BẢN TIN PHÁP LUẬT TUẦN 22

Nội dung bài viết

1. Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/1/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị.

- Chủ đầu tư là doanh nghiệp phải có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị;

có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án đối với các dự án còn lại. Vốn đầu tư thuộc sở hữu của chủ đầu tư phải là vốn thực có của chủ đầu tư tính đến năm trước liền kề với năm chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư phát triển đô thị được thể hiện trong báo cáo tài chính của chủ đầu tư và phải được kiểm toán độc lập xác nhận. Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập thì phải có văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Việc thay đổi chủ đầu tư cấp 1 phải được cơ quan quyết định lựa chọn chủ đầu tư hoặc giao chủ đầu tư thực hiện dự án chấp thuận bằng văn bản. Chủ đầu tư mới phải có đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định này.

- Đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới: Thủ tướng CP quyết định chấp thuận đầu tư sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên; dự án thuộc địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên hoặc khu vực có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng. UBND cấp tỉnh chấp thuận đầu tư đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha đến dưới 100 ha sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng. UBND cấp tỉnh chấp thuận đầu tư các dự án còn lại.

- Trường hợp chủ đầu tư có đề nghị thay đổi, bổ sung một trong các nội dung sau: mục tiêu, quy mô, chức năng sử dụng đất, cơ cấu sản phẩm thì phải gửi hồ sơ dự án điều chỉnh gửi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư để được xem xét chấp thuận.

- Trường hợp chủ đầu tư có đề xuất điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án dẫn đến chậm đưa dự án vào khai thác, sử dụng thì chủ đầu tư phải có văn bản giải trình và phải được UBND cấp tỉnh chấp thuận bằng văn bản.

2. Thông tư 02/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 21/1/2013 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng chính sách dự phòng rủi ro của ngân hàng nước ngoài để phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Trong quá trình thanh tra, giám sát nếu Ngân hàng Nhà nước đánh giá chính sách dự phòng của ngân hàng nước ngoài không phản ánh được mức độ rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng thực tế tại VN, Ngân hàng Nhà nước có thể yêu cầu chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định tại Thông tư này.

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để xếp hạng khách hàng theo định kỳ hoặc khi cần thiết, làm cơ sở cho việc xét duyệt cấp tín dụng, quản lý chất lượng tín dụng, xây dựng chính sách dự phòng rủi ro phù hợp với phạm vi hoạt động và tình hình thực tế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo quy định và phải sử dụng kết quả phân loại nhóm nợ đối với khách hàng do Trung tâm Thông tin tín dụng cung cấp tại thời điểm phân loại để điều chỉnh kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng.

3. Công văn 187/TCT-TNCN của Tổng cục Thuế ngày 15/1/2013 hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2012.

- Cá nhân là người nước ngoài kết thúc làm việc tại Việt Nam, đã thực hiện quyết toán thuế trước 31/12, sau đó cá nhân quay lại VN và làm việc đến hết năm đó thì cuối năm cá nhân thực hiện quyết toán thuế với thu nhập từ ngày 1/1 đến ngày 31/12.

- Trường hợp cá nhân trong năm có phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng mà đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc muộn hoặc đến khi quyết toán thuế mới đăng ký giảm trừ gia cảnh thì khi khấu trừ thuế hàng tháng được tính giảm trừ gia cảnh từ tháng đăng ký giảm trừ; khi quyết toán thuế được tính giảm trừ cho người phụ thuộc từ tháng có nghĩa vụ nuôi dưỡng.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan