cửa, hàng rào, ổ khóa thường không đảm bảo. Việc phân công canh gác, bảo vệ thường phó mặc cho các “ông từ” (đa số là người cao tuổi) nên không đảm bảo việc tuần tra. Thậm chí có nơi họ không được hưởng bất kỳ khoản tiền bồi dưỡng nào về công việc bảo vệ cổ vật quý hiếm. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều di tích đình, đền chùa. Bên cạnh đó, một số đơn vị quản lý vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trong khâu giám sát việc bảo vệ cổ vật, chưa có những biện pháp bảo vệ cổ vật tốt hơn, chặt chẽ và cụ thể hơn.

Đối với hành vi trộm cắp, mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép cổ vật thì theo Luật di sản văn hóa cả người bán và người mua có thể bị xử lý ra sao, thưa ông?

Hành vi mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 13 Luật di sản văn hóa năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Đối với hành vi trộm cắp, mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép cổ vật, theo quy định tại Điều 71 Luật di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi bổ sung năm 2009): “Người nào vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hoá thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về xử phạt hành chính, Điểm b Khoản 7 và Điểm c Khoản 9 Điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo như sau:

7. Tịch thu tang vật vi phạm đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Mua, bán, trao đổi, vận chuyển trái phép trên lãnh thổ Việt Nam di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp.

...

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

.....

c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 2 và khoản 7 Điều này.”

Như vậy, đối với hành vi mua/bán cổ vật thuộc di tích lịch sử - văn hóa có thể sẽ bị tịch thu cổ vật vi phạm. Đồng thời, số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị buộc nộp lại bất kể người mua hay bán.

Tùy thuộc vào kết quả định giá tài sản, vào mức độ hành vi phạm tội và các tình tiết khác, người phạm tội trộm cắp cổ vật có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội trộm cắp tài sản tại Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Trong trường hợp người mua cổ vật mà biết rõ cổ vật đó là tài sản do trộm cắp mà có thì người mua có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 323 Bộ Luật hình sự năm 2015, với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Vậy theo quy định thì đình làng, nơi thờ tự chung của cộng đồng sẽ thuộc quyền sở hữu của cá nhân hay tổ chức nào, thưa luật sư?

Luật di sản văn hóa quy định mọi di sản văn hoá ở trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, ở vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc sở hữu nhà nước.

Theo đó, những công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học sẽ thuộc sở hữu của nhà nước.

Việc đình làng hay nơi thờ tự này đã hay chưa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa thì có được quy định khác nhau về quyền sở hữu và quản lý không?

Điều 5 Luật di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định:

Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hoá thuộc sở hữu nhà nước; công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hoá theo quy định của pháp luật.

Quyền sở hữu, quyền tác giả đối với di sản văn hoá được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo đó, đối đình làng, nơi thờ tự đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa sẽ thuộc sở hữu của nhà nước và chịu sự quản lý của nhà nước theo quy định của Luật di sản văn hóa.

Đối với đình làng, nơi thờ tự chưa được xếp hạng di sản văn hóa, Khoản 1 Điều 211 Bộ luật dân sự 2015 quy định về sở hữu chung của cộng đồng như sau:

“1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng.”

Như vậy, căn cứ vào nguồn gốc hình thành theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng sử dụng làm nơi thờ cúng, cũng như việc đóng góp của các thành viên trong cộng đồng để xây dựng thành nơi thờ tự, đình, miếu… được xác định thuộc sở hữu chung của cộng đồng. Các thành viên của cộng đồng sẽ cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Liên quan đến công tác quản lý đình, chùa, nơi thờ tự thì trách nhiệm của những người được người dân bầu ra để trông coi ra sao? Và nều để xảy ra sai phạm thì chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm như thế nào, thưa luật sư?

Khoản 4, Điều 13 Luật Di sản văn hóa có quy định nghiêm cấm mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài. Thế nhưng lại chưa quy định rõ trách nhiệm khi để mất cổ vật tại đình, chùa.

Trong thực tế, sau khi bị mất cổ vật thì người trông coi cũng chỉ phải giải trình và bị nhắc nhở, không ai thực sự phải đứng ra chịu trách nhiệm cả.

Vâng, tuần qua chúng tôi có nhận được câu hỏi của bác Lê Đức Long ở Nam Định, bác Long có hỏi:

Đình làng tôi được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tình. Tuy nhiên, do được xây dựng đã lâu, qua quá trình sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều công trình đã hỏng không đảm bảo cảnh quan và an toàn cho mọi người. Chúng tôi trong ban khánh tiết của đình muốn vận động bà con đóng góp để tu sửa lại đình làng vậy có thể tự ý thực hiện việc tu sửa không? Nếu không thì phải xin phép cơ quan, tổ chức nào và thủ tục ra sao?

Xin mời luật sư giải đáp thắc mắc của bác Long.

Theo Khoản 3 Điều 58 Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016, việc tu bổ, phục hồi cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng; việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc các cơ sở này thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật về xây dựng.

Cụ thể, Khoản 1 Điều 20 Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL, việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích hoặc đối tượng kiểm kê di tích thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng sau khi có ý kiến bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao.

Về thủ tục, cần gửi hồ sơ với các tài liệu được quy định tại Điều 19 thông tư này tới Sở VHTTDL, sở có trách nhiệm tham gia ý kiến trong thời hạn 7 ngày làm việc.

Hồ sơ bao gồm:

  1. Thuyết minh lý do tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ, nêu rõ tình trạng kỹ thuật và các nguy cơ gây xuống cấp, sập đổ, hủy hoại di tích hoặc đối tượng kiểm kê di tích; đề xuất phương án tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ.
  2. Ảnh in màu, kích thước 10 x 15 cm trở lên, mô tả hiện trạng xuống cấp của di tích hoặc đối tượng kiểm kê di tích tại thời điểm lập hồ sơ.
  3. Bản vẽ phương án tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ.
  4. Khai toán chi phí tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ.

 

Vâng, như vậy theo luật thì việc tu sửa lại các di tích thì phải được sự đồng ý của sở văn hóa thể thao và du lịch. Vậy việc tu bổ và tôn tạo lại các di tích này sẽ phải tuân thủ theo những nguyên tắc gì, thưa luật sư?

Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích có quy định một số nguyên tắc trong hoạt động thiết kê bản vẽ thi công tu bổ và trong hoạt động thi công tại Điều 3 và Điều 4, cụ thể là:

"Điều 3. Nguyên tắc trong hoạt động thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích

  1. Tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa, về xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan.
  2. Được lập trên cơ sở nghiên cứu, xác định đặc điểm, giá trị, tình trạng kỹ thuật, kết quả khảo sát liên quan đến di tích và phải tuân thủ thiết kế cơ sở của dự án tu bổ di tích đã được phê duyệt.
  3. Ưu tiên sử dụng các giải pháp kỹ thuật truyền thống (trường hợp giải pháp kỹ thuật truyền thống không đáp ứng yêu cầu về tu bổ di tích thì được áp dụng giải pháp kỹ thuật, công nghệ hiện đại phù hợp, đã được kiểm nghiệm trong thực tế và không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc, giá trị của di tích). Ưu tiên bảo quản, gia cố, gia cường di tích trước khi áp dụng phương án tu bổ, phục hồi di tích.
  4. Được điều chỉnh, bổ sung khi có phát sinh, phát hiện mới về di tích.
  5. Thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân và cộng đồng dân cư nơi có di tích.

Điều 4. Nguyên tắc trong hoạt động thi công tu bổ di tích

  1. Tuân thủ thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được phê duyệt, quy định về quản lý chất lượng, tiến độ, khối lượng thi công, an toàn lao động và các quy định pháp luật có liên quan.
  2. Ưu tiên sử dụng phương pháp thi công truyền thống, chú trọng bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ cấu kiện, thành phần kiến trúc trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích.
  3. Được thực hiện dưới sự giám sát của cộng đồng dân cư nơi có di tích; thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân và cộng đồng dân cư nơi có di tích.
  4. Trường hợp điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích, chủ đầu tư dự án tu bổ di tích phải xem xét điều chỉnh thời gian thi công tu bổ di tích để đảm bảo chất lượng công trình.
  5. Ghi nhận đầy đủ mọi hoạt động đã thực hiện tại công trường trong Nhật ký công trình và Hồ sơ hoàn công.
  6. Bảo đảm an toàn cho di tích và khách tham quan."

Vâng, còn bác Nguyễn Văn Linh ở Thọ Xuân, Thanh Hóa muốn hỏi về thủ tục để đăng ký xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho đình làng mình thì cần những điều kiện gì và thủ tục ra sao? Xin mời Luật sư tư vấn cho bác Linh.

Khoản 1 Điều 28 Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tiêu chí của một di tích lịch sử văn hóa, gồm:

a) Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử, văn hóa tiêu biểu của quốc gia hoặc của địa phương;

b) Công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia hoặc của địa phương trong các thời kỳ lịch sử;

c) Địa điểm khảo cổ có giá trị tiêu biểu;

d) Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị tiêu biểu cho một hoặc nhiều giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi bổ sung 2009) di tích cấp tỉnh là di tích có giá trị tiêu biểu của địa phương, bao gồm:

a) Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của địa phương hoặc gắn với nhân vật có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của địa phương trong các thời kỳ lịch sử;

b) Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị trong phạm vi địa phương;

c) Địa điểm khảo cổ có giá trị trong phạm vi địa phương;

d) Cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị trong phạm vi địa phương.

Thẩm quyền: Điều 30 Luật di sản văn hóa quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, Điều 13 Nghị định 98/2010/NĐ-CP quy định, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét xếp hạng, đề nghị xếp hạng di tích theo thẩm quyền, hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích bao gồm:

a) Đơn đề nghị xếp hạng của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích;

b) Lý lịch di tích;

c) Bản đồ vị trí và chỉ dẫn đường đến di tích;

d) Bản vẽ mặt bằng tổng thể di tích tỷ lệ 1/500, các mặt bằng, các mặt đứng, các mặt cắt ngang, cắt dọc, kết cấu và chi tiết kiến trúc có chạm khắc tiêu biểu của di tích tỷ lệ 1/50;

đ) Tập ảnh màu khảo tả di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích từ cỡ 9cm x 12cm trở lên;

e) Bản thống kê di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích;

g) Bản dập, dịch văn bia, câu đối, đại tự và các tài liệu Hán Nôm hoặc tài liệu bằng các loại ngôn ngữ khác có ở di tích;

h) Biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích có dấu xác nhận của Ủy ban nhân dân các cấp, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên môi trường và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

i) Tờ trình về việc xếp hạng di tích theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa.

Như vậy, để đăng ký xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh cho đình làng mình, bác Nguyễn Văn Linh cần nộp đơn đề nghị xếp hạng của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích tới Sở văn hóa Thể thao và du lịch để được giải quyết.

Một câu hỏi khác của chị Nguyễn Thị Hà ở Hà Nội với nội dung như sau:

Nhà tôi ở sát một ngôi chùa. Nay tôi muốn xây nhà và tường nhà tôi liền kề với tường của chùa. Tuy nhiên có người nói với tôi là không được phép xây nhà sát với chùa như vậy. Tôi xin hỏi ý kiến đó có đúng không? Pháp luật có quy định về khoảng cách tối thiểu giữa nhà dân và khuôn viên của đình, chùa, nơi thờ tự hay di tích lịch sử không?

Vâng, xin lời luật sư giải đáp thắc mắc của chị Hà.

Hiện pháp luật không quy định cụ thể về khoảng cách tối thiểu giữa nhà dân và khuôn viên của đình, chùa, nơi thờ tự hay di tích lịch sử nói chung. Nhưng theo quy định tại Luật Di sản văn hóa và Nghị định 98/2010/NĐ-CP thì khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, bao gồm:

- Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích;

- Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I.

Việc xác định di tích không có khu vực bảo vệ II được áp dụng trong trường hợp di tích đó nằm trong khu vực dân cư hoặc liền kề các công trình xây dựng mà không thể di dời.

Các khu vực bảo vệ phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải được cắm mốc giới trên thực địa.

Khi xây dựng công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ của di tích mà có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích, phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích cấp tỉnh, của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt.

Như vậy, nếu ngôi chùa sát nhà chị Hà là di tích lịch sử - văn hóa, thì chị Hà cần xem việc xây dựng nhà có vi phạm vào mốc cắm khu vực bảo vệ di tích không, nếu việc xây dựng có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích, thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

Để đình, chùa, nơi thờ tự gìn giữ được những nét lịch sử, văn hóa vốn có và tránh nạn trộm cắp cổ vật, theo luật sư cần lưu ý những điều gì?

Trước tiên, để bảo đảm an ninh ở khu vực các đình, chùa, cần xác định và làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bên cạnh việc tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác cần phân cấp mạnh hơn để chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu chịu trách nhiệm chính với sự an toàn và nguyên vẹn của di tích, di sản.

Cần phải xây dựng kiên cố hệ thống tường rào, hệ thống cửa; lắp đặt hệ thống camera, báo động; luân phiên cắt cử người trông coi tại các di tích. Với các di vật, cổ vật, cần thực hiện đăng ký, lập hồ sơ khoa học để kiểm kê, bảo quản.

Người trụ trì, quản lý, trông coi các đình, chùa, nơi thờ tự cần phải nâng cao hơn nữa ý thức cảnh giác trong việc bảo vệ các cổ vật. Theo đó, chính quyền địa phương cũng phải có chế độ thù lao hợp lý cho người bảo vệ, trông coi di tích và gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân nếu để xảy ra mất mát.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tập huấn định kỳ cho ban quản lý, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý đình, chùa, nơi thờ tự, di tích. Ngoài ra cũng cần tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của các di vật, cổ vật, và các chế tài của pháp luật khi có hành vi xâm phạm.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan